Theo đơn kêu cứu khẩn cấp của bà Lê Thị Châu, trú tại phường Bến Thủy, TP Vinh, tỉnh Nghệ An gửi Cục Quản lý lao động ngoài nước, thuộc Bộ LĐ-TB&XH, con gái bà là chị Phạm Thị Thanh Huyền, SN 1977 đã đi xuất khẩu lao động sang nước Saudi Arabia (Ả rập Xê út) thông qua đơn vị môi giới lao động là Cty CP SIMCO Sông Đà, thuộc TCty Sông Đà. Trước khi sang Ả rập Xê út để làm công việc giúp việc gia đình, chị Huyền đã ký hợp đồng với Cty CP SIMCO Sông Đà.
Sau khi sang Ả rập Xê út, chị Huyền làm việc chăm chỉ với mong muốn có tiền gửi về giúp đỡ gia đình vượt qua khó khăn và nuôi con nhỏ. Tuy nhiên, cách đây vài tháng, người chủ sử dụng lao động không chịu trả tiền công (nợ gần 3 tháng tiền công) mà còn chửi mắng, đánh đập chị Huyền. Không dừng lại ở đó, người chủ nhà còn liên lạc với một Cty môi giới lao động không rõ lai lịch ở Ả rập Xê út, không có bất cứ một liên hệ hợp pháp nào với phía Việt Nam và “bán” chị Huyền cho Cty này.
Bà Lê Thị Châu trình bày, chị Huyền đã nhiều lần liên lạc về với gia đình nói rằng, sau khi bị chủ nhà “bán” vào Cty môi giới lao động “lạ” này, chị Huyền không được bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động. Chị phải sống trong cảnh bị giam lỏng, ăn uống kham khổ khiến chị hoang mang, suy nhược cơ thể trầm trọng và giảm mất 10kg (từ 50kg xuống còn 40kg). Trong những dòng tin nhắn qua lại giữa gia đình và chị Huyền còn thể hiện, trong thời gian ở lại trung tâm môi giới lao động bên Ả rập Xê út, chị Huyền còn bị một số người của nước này đe dọa tinh thần, gạ gẫm đòi quan hệ tình dục và có những lời lẽ, hành động thô tục khiến tâm trí chị bất an, luôn phải sống trong cảnh hoang mang sợ hãi.
“Bọn văn phòng ở đây vừa kêu con ra bảo là chuẩn bị đồ để chủ mới đến đón. Con nói, con không đi đâu hết. Con nhất mực không đi… Con đã khóc rất nhiều khi bố nhắn cho con là Cty (Cty CP SIMCO Sông Đà – PV) không chịu hợp tác, họ bảo bố mẹ ra làm phiền, quấy rối và đuổi bố mẹ ra khỏi văn phòng”, nội dung chị Huyền nhắn tin với mẹ.
Một lao động người Việt Nam làm việc tại Ả rập Xê út, bạn của chị Huyền nhắn tin về cho gia đình bà Châu với nội dung: “Có đông người ở đây thì không sợ. Chỉ sợ lúc nó bán hết người đi rồi, còn mình mình ở đây thì mới chết”; “Huyền muốn con giúp thì con lúc nào cũng sẵn sàng giúp. Và lúc nào con cũng luôn luôn ở bên cạnh cho đến khi Huyền ra sân bay chở về quê hương là con vui rồi”; “Ở bên này có chuyện gì con báo cho hai bác. Hai bác cố gắng để đưa Huyền về càng sớm càng tốt bác nhé”.
Chị Huyền lúc mới sang Ả rập Xê út.
Mong mỏi được trở về Việt Nam
Sau khi gửi hai tấm hình cho mẹ thể hiện chị bị suy nhược cơ thể nghiêm trọng, chị Huyền nhắn tin: “Con biết, con gửi hình này cho mẹ, mẹ sẽ rất đau lòng. Nhưng biết đâu đây lại là hình ảnh cuối cùng của con… Nếu con có mệnh hệ gì thì con cầu xin bố mẹ ngàn lần tha lỗi cho đứa con này. Từng này tuổi chưa làm được điều gì cho bố mẹ vui lòng”. Sau khi biết tình hình thực tế của con gái tại Ả rập Xê út, lo sợ quyền lợi và tính mạng của chị Huyền bị xâm hại, đầu tháng 7-2016, bà Lê Thị Châu đã viết đơn kêu cứu gửi Cục Quản lý lao động ngoài nước và Cty CP SIMCO Sông Đà, đơn vị trực tiếp làm các thủ tục pháp lý đưa chị Huyền sang lao động tại Ả rập Xê út với mong muốn nhận được sự giúp đỡ từ các đơn vị này.
Sau khi sang Ả rập Xê út, chị Huyền đã bị suy nhược cơ thể, sút gần 10kg. Ảnh: Q.Doanh
Được biết, ngày 15-7, sau khi gia đình chị Huyền làm việc với đại diện Cty CP SIMCO Sông Đà cùng cộng tác viên Phòng lãnh sự bảo hộ công dân Việt Nam tại Ả rập Xê út, ông Nguyễn Thiện Mỹ, Phó TGĐ Cty CP SIMCO Sông Đà đã ký bản cam kết với nội dung: “Cty cam kết tìm mọi biện pháp giải quyết sự việc theo quy định hiện hành cũng như nội dung của hợp đồng lao động ký giữa Cty và người lao động. Trong thời gian chờ xử lý giải quyết, Cty sẽ thường xuyên liên hệ với đại diện của Cty tại Arapsaudi để làm việc với Cty môi giới nhằm đảm bảo lao động Phạm Thị Thanh Huyền không bị cưỡng ép làm việc khi chưa có sự đồng ý của lao động và bảo vệ lao động không bị quấy rối tình dục, lao động được cung cấp ăn, uống đầy đủ cũng như các quyền lợi khác theo quy định”.
Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, gia đình bà Châu cho biết, Cty CP SIMCO Sông Đà vẫn chưa có biện pháp tích cực để giải cứu chị Huyền ra khỏi Cty môi giới lao động kia và cũng chưa biết đến bao giờ chị Huyền mới được trở về Việt Nam đoàn tụ với gia đình. Bà Châu còn “tố” nhân viên của Cty CP SIMCO Sông Đà đã nặng lời với bà và kêu vợ chồng bà làm mất thời gian của họ. Bà Châu băn khoăn, trong thời gian chờ Cty CP SIMCO Sông Đà xem xét sự việc, nếu có bất cứ rủi ro nào xảy ra với con gái bà thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Hiện tại, gia đình và lao động Phạm Thị Thanh Huyền mong muốn Bộ LĐ-TB&XH và Cty SIMCO Sông Đà sớm có biện pháp can thiệp để giải cứu và đưa chị Huyền về Việt Nam.
Báo PL&XH sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Tác giả bài viết: Quốc Doanh