Ngành giáo dục đối mặt nhiều khó khăn trong năm học mới 2021-2022 |
Kịch bản 1, đến ngày 15/9, dịch COVID-19 được khống chế và kiểm soát; các cơ sở giáo dục dần hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống dịch và từng bước bàn giao cho ngành giáo dục. Các trường chỉ dạy học trên Internet khoảng từ 4-6 tuần đầu năm học. Riêng với lớp 1, sẽ đưa lên mạng các đoạn phim bài giảng để giúp phụ huynh hướng dẫn trẻ học, làm quen dần với việc học từ xa. Kịch bản 2, dịch được khống chế và kiểm soát từ cuối tháng 9; từ tháng 10, các cơ sở giáo dục dần hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống dịch và từng bước bàn giao cho ngành giáo dục. Các trường sẽ dạy trên Internet khoảng từ 6-10 tuần đầu năm học.
Tùy từng trường hợp cụ thể mà ngành giáo dục sẽ quyết định việc dạy học trực tiếp; có thể sẽ ưu tiên lớp 1, lớp 2, các lớp đầu cấp và cuối cấp. Sẽ chia nhỏ lớp để học sinh được đến trường, các khối lớp khác tiếp tục học trực tuyến đến khi tình hình ổn định trở lại. Kịch bản 3, dịch diễn biến phức tạp, đến cuối năm 2021 mới kiểm soát được; các trường sẽ dạy học trên Internet trong suốt học kỳ I. Trường phổ thông phải bố trí phụ đạo, ôn tập, củng cố cho học sinh lớp 1 và các lớp cuối cấp, nhất là lớp 12.
Mới đây, tại buổi họp báo về phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT TPHCM, nói rằng, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành giáo dục thành phố xác định việc dạy học trực tuyến là hình thức ổn định trong năm học này, không như trước đây xem đó là giải pháp tình thế. Ngành đã xây dựng tài nguyên dạy học trực tuyến khá phong phú để phục vụ năm học mới.
Tuy nhiên, ông Hiếu nhận định, lớp 1, lớp 2 bị ảnh hưởng rất lớn trong năm học này. “Với trẻ em 5 tuổi mầm non năm học 2020- 2021, các em không được đến trường đủ yêu cầu về thời gian, không thể làm quen với chương trình mới. Còn với lớp 2 thì chỉ có học kỳ 1 là được học tại trường còn qua kỳ 2, do dịch phức tạp hơn nên cũng phải học trực tuyến phần nhiều”, ông nói.
Tháng 8, Sở GD&ĐT TPHCM tập huấn dạy học trực tuyến cho giáo viên. Sở đang triển khai và chuẩn bị ghi hình cho việc dạy và học trực tuyến. “Trước mắt, học sinh sẽ học trực tuyến trong thời gian đầu. Tùy vào tình hình dịch, các phòng giáo dục, các trường sẽ triển khai việc học trực tiếp, tuy nhiên ưu tiên các lớp 1, lớp 2 và lớp cuối cấp”, ông Hiếu nói.
Hàng trăm trường vẫn là nơi cách ly
Theo thống kê của Sở GD&ĐT TPHCM, thành phố có 249 trường học đang được trưng dụng làm khu cách ly, 453 trường hỗ trợ hoạt động xét nghiệm và tiêm vắc-xin. TPHCM hiện có 1.960 giáo viên và 5.898 học sinh thuộc diện F0, F1. Sở GD&ĐT nhận định, năm học mới khó có thể bắt đầu bằng hình thức trực tiếp; các cơ sở giáo dục khi hoàn thành nhiệm vụ chống dịch, bàn giao lại cho ngành giáo dục thì phải mất ít nhất hai tuần để sửa chữa, cải tạo cho phù hợp. Ngoài ra, nhiều công trình xây dựng, sửa chữa trường lớp bị tạm ngưng, nhiều trường ngoài công lập, nhất là mầm non, đã bị giải thể. Ngành giáo dục chỉ đạo các trường xây dựng trước các bài giảng qua Internet trong khoảng 10 tuần đầu năm học.
Sở GD&ĐT đề xuất UBND TPHCM không tổ chức tựu trường, khai giảng vào đầu năm học; các bậc học khác nhau sẽ có những phương án học tập khác nhau. Ở bậc trung học, kể cả giáo dục thường xuyên, học sinh được tổ chức lớp, hướng dẫn kỹ năng, phương pháp học tập trực tuyến và củng cố kiến thức từ ngày 1-5/9.
Từ ngày 6/9, học sinh bước vào chương trình chính thức. Với bậc tiểu học, việc tổ chức lớp diễn ra từ ngày 8-19/9, sau đó sẽ học chính thức. Riêng bậc mầm non, khi dịch bệnh được kiểm soát, học sinh mới có thể đến trường. Sở GD&ĐT TPHCM sẽ tiếp tục chỉ đạo các trường mầm non tổ chức cho giáo viên xây dựng một số đoạn phim ngắn để hướng dẫn trẻ sinh hoạt, vui chơi, giáo dục kỹ năng với sự tham gia, phối hợp của phụ huynh.
Sở GD&ĐT TPHCM đưa ra ba kịch bản năm học mới tùy vào diễn biến của dịch bệnh.
Khó khăn cho học sinh đầu cấp Bà Đỗ Thị Việt Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Khương Đình (Hà Nội), nói rằng, nếu phải học trực tuyến lớp 6 cũng như lớp 1, các em sẽ bỡ ngỡ vì ở tiểu học do một cô giáo chủ nhiệm phụ trách thì lên THCS mỗi giáo viên sẽ chỉ dạy 1 môn trong vòng 45 phút. Các em cần được làm quen với cô giáo, nội quy nhà trường, phương thức dạy học cũng như giới thiệu các môn học mới, nhất là năm nay là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với khối 6. Bà Phạm Thị Thúy Hà, Phó Phòng GD&ĐT quận 4, TPHCM, cho rằng, ở bậc tiểu học, nhất là lớp 1, học sinh sẽ gặp nhiều khó khăn khi học trực tuyến, do đó, thời gian đầu, các em phải có phụ huynh ở bên để hỗ trợ học tập. Trong khi đó, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (TPHCM), đề xuất nên dạy học trên truyền hình. “Trẻ tiếp xúc nhiều giờ với màn hình máy vi tính dễ dẫn đến cận thị, vẹo cột sống, giãn tĩnh mạch chân, suy giảm đường hô hấp, stress, trầm cảm... Và thầy cô cũng không ngoại lệ”, ông nói. Hà Linh-Nguyễn Dũng Khai giảng cũng trực tuyến Ngày 19/8, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, cho biết, ngành giáo dục Tiền Giang đã dự thảo kế hoạch năm học mới trình UBND tỉnh theo hướng học trực tuyến và các hình thức khác phù hợp trên nền tảng ứng dụng công nghệ. Ngày 5/9 sẽ khai giảng bằng hình thức trực tuyến. Ngày 6/9, các trường THCS và THPT triển khai cho học sinh khối 9 và khối 12 học trực tuyến. Sau một tuần (13/9), các khối THPT còn lại và GDTX học trực tuyến. Đối với giáo dục mầm non, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối mới cho các em học tập trung, sớm nhất là ngày 20/9. “Ngành giáo dục sẽ xem xét những trường hợp phụ huynh không đủ điều kiện cho các em học trực tuyến thì có những cách học dạng offline để các em cùng tham gia được”, ông Trí nói. Ngày 19/8, UBND thành phố Cần Thơ ký công văn về việc sắp xếp hoàn trả các cơ sở giáo dục được trưng dụng làm điểm cách ly y tế tập trung để chuẩn bị khai giảng năm học 2021-2022. Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau đã xây dựng ba phương án tổ chức dạy và học, gồm phương án “trong điều kiện bình thường”, “trong điều kiện tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, có ca lây nhiễm trong cộng đồng, nhưng vẫn có thể cho phép học sinh đến trường học” và “tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thực hiện giãn cách xã hội, học sinh phải nghỉ học một thời gian cụ thể nhất định”. Dự kiến, Cà Mau cho học sinh các cấp tựu trường ngày 3/9 và khai giảng ngày 5/9. Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang, Bạc Liêu dự kiến cho học sinh tựu trường trong khoảng thời gian từ 1-20/9. NHẬT HUY |
Tác giả: Nguyễn Dũng
Nguồn tin: Báo Tiền Phong