Giáo viên hướng dẫn học sinh trong giờ thực hành tại Ban Mai School (Hà Nội). |
Nhận diện nhà giáo
Điều đầu tiên, tiến sĩ Trần Vân Anh cho rằng, cần định nghĩa và cụ thể hóa dấu hiệu nhận diện một “nhà giáo” và một người dạy, người huấn luyện, bao gồm giáo viên cả hệ thống công lập và ngoài công lập.
Nhà giáo có đặc điểm giống và khác nhau như thế nào, phân biệt một “nhà giáo dục” (educator) hay với nghĩa “người dạy” (teacher), giảng viên (lecturer), huấn luyện viên (coach) ra sao, để mỗi người làm trong nghề có thể soi và tự nhận diện.
Ví dụ: nhà giáo là người làm công việc giảng dạy, hoặc vừa nghiên cứu và giảng dạy, quản lý và giảng dạy trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Điều này giúp xác định vai trò và vị thế của các nhà giáo dù công lập hay ngoài công lập, ở bậc mầm non, phổ thông hay đại học cũng có chung đặc điểm nhận diện gọi tên là “nhà giáo”, mà không nhầm lẫn với các đối tượng là nhà nghiên cứu giáo dục ở viện nghiên cứu hay người hướng dẫn, huấn luyện, giảng dạy ở các trung tâm.
Cùng với nhận diện từng nhóm đối tượng, theo tiến sĩ Trần Vân Anh, cũng cần quy định luôn việc được làm và không được làm với nhóm đối tượng đó.
Ví dụ: giáo viên không được tự mở lớp dạy học thêm đối với chính học sinh mình dạy trên trường, nhưng được dạy thỉnh giảng ở một trung tâm huấn luyện, ôn luyện, đào tạo có đăng ký hợp pháp. Như vậy, có thể góp phần quản lý được việc dạy thêm học thêm, đáp ứng nhu cầu chính đáng của học sinh và giáo viên.
Thể hiện sự bình đẳng nhà giáo công lập và ngoài công lập
Gửi gắm tiếp theo của tiến sĩ Trần Vân Anh là trong Luật Nhà giáo thể hiện sự bình đẳng giữa mọi nhà giáo nhà giáo, bất kể là nhà giáo ở hệ thống giáo dục công lập hay hệ thống ngoài công lập.
Chính sách lương cho giáo viên ngoài công lập, do hai bên “tự thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng” tuy mở nhưng lại khá rộng và chung chung, dẫn đến những thiệt thòi cho giáo viên ngoài công lập. |
Cho dù môi trường nào, nhà giáo đều đang làm công việc giáo dục và đào tạo, như vậy họ đều phải bình đẳng và được hưởng các chế độ, chính sách, phúc lợi xã hội bình đẳng như nhau.
Hiện nay, giáo viên ở hệ thống ngoài công lập đã có sự tiếp cận và được tham gia các hoạt động trong ngành Giáo dục; nhưng hầu hết văn bản, thang đo, tiêu chí đánh giá giáo viên lại phù hợp nhiều hơn với cơ sở giáo dục công lập.
Việc tuyển dụng giáo viên trở thành viên chức thì giáo viên lâu năm trong hệ thống ngoài công lập vẫn bắt đầu lại mà không được tính sang ngang theo trình độ, năm công tác. Hoặc quản lý trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập không thể trở thành quản lý cơ sở giáo dục công lập…
Đó là những biểu hiện rất rõ ràng của sự phân biệt giữa hai khu vực công - tư.
“Tất nhiên, Luật Nhà giáo nằm trong mối tương quan, nhất quán với các luật khác, như Luật giáo dục, Luật Lao động, các Nghị định, quy định ràng buộc. Những ví dụ tôi nêu chỉ là dẫn chứng cho sự phân biệt, khó có thể giải quyết trong Luật Nhà giáo, nhưng dù sao, cũng đáng đặt vấn đề để thu hút nhân lực chất lượng cho ngành Giáo dục”, tiến sĩ Trần Vân Anh cho hay.
Tiến sĩ Trần Vân Anh. |
Tiến sĩ Trần Vân Anh đồng thời mong mỏi là các nhà giáo ngoài công lập cần có sự bảo vệ và bảo đảm bằng luật với cơ hội và tuổi nghề nghiệp, tuổi nghỉ hưu.
Về việc này, chúng ta có bài học từ sự khác biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong việc sử dụng lao động, công nhân tuổi càng lớn càng khó tái ký hợp đồng.
Giáo viên cũng là một nghề, cũng là người lao động trong mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Chính sách lương cho giáo viên ngoài công lập, do hai bên “tự thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng” tuy mở nhưng lại khá rộng và chung chung, dẫn đến những thiệt thòi cho giáo viên ngoài công lập.
Ví dụ, như mức lương để xác định đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp thấp, cho nên trợ cấp thất nghiệp và lương hưu sẽ thấp; hoặc không được đóng bảo hiểm xã hội do thỉnh giảng trả theo tiết dạy, hoặc hợp đồng ngắn hạn, thu nhập bấp bênh, hoặc không xét tăng lương hay hỗ trợ khi gặp khó khăn.
“Mong các nhà làm luật chú trọng tới việc luật hóa mối quan hệ này như thế nào trong khối giáo dục ngoài công lập để đảm bảo quyền lợi cho cả nhà giáo và chủ đầu tư, để giáo viên ngoài công lập yên tâm gắn bó với nghề”, tiến sĩ Trần Vân Anh gửi gắm.
Xem xét quy định về giáo viên nước ngoài, giáo viên Việt Nam dạy trường quốc tế
Cuối cùng, tiến sĩ Trần Vân Anh cho rằng, cần xem xét và cụ thể quy định giáo viên nước ngoài đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục Việt Nam và nhà giáo Việt Nam dạy trong trường quốc tế.
Trong Luật Giáo dục, khuyến khích mời nhà giáo, nhà khoa học trong nước, nhà khoa học là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài đến giảng dạy tại cơ sở giáo dục theo chế độ thỉnh giảng.
Thực tế, có nhiều giáo viên nước ngoài đang giảng dạy ở các cơ sở giáo dục tại Việt Nam, và giáo viên Việt Nam dạy học trong các trường quốc tế. Điều này cũng là xu thế tất yếu của hội nhập giáo dục, nhưng luật hóa thế nào đề có thể định hình và chuẩn bị tốt cho hội nhập giáo dục.
Tiến sĩ Trần Vân Anh chia sẻ: xây dựng Luật Nhà giáo là rất khó. Bởi lẽ, trong xã hội, nghề giáo không phải chỉ là một nghề lao động đơn thuần, mà còn là một “sứ mệnh” đối với đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho tương lai đất nước.
Đòi hỏi của xã hội về nghề giáo không chỉ trên khuôn khổ pháp luật mà còn cả trên khía cạnh tư tưởng, tinh thần, giá trị đạo đức.
Mong sao các nhà làm luật xây dựng Luật Nhà giáo bằng cả trí tuệ - tâm huyết - tầm nhìn để Luật Nhà giáo đi vào đời sống hiệu quả.
Giáo viên là một nghề đã tồn tại hàng ngàn năm cùng quá trình ra đời và phát triển của nền văn minh nhân loại. Trong quá trình lịch sử, có những nghề được sinh ra và mất đi, những nghề khác lại ra đời, song nghề giáo vẫn tồn tại và mở rộng. Tuy vậy, xã hội đã phát triển và biến đổi rất nhiều, vượt quá những bối cảnh và quan niệm truyền thống về nghề giáo, việc xây dựng luật Nhà giáo là cần thiết để đảm bảo sự phát triển của giáo dục nước nhà. Tiến sĩ Trần Vân Anh |
Tác giả: Hải Bình
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn