"Chúng tôi đang nỗ lực hết mình để thi công đập Khe Lại đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng”, Kỹ sư Nguyễn Hồng Sơn, đại diện chủ đầu tư chia sẻ. Ảnh: Quang Tiến. |
Hệ thống công trình thủy lợi Khe Lại - Vực Mấu được Bộ NN-PTNT phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật ngày 11/6/2009, giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư gần 228 tỷ đồng. Sở NN-PTNT Nghệ An làm chủ đầu tư.
Cụm đầu mối được xây dựng tại xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu với một đập chính dài 318m chặn dòng qua Khe Lại. Đập có chiều cao 21,5m, dung tích hồ chứa đạt 19 triệu m3, ngoài ra còn có hai đập phụ và tràn xã lũ bằng điện năng.
Công trình khởi công vào năm 2010, kế hoạch đến năm 2014 sẽ hoàn công. Tuy nhiên do kinh phí phân bổ hạn hẹp đã ảnh hưởng nhiều đến quá trình giải phóng mặt bằng (GPMB) cũng như tiến độ chung, nhất là phần đập chính với khối lượng khổng lồ.
Nhà thầu tập trung trang thiết bị máy móc thi công đập Khe Lại đủ 3 ca/ngày. Ảnh: Hồ Quang. |
Ngày 19/10/2021 Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận kéo dài thời gian bố trí vốn cho dự án đang thi công dở dang, chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020 sang giai đoạn 2021 - 2025.
Tiếp đó, ngày 29/10/2021 Bộ NN-PTNT ký Quyết định “Phê duyệt điều chỉnh Dự án Giai đoạn 1 Hệ thống thủy lợi Khe Lại - Vực Mấu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An”, bổ sung thêm 400 tỷ đồng so với ban đầu, tương đương gần 628 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án đến 30/12/2024.
Nhờ nguồn vốn cấp kịp thời, năm 2023 công tác đền bù GPMB cơ bản đã thực hiện xong, đây là bước đệm để các bên tập trung đẩy nhanh tiến độ.
Đập đất Khe Lại thi công đến đâu thì mái thượng lưu được lát đá bảo vệ đến đó. Ảnh: Hồ Quang. |
Kỹ sư Nguyễn Hồng Sơn, cán bộ giám sát thuộc Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình NN-PTNT Nghệ An chia sẻ: “Với tinh thần vượt nắng thắng mưa, chủ đầu tư luôn có mặt kịp thời để đôn đốc, chỉ đạo nhà thầu tập trung cao độ, dồn sức nạo vét và xử lý chống thấm ở lòng khe, đồng thời chủ động tập kết bãi vật liệu để lấy đất đắp đập. Hiện đập chính đã thi công đến cao trình 45, còn thiếu 4,5m nữa là đến cao trình thiết kế đỉnh đập. Đất đắp đập đến đâu thì mái thượng, hạ lưu cũng được lát đá và trồng cỏ đến đó”.
Về phía đại diện nhà thầu thi công đập chính Khe Lại, ông Nguyễn Văn Lực, Giám đốc Công ty Lực Nguyên Khang cho biết: “Công trình ngưng trệ một thời gian chủ yếu do công tác GPMB, nay với sự vào cuộc quyết liệt của các Ban, ngành cấp tỉnh, huyện, chúng tôi cũng nỗ lực hết mình, huy động hết nhân lực, vật lực, tranh thủ thời gian thuận lợi thi công cả ngày lẫn đêm. Lúc này trên công trường có 4 máy lu chân cừu (máy đầm), 5 máy đào, 3 máy ủi, 6 xe vận tải đất hoạt động hết công suất (3 ca/ngày)”.
Tràn xả lũ đập Khe Lại vận hành bằng điện năng. Ảnh: Hồ Quang. |
Hiện tại đơn vị thi công đã xử lý xong lòng khe, hạng mục đê quai chặn dòng cũng đã thực hiện. Các bên liên quan đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu qua lũ tiểu mãn sẽ chính thức hợp long đập, đến cuối năm 2024 đưa hệ thống công trình vào khai thác sử dụng, qua đó đảm bảo nguồn nước phục vụ tưới tiêu cho 1.524 ha đất canh tác, tạo nguồn nước sinh hoạt cho 11.700 hộ dân, bổ sung 13,4 triệu m3 nước/năm cho hồ Vực Mấu, đồng thời tham gia cắt giảm lũ cho sông Hoàng Mai. |
Tác giả: Hồ Quang
Nguồn tin: nongnghiep.vn