UBND quận Ngô Quyền sau đó cấp giấy chứng nhận sử dụng đất và tài sản trên đất ở địa chỉ này cho ông Phi. Các văn bản giấy tờ này do Phó chủ tịch quận Ngô Quyền là ông Trần Hữu Xuân ký cấp.
Không được đặt chân vào nhà dù trúng đấu giá
Tuy nhiên, từ ngày trúng đấu giá nhà đất, ông Phi chưa một lần được đặt chân vào ngôi nhà, tài sản hợp pháp của mình, bởi UBND quận Ngô Quyền chưa bàn giao.
Nguyên nhân là mỗi khi chính quyền địa phương xuống địa bàn định thực hiện bàn giao tài sản bán đấu giá, lập tức người dân ngõ 99 lại gõ kẻng, trống tụ tập, ngăn cản quyết liệt.
Trước áp lực của người dân, UBND quận Ngô Quyền tiếp tục “an ủi” người trúng đấu giá bằng các văn bản giấy tờ. Theo đó, UBND quận chỉ đạo phường Cầu Đất đảm bảo an ninh trật tự phục vụ việc bàn giao nhà số 35/99 Cầu Đất.
UBND phường sở tại thậm chí lên cả phương án về việc đảm bảo an ninh trật tự, trong đó huy động các tổ chức đoàn thể tham gia, nhưng ngay khi triển khai đã bất thành, người dân phản ứng gay gắt. Đáng chú ý, người dân đã lập bàn thờ án ngữ cửa ra vào của ngôi nhà, khiến không ai có thể tiếp cận.
Chán nản vì mua nhà nhưng chưa thể vào ở, ông Phi đã sang nhượng quyền sử dụng nhà và đất nói trên cho ông Đỗ Đức Long (53 tuổi, trú tại số 28A48 Lán Bè, phường Lam Sơn, quận Lê Chân, Hải Phòng).
Song, hơn 1 năm kể từ ngày được sang nhượng quyền sử dụng nhà và đất, ông Long cũng chưa một lần được tiếp cận với căn nhà.
“Thủ tục mua bán có qua văn phòng công chứng nhà nước. Tôi đã hoàn thành nghĩa vụ đóng thuế và lệ phí xây dựng của các cơ quan có thẩm quyền cấp phép, nhưng đến nay, UBND quận Ngô Quyền và phường Cầu Đất chưa bàn giao lại nhà cho tôi”, ông Long bức xúc bày tỏ.
Theo ông Long, hiện cuộc sống của gia đình ông vô cùng khó khăn vì chưa có nơi ở ổn định. “Tôi mong muốn chính quyền làm thủ tục bàn giao nhà cho tôi để tôi có thể triển khai xây dựng”, ông Long nói.
Nhà bán đấu giá do dân góp công xây dựng?
Trong khi đó, nói về lý do phản ứng gay gắt, bà Đỗ Thị Khuyên, đại diện người dân ngõ 99 cho biết vào năm 1971, người dân trong khu dân cư đã góp công góp của xây dựng nên nhà văn hóa để làm nơi sinh hoạt chung. Ngay trên tòa nhà cũng ghi dòng chữ nổi bằng xi măng "1971 Hội trường".
Sau 1975, đội thuế của phường đã “mượn” nhà văn hóa để làm việc.
Bất ngờ, năm 2014 nhà văn hóa được gắn số 35 và bị quận chào bán đấu giá, người dân không hay biết. Chỉ khi người chủ mới xuất hiện, người dân biết sự việc nên đã tập trung phản đối, đồng thời gửi đơn thư kiến nghị khắp nơi, đề đạt nguyện vọng lấy lại ngôi nhà làm nơi sinh hoạt cộng đồng.
Dù vậy, ngoài những nhân chứng sống khẳng định đã trực tiếp góp công xây dựng nên nhà văn hóa, phía người dân chưa cung cấp văn bản giấy tờ nào liên quan đến nguồn gốc thửa đất.
Theo luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Thanh, Hà Nội), cho đến thời điểm trước khi được đấu giá, thửa đất chưa thuộc quyền sử dụng của bất cứ cá nhân nào. Vậy, việc UBND quận Ngô Quyền giao đất cho người trúng đấu giá là đúng với thẩm quyền được quy định tại Luật đất đai.
Hơn nữa, UBND quận không sai luật khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn trên đất cho người trúng đấu giá.
Vì được cấp sổ đỏ và giấy phép xây dựng nên ông Đỗ Đức Long là người mua lại thửa đất của người trúng đấu giá có đầy đủ căn cứ pháp lý để sở hữu, sử dụng đất và tài sản khác trên đất. Do đó, việc người dân ngăn cản ông Long thực hiện các quyền sử dụng, sở hữu của mình lại là hành vi vi phạm pháp luật.
Điều cần thiết nhất lúc này là chính quyền cần kiên trì vận động, giải thích để người dân hiểu rằng họ không có quyền giữ những cái không thuộc về họ. Song song với đó, chính quyền cũng cần công khai, minh bạch toàn bộ quá trình đấu giá, trúng giá thừa đất và bố trí một hội trường khác để những hoạt động trước đó của người dân không bị gián đoạn chỉ vì không có địa điểm thực hiện.
Tác giả bài viết: Thùy Linh
Nguồn tin: