Để phục vụ công tác công vụ, Nhà nước đã ban hành các tiêu chí rất cụ thể về điều kiện cần và đủ đối với từng tổ chức, cá nhân tuỳ thuộc vào vị trí, cấp độ, địa bàn…khác nhau theo tiêu chuẩn mà pháp luật hiện hành quy định.
Tuỳ vào điều kiện của từng địa phương và nhu cầu phục vụ công tác, việc phân bổ phương tiện là tài sản Nhà nước gồm phương tiện, xe cộ đối với sự nghiệp công lập sẽ dựa trên các tiêu chí để tránh lãng phí. Và, nhân lực để đưa đón cán bộ lãnh đạo chủ chốt của từng ngành, địa phương cũng được quy định rất cụ thể.
Ngày 11/01/2019, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành Nghị định 04/2019/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô.
Đây được xem là hành lang pháp lý cơ bản để các đơn vị sự nghiệp công lập làm cơ sở đề xuất cấp có thẩm quyền phân bổ Ngân sách để mua sắm, sử dụng phương tiện ô tô phục vụ cá nhân.
Công ty CP Phát triển thuỷ điện Khe Bố - chủ đầu tư đã cho UBND huyện Tương Dương mượn 02 chiếc xe trị giá tiền tỷ nhưng sau gần 10, doanh nghiệp đa phát văn bản đòi lại, địa phương vẫn chưa chịu trả |
Vậy nhưng, có những địa phương như ở huyện Tương Dương, Nghệ An đã được doanh nghiệp cho mượn tài sản là 02 xe ô tô có giá trị hàng tỷ đồng đến nay đã gần 10 năm nhưng vẫn không chịu trả lại.
Bởi trước đó, để tạo điều kiện thuận tiện cho việc đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư…thi công dự án công trình đập thuỷ điện Khe Bố tại địa phận xã Tam Quang, huyện Tương Dương, Công ty CP Phát triển điện lực Việt Nam (chủ đầu tư) đã cho địa phương này mượn 02 chiếc xe Mitsubishi Pajero. Tài sản 02 chiếc ô tô này do chủ đầu tư cho UBND huyện Tương Dương mượn để đi lại có giá trị tại thời điểm cuối năm 2012 là 1.094.696.500 đồng.
Phải nói rằng, động thái cho UBND huyện Tương Dương “mượn” 02 xe ô tô tiền tỷ mà thời điểm đó Công ty CP Phát triển điện lực Việt Nam thực hiện cũng nhằm mục đích “tạo điều kiện” để cán bộ, tổ chức địa phương thuận tiện trong việc đi lại. Và, động thái này, theo như phía chủ đầu tư nêu trong văn bản số 771 ngày 04/6/2021 thì để tạo điều kiện để làm tốt công tác đền bù, di dân tái định cư…tại thời điểm bàn giao 02 xe nói trên.
Sau khi công việc thi công, vận hành thuỷ điện Khe Bố đã cơ bản hoàn thành, đến thời điểm 04/6/2021, Công ty CP Phát triển điện lực Việt Nam cũng đã có văn bản yêu cầu UBND huyện Tương Dương trả lại 2 xe ô tô nhãn hiệu Mitsubishi Pajero – Sport lần lượt mang BKS số 37A - 000.98 và 37A - 002.09 trước ngày 30/6/2021.
Tuy nhiên, để phúc đáp lại văn bản của chủ đầu tư thuỷ điện Khe Bố thì đến ngày 8/7/2021 UBND huyện Tương Dương đã có văn bản 649/UBND-NL lại nói rằng “…đến nay công tác hồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án còn nhiều nội dung chưa được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của nhân dân.
Để giải quyết những tồn tại, UBND huyện vẫn thường xuyên phối hợp trực tiếp với chủ đầu tư thủy điện Khe Bố, UBND các xã, thị trấn để giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp. Vì vậy UBND huyện cần có phương tiện đi lại để giải quyết các vấn đề còn tồn tại, chưa xử lý dứt điểm”.
Mặc dù, doanh nghiệp đã ban hành văn bản "đòi" lại nhưng tài sản đã cho UBND huyện Tương Dương mượn vẫn chưa trả vì phần đền bù, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư chưa thể hoàn thành? |
Như vậy, lý do mà UBND huyện Tương Dương chưa thể trả lại 02 xe ô tô cho doanh nghiệp thì đã rõ. Nhưng đằng sau câu chuyện cơ chế “cho-mượn” này đang tạo ra tiền lệ mà tỉnh Nghệ An đã từng xảy ra từ cấp cao hơn.
Bởi trước đó, vào năm 2014, Văn phòng Tỉnh uỷ Nghệ An cũng đã nhận 01 chiếc xe Toyota Land Cruiser có giá trị tại thời điểm đó là 2,7 tỷ đồng do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Tuấn Lộc (trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh) tặng.
Tiếp đó, vào năm 2015, một chiếc Land Cruiser 4.7 VX trị giá khoảng 2,7 tỷ đồng do Tổng công ty Cienco 4 tặng UBND tỉnh Nghệ An để giúp địa phương phục vụ công tác.
Cả 02 chiếc xe sang mà 02 doanh nghiệp tặng cho Văn phòng Tỉnh uỷ - Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An sau đó vài năm cũng được đem ra bán đấu giá, thu hồi biển xanh đã được đăng ký, đăng kiểm trước đó.
Trong khi đó, nếu chiếu theo các quy định, trong đó có Nghị định 04/2019/NĐ-CP thì tại Điều 7 quy định “Chức danh được sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và đi công tác với giá mua tối đa 920 triệu đồng/xe”. Cụ thể, tại khoản b Điều 7 nêu rõ “Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trừ thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh”.
Ngày 01/3/2017, tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng cũng chỉ đạo quán triệt về sau không cho phép các địa phương được nhận xe do doanh nghiệp tặng, cho.
Như vậy, việc các cơ quan từ cấp tỉnh cho đến huyện ở Nghệ An “vận dụng” cơ chế sử dụng ô tô do doanh nghiệp tặng, cho mượn đã trở thành “tiền lệ” trong những năm qua. Trong khi đó, quy định về mua sắm, sử dụng ô tô từ nguồn Ngân sách Nhà nước để các cá nhân, tổ chức phục vụ công tác đã được ban hành theo từng tiêu chí.
Nhưng vì sao, thực trạng các cơ quan công quyền trên địa bàn tỉnh Nghệ An lại “bật đèn xanh” để nhận tài sản là ô tô do doanh nghiệp tặng, cho mượn… lại có thể dễ dàng tồn tại được như vậy? Và, nếu doanh nghiệp không tặng, cho mượn tài sản là xe ô tô để thì nhiệm vụ công tác, thực thi công vụ sẽ như thế nào?
Tác giả: Ngọc Thái
Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn