Đây là thông tin được ông Dương Đình Chỉnh – Giám đốc Sở Y tế kiêm Phó Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nghệ An xác nhận với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp như vậy vào chiều 29/9. Ông Dương Đình Chỉnh cũng cho biết, hiện tại địa phương cũng chuẩn bị các phương án để sử dụng tài sản trang thiết bị y tế tiền tỷ đã đầu tư trước đó.
5 bệnh viện dã chiến dừng hoạt động sau hơn 3 tháng thành lập
Kể từ khi xuất hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên trong cộng đồng từ hồi giữa tháng 6/2021 đến sáng 29/9, tổng luỹ tích trên địa bàn tỉnh Nghệ An ghi nhận 1.823 ca mắc COVID-19. Luỹ tích điều trị khỏi bệnh cho người nhiễm COVID-19 ở Nghệ An cũng đã có 1.766 bệnh nhân được ra viện.
Từ khi xuất hiện dịch COVID-19 đến sáng 29/9, Nghệ An cũng có 18 ca tử vong và hiện tại vẫn còn 39 bệnh nhân đang được điều trị. Trong 2 ngày qua, Nghệ An cũng không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, có 429/460 phường, xã của Nghệ An đã chuyển sang trạng thái bình thường mới từ trước đó. Hiện chỉ có 31 phường, xã trên địa bàn đang được đánh giá có nguy cơ tái lây nhiễm dịch nên vẫn phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch.
Cũng trong thời điểm xuất hiện dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng, có nhiều diễn biến ngày càng phức tạp, Nghệ An đã thành lập ngay Bệnh viện dã chiến số 01 tại Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên vào cuối tháng 6/2021. Tiếp đó, từ trung tuần tháng 8/2021, các Bệnh viện dã chiến số 02 (ở huyện Nghĩa Đàn), Bệnh viện dã chiến số 03, 04, 05 đặt tại thị xã Cửa Lò cũng lần lượt được thành lập.
Sau một thời gian thành lập, đưa vào hoạt động, các Bệnh viện dã chiến ở Nghệ An đã dừng hoạt động |
Tuy nhiên, đến thời điểm ngày 29/9, tất cả 05 bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Nghệ An đã dừng hoạt động do số người mắc giảm, điều trị khỏi bệnh, ra viện chiếm tỷ lệ rất cao.
Riêng bệnh viện dã chiến số 04 có thông báo dừng hoạt động sớm nhất từ 21/9, tiếp đến Bệnh viện dã chiến số 01 dừng hoạt động từ 25/9, Bệnh viện dã chiến số 02 và 03 dừng hoạt động từ ngày 29/9, Bệnh viện dã chiến số 05 cũng dừng hoạt động từ ngày 28/9.
Riêng 39 bệnh nhận mắc COVID-19 còn lại hiện đang được điều trị, theo dõi tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An.
Kế hoạch đưa vào hoạt động Bệnh viện dã chiến số 06 cũng dừng lại do số ca mắc COVID-19 ở Nghệ An giảm, dịch được khống chế trên diện rộng.
Máy móc, thiết bị y tế tiền tỷ sử dụng như thế nào?
Được biết, giai đoạn đầu, khi triển khai thành lập các Bệnh viện dã chiến số 01 và 02, tỉnh Nghệ An đã nhanh chóng phê duyệt các gói thầu theo hình thức chỉ định cung cấp thiết bị, máy móc, vật tư y tế…có giá trị hàng chục tỷ đồng.
Đơn cử như vào ngày 19/7, ông Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt danh mục, dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại Quyết định số 2494 mua sắm 21 loại máy móc, phương tiện phục vụ cho Bệnh viện dã chiến số 1 với giá dự toán đưa ra 8.283.240 nghìn đồng.
Công ty TNHH AT&T là đơn vị được tỉnh Nghệ An lựa chọn, chỉ định thầu gói thầu nói trên với giá trúng thầu 8.200.840.000 đồng.
Đến ngày ngày 27/8/2021, ông Dương Đình Chỉnh - giám đốc Sở Y tế Nghệ An cũng ký Quyết định công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu này trúng gói mua sắm trang thiết bị, vật tư cho Bệnh viện dã chiến số 2 với mức bỏ giá 3.917.170.000 đồng. Theo đó, gói thầu này được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, thời gian thực hiện hợp đồng trọn gói trong vòng 45 ngày.
Kể từ khi phát hiện ca dương tính trong cộng đồng đầu tiên ở Tp Vinh vào ngày 13/6, đến nay Nghệ An đã cơ bản kiểm soát được dịch |
Cũng với gói thầu cung cấp thiết bị, vật tư…cho Bệnh viện dã chiến số 02 thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo Quyết định số 3138 ngày 24/8/2021 của UBND tỉnh Nghệ An có giá dự toán hơn 4 tỷ đồng thuộc về Công ty Cổ phần Thiết bị Vật tư Y tế và Dược phẩm Nghệ An (địa chỉ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Hưng Dũng, Tp Vinh, Nghệ An) trúng thầu theo hình thức chỉ định thầu.
Chưa kể, các hạng mục mua sắm, trang thiết bị tiền tỷ khác cũng đã được tỉnh Nghệ An phê duyệt đầu tư mua sắm để vận hành các Bệnh viện dã chiến khi đi vào hoạt động.
Nói về công tác quản lý, sử dụng những máy móc tiền tỷ đã được mua sắm, trang bị cho các Bệnh viện dã chiến trên địa bàn sau khi dừng hoạt động, ông Dương Đình Chỉnh – Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết là sẽ bàn giao cho các trung tâm y tế.
“Các trang thiết bị ở các Bệnh viện dã chiến đóng tại trung tâm y tế của huyện, thị sẽ được bàn giao cho đơn vị đó quản lý, tiếp tục sử dụng. Còn lại, các Bệnh viện dã chiến đóng tại cơ sở khác (khách sạn) sẽ được vận chuyển đưa về tập trung cho khu B của Bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An giai đoạn 2 để vận hành Bệnh viện dã chiến ở đây với quy mô hơn 1000 giường bệnh” – Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết thêm.
Tác giả: NGỌC THÁI
Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn