Trong tỉnh

“Nâng chất” OCOP Nghệ An

Các chủ thể sản xuất Nghệ An không ngừng nỗ lực nghiên cứu, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP để hiện thực hoá khát vọng tiến ra thế giới.

Đến nay, Nghệ An có 712 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên, bao gồm 665 sản phẩm đạt 3 sao, 45 sản phẩm đạt 4 sao, 2 sản phẩm đạt 5 sao... Trong đó, nhiều sản phẩm đã khẳng định vị thế ở thị trường trong nước và quốc tế.

Nâng cao chất lượng sản phẩm

Trong bối cảnh hội nhập, phát triển sâu rộng như hiện nay, các sản phẩm OCOP Nghệ An ngày càng có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường ra nước ngoài nhờ tận dụng tối đa ưu thế giao thương toàn cầu, xu hướng 4.0 cùng các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia.

Đơn cử, các sản phẩm trà sen của Phúc An Farm đều đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh trở lên. Ông Nguyễn Xuân Huy, nhà sáng lập Phúc An Farm, cho biết: “Hiện nay, một số sản phẩm của công ty đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Australia. Tuy nhiên, để thực sự phủ sóng rộng khắp, được người nước ngoài ưa chuộng sử dụng thì đòi hỏi chúng tôi phải không ngừng nỗ lực nghiên cứu các sản phẩm đạt chất lượng cao hơn nữa, với mức giá phù hợp tuỳ từng phân khúc và thị hiếu tiêu dùng”.

“Mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, kiến tạo thêm nhiều vùng nguyên liệu đạt chuẩn hữu cơ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế và nhu cầu của người dân… là những mục tiêu mà chúng tôi hướng đến trong thời gian tới để đưa các sản phẩm OCOP trà sen mang đậm bản sắc hương vị quê hương xứ Nghệ vươn ra biển lớn”, ông Huy chia sẻ.

Tương tự, sản phẩm mì rau củ Anpaso của Công ty CP An An Agri, địa chỉ tại huyện Diễn Châu, Nghệ An cũng đang tạo được dấu ấn nổi bật trong việc khẳng định thương hiệu, chất lượng sản phẩm ở thị trường trong nước. Đây là sản phẩm khá độc đáo, sử dụng nguyên liệu hữu cơ tự nhiên, thân thiện với môi trường và có giá trị cao trên thị trường. Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành quyết định đánh giá, nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao cho sản phẩm mì rau củ hữu cơ này.

Bà Đặng Thị Tâm – Giám đốc Công ty CP An An Agri, cho biết được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An, Công ty đã chế biến, đưa nông sản vào những sợi mì theo đúng tiêu chuẩn của thực phẩm hữu cơ. Đó là một quy trình sản xuất khép kín, chặt chẽ từ khâu tuyển chọn hạt giống, gieo trồng hữu cơ, thu hái và chế biến trong môi trường an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng với đó là việc vận dụng công thức một cách khoa học, bài bản mới tạo ra được các sản phẩm mì rau củ hữu cơ đạt chuẩn chất lượng.

“Hiện nay, các sản phẩm OCOP của công ty đang được bày bán tại 30 tỉnh, thành phố trên cả nước, bao gồm 40 minimart, 10 chuỗi siêu thị lớn, 5 sàn thương mại điện tử nổi tiếng và hàng trăm cửa hàng thực phẩm. Dự kiến, công ty sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ ở các hệ thống siêu thị trên cả nước và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới”, bà Đặng Thị Tâm cho hay.

Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn

Đánh giá về sản phẩm OCOP mì rau củ Apaso, ông Ngô Hoàng Linh - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, đây là một trong những mô hình nổi bật về sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao của tỉnh Nghệ An. Những sản phẩm như: Mì mầm lúa mạch, mì cải bó xôi, củ cải đỏ, củ nghệ thiên nhiên hữu cơ… hiện đứng vững ở thị trường trong nước, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

“Chúng tôi đã tư vấn hỗ trợ công nghệ chế biến và sau đó là làm tinh bột, tinh chất từ mầm lúa mạch tạo ra những sản phẩm có giá trị thương mại cao hơn, chinh phục được thị trường khó tính như Nhật Bản. Sắp tới, Trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ cho đơn vị về khoa học, công nghệ để tiếp tục mở rộng thị trường, đưa sản phẩm OCOP mì rau củ hữu cơ hiện diện tại nhiều quốc gia hơn nữa”, ông Ngô Hoàng Linh cho biết.

Việc công nhận sản phẩm OCOP không chỉ góp phần nâng cao thương hiệu nông sản địa phương mà còn giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất có cơ hội tiếp cận thị trường trong và ngoài nước. Do vậy, các ngành chức năng tỉnh Nghệ An cần tiếp tục phối hợp với các địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn OCOP. Đồng thời, tỉnh cũng cần tổ chức thường xuyên xúc tiến thương mại nhằm đưa các sản phẩm OCOP tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế, thúc đẩy tiêu thụ bền vững.

Bên cạnh đó, việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cũng cần được UBND tỉnh Nghệ An thực hiện định kỳ, đảm bảo các sản phẩm duy trì chất lượng, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng và phát triển nông thôn bền vững. Mặt khác, cần kiểm tra sản phẩm OCOP định kỳ hằng năm và đề xuất xử lý các sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn của Chương trình OCOP.

Ngoài ra, để chương trình OCOP đạt hiệu quả và phát triển bền vững, ngoài nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP của các đơn vị sản xuất, theo nhiều chuyên gia, cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho sản phẩm OCOP, đơn cử như giấy chứng nhận OCOP chỉ cấp chung cho hợp tác xã và các thành viên, mà không cấp riêng cho từng thành viên, dẫn tới khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng đối với từng thành viên hợp tác xã… Đặc biệt, cần tạo điều kiện các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân sản xuất sản phẩm OCOP tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi.

Tác giả: Hồng Quang

Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn

  Từ khóa: Nâng chất ,OCOP ,Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP