Trong tỉnh

Nghệ An dẫn đầu cả nước về xuất khẩu lao động

Dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, năm 2021, Nghệ An vẫn tiếp tục dẫn đầu cả nước về số người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Mức thu nhập do người lao động đi làm việc ở các nước chuyển về bình quân từ 15 đến 30 triệu/ người/ tháng góp phần nâng cao đời sống cho người lao động và gia đình. Nhiều người lao động sau khi làm việc ở nước ngoài về nước có tay nghề vững, tiếp tục vào làm việc tại các doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư nước ngoài có mức thu nhập cao...

Những tín hiệu vui

Năm 2021, dưới sự tác động của đại dịch COVID-19 đã đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái, gây ra tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng về việc làm. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, phải tạm ngừng hoạt động, cắt giảm lao động nên lĩnh vực công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Trong bối cảnh đó, tỉnh Nghệ An đã tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nên công tác giải quyết việc làm cho người lao động đạt nhiều khởi sắc.

Theo số liệu thống kê, năm 2021, tỉnh Nghệ An đã giải quyết việc làm cho 40.294 người, đạt 104.66% kế hoạch đề ra. Trong đó, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 11.210 người và tiếp tục dẫn đầu cả nước về số người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Một số địa phương có số người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cao như Nghi Lộc 1.200 người, Diễn Châu 1.075 người, Yên Thành 1.163 người.

Một số huyện miền núi như Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu đã thực hiện tốt công tác vận động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, bên cạnh số lượng người đi XKLĐ tập trung ở các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan, Rumani thì đáng chú ý là số lao động đi làm việc ở các thị trường có thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu tăng hơn so với các năm trước.

Số lao động đi làm việc ở nước ngoài có trình độ tay nghề tăng lên chiếm khoảng trên 60% và có khoảng 5% lao động là sinh viên đã tốt nghiệp cao đẳng và đại học cũng tham gia đi xuất khẩu lao động tập trung các ngành kỹ sư xây dựng, kỹ sư cơ khí, chế tạo máy, tin học và điều dưỡng viên có trình độ từ cao đẳng trở lên.

Lao động Nghệ An không ngừng nâng cao trình độ để đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng.

Tiếp tục khai thác tiềm năng

Dù đứng đầu cả nước về số lượng người đi XKLĐ nhưng theo đánh giá chung thì vẫn chưa xứng với tiềm năng. Được biết, mục tiêu của tỉnh Nghệ An trong năm 2022 là giải quyết việc làm cho 42.900 người, trong đó đưa được 13.550 người lao động đi làm việc ở nước ngoài và tư vấn hỗ trợ số lao động làm việc ở nước ngoài về nước do ảnh hưởng dịch COVID-19 để họ quay trở lại thị trường lao động trong nước và ngoài nước làm việc.

Để đạt được mục tiêu đó, ngay từ đầu năm, tỉnh Nghệ An đã quan tâm đẩy mạnh công tác dạy nghề cho lao động, chuẩn bị nguồn lao động nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường nước ngoài và nâng cao thu nhập cho người lao động có tay nghề khi tham gia lao động ở nước ngoài.

Tất cả người lao động trước khi tham gia đi làm việc ở nước ngoài đều được đào tạo ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết. Nội dung lẫn hình thức đào tạo phù hợp giúp người lao động nắm được những kiến thức cơ bản về phong tục tập quán, pháp luật, điều kiện làm việc ở nước sở tại để hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

Đồng thời cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Phối hợp các Sở, Ban, Ngành, địa phương thực hiện tốt chính sách của Trung ương và của tỉnh về hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Thẩm định, giới thiệu các đơn vị, doanh nghiệp có chức năng tuyển chọn, cung ứng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về các địa phương tuyển chọn lao động, ưu tiên tập trung tuyển chọn lao động thuộc các huyện miền núi, các đối tượng chính sách do đó đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động và đơn vị trong việc tư vấn, tuyển chọn lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài.

Giao các huyện, thành, thị xác định rõ vai trò trách nhiệm trong công tác đưa người lao động trên địa bàn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và đưa chỉ tiêu này vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm.

Các cơ quan cấp tỉnh, huyện và xã tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và các đơn vị hoạt động dịch vụ việc làm cung ứng lao động có uy tín, tuyển chọn và đưa được nhiều lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, chú trọng đưa lao động đi làm việc tại các thị trường có thu nhập cao, ổn định, môi trường làm việc tiên tiến.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các Sở, ban ngành có liên quan và các cấp chính quyền địa phương đối với hoạt động tuyển chọn lao động trên địa bàn. Thường xuyên theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để đưa hoạt động này ngày càng chất lượng và hiệu quả.

Tác giả: Hải Việt

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP