Công khai bán hàng
Lướt một vòng “chợ” Facebook, Zalo, có thể nhận thấy hoạt động buôn bán rất nhộn nhịp, đa dạng chủng loại hàng hóa. Điều này tạo thuận lợi cho cả người mua và người bán vì tiến hành dễ dàng, nhanh chóng. Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Hường - Phó Cục trưởng Cục QLTT Nghệ An - cho rằng, vấn nạn giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... được công khai mua bán trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo hay trên các website thương mại điện tử, các sàn giao dịch thương mại điện tử đang tiềm ẩn nhiều vấn đề tiêu cực, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác thanh tra kiểm tra.
Lực lượng QLTT Nghệ An phát hiện shop "người lớn" kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc qua mạng xã hội Facebook |
Trước tình hình đó, lực lượng QLTT Nghệ An đã tăng cường kiểm tra việc kinh doanh của các tổ chức, cá nhân bán hàng trên mạng. Điển hình, vào cuối tháng 7 vừa qua, Đội QLTT số 11 - Cục QLTT Nghệ An phối hợp với Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Nghệ An đã xác định được bà H.G - chủ tài khoản mạng xã hội Facebook M.M đồng thời cũng là chủ cửa hàng kinh doanh hàng mỹ phẩm và quà tặng tại đường Herman, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. Đoàn kiểm tra đã xây dựng phương án và tiến hành kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng kinh doanh đang bày bán 560 sản phẩm mỹ phẩm các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đội QLTT số 11 đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính, tịch thu để tiêu hủy toàn bộ số sản phẩm mỹ phẩm nói trên.
Tiếp đó ngày 20/8/2020, Đội QLTT số 11 - Cục QLTT Nghệ An phối hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn đã xác định được ông V.P.N - chủ tài khoản mạng xã hội Facebook B.C.S đồng thời cũng là chủ cơ sở kinh doanh shop "người lớn" tại phường Hưng Dũng, TP. Vinh (Nghệ An). Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở kinh doanh đang bày bán các mặt hàng bao cao su, thuốc xịt tăng cường sinh lý nam giới không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, giấy tờ liên quan kèm theo để chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.
Ông V.P.N thừa nhận toàn bộ số hàng trên ông mua trôi nổi trên thị trường về đăng bán trên Facebook để kiếm lời và không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ liên quan kèm theo để chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Đội QLTT số 11 đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính với ông V.P.N với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ theo quy định.
Siết chặt quản lý
Bằng việc áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ cũng như sự dày công nghiên cứu của tập thể cán bộ đoàn kiểm tra để nắm rõ phương thức, thủ đoạn của các đối tượng hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn. Kể từ khi triển khai thực hiện Quyết định số 2981/QĐ-BCT của Bộ Công Thương đến nay, Cục QLTT Nghệ An đã xử lý được 30 tổ chức, cá nhân vi phạm với tổng giá trị thu phạt 686,320 triệu đồng.
Đội QLTT số 11- Cục QLTT phối hợp với Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Nghệ An đã xác định được bà H.G - chủ tài khoản mạng xã hội Facebook M.M đồng thời cũng là chủ cửa hàng kinh doanh hàng mỹ phẩm và quà tặng tại đường Herman, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An |
Thế nhưng qua thực tiễn, lãnh đạo lực lượng QLTT Nghệ An cũng thừa nhận đây là lĩnh vực vừa mới vừa khó. Cụ thể, có nhiều địa chỉ bán hàng online khai báo thông tin, đăng ký hoạt động kinh doanh không chính xác về nhân thân và địa chỉ, thường xuyên thay đổi địa điểm, không theo trình tự thời gian cụ thể.
Các đối tượng vi phạm là những đối tượng có trình độ, hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi, thường xuyên thay đổi, lợi dụng triệt để thành tựu khoa học - kỹ thuật để thực hiện hành vi vi phạm; các website thương mại điện tử bán hàng vi phạm, đặc biệt là các website sử dụng tên miền quốc tế như .com, .net, .org… còn mập mờ về thông tin chủ sở hữu, được tạo ra và đóng lại trong thời gian ngắn, khiến lực lượng chức năng khó kiểm soát, cũng như khó xác định chứng cứ để đấu tranh, xử lý.
Hoạt động kinh doanh hàng hóa qua mạng xã hội, sàn giao dịch điện tử xuất hiện những mô hình mới như bán hàng qua nền kinh tế chia sẻ, Drop Shipping, Affilate marketing …, thuê fanpage, youtube chanel, các tài khoản mạng xã hội có tương tác tốt để thực hiện hoạt động bán hàng đòi hỏi lực lượng chức năng cần phải tập trung nghiên cứu để có phương thức quản lý hiệu quả.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng mua phải sản phẩm giả, kém chất lượng nhưng do tâm lý ngại va chạm, số lượng, số tiền ít nên không tố giác hành vi vi phạm. Quan trọng hơn là các đối tượng vi phạm sau khi dùng tài khoản bán hàng đã đóng hoặc xóa tài khoản để thiết lập một tài khoản khác cho mục đích lừa đảo tiếp theo. Do đó người tiêu dùng muốn tố giác cũng không còn chứng cứ.
Tác giả: Hoàng Trinh
Nguồn tin: Báo Công Thương