Giáo dục

Mô hình VNEN: Những bất cập trong quá trình triển khai

Hiện nay mô hình trường học mới đã được áp dụng tại hơn 2.000 trường học trên cả nước. Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình này còn gặp khá nhiều trở ngại dẫn đến chất lượng học sinh không như mong muốn.


VNEN3
Lớp học theo chương trình VNEN (ảnh: Internet)

Liên quan đến mô hình trường học mới, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện với một số giáo viên đang dạy chương trình VNEN. Hầu hết các giáo viên đều cho rằng, với một lớp học quá đông học sinh, việc thực hiện mô hình này là chưa hiệu quả.

Một giáo viên tại trường Tiểu học B thị trấn Văn Điển - Hà Nội, người đã từng có 3 năm kinh nghiệm dạy theo mô hình mới, cho hay: “Hiện nay, việc áp dụng dạy mô hình trường học mới (VNEN) còn gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đầu tiên phải kể đến việc lớp học quá đông khiến cho việc dạy và học chưa đạt được chất lượng như mong muốn. Năm học 2015 – 2016, lớp mình có 50 bạn và mình chia thành 6 nhóm học, tức là trung bình mỗi nhóm có 8 học sinh. Với một nhóm có số lượng đông như vậy thì thời gian để hoàn thành một nhiệm vụ học tập sẽ rất lâu. Đó là chưa kể việc một lớp có quá nhiều nhóm thì giáo viên sẽ không kiểm soát hết các nhóm.

Hơn nữa, như môn tiếng Việt, khi học theo VNEN, mỗi bạn trong nhóm sẽ đọc một đoạn nối tiếp nhau cho đến hết đoạn. Tuy nhiên, lại nảy sinh một vấn đề là trong nhóm có bạn đọc chậm thì sẽ khiến cả nhóm bị mất thời gian và giáo viên cũng phải dừng ở nhóm đó lâu hơn. Trường hợp bạn nào đọc quá chậm thì giáo viên bắt buộc phải bỏ qua nhóm để kiểm tra nhóm khác và khiến tiết học kéo dài hơn, cả học sinh và giáo viên lúc nào cũng “bị căng” về thời gian.

Cũng có nhiều phụ huynh phản ánh với tôi việc dạy con học ở nhà theo chương trình VNEN khá phức tạp nhưng thực tế nếu phụ huynh nào kiên trì thì có thể thực hiện được. Bởi lẽ, tâm lý các phụ huynh khi thấy sách mới thì thường ngại. Nhưng có một điều khá hay là sách theo chương trình VNEN có nhiều câu hỏi về thực tế cuộc sống như: Nhà em có bao nhiêu người? Một tháng nhà em ăn hết bao nhiêu kg gạo hay xếp số tuổi của các thành viên trong gia đình theo thứ tự từ bé tới lớn....Những câu hỏi ấy hoàn toàn có thể làm được.

Tuy nhiên, số lượng phụ huynh đồng hành cùng con trong mô hình VNEN rất ít. Thực tế trong quá trình giảng dạy tôi thấy có những hoạt động thực hành giao cho các con về nhà hỏi bố mẹ nhưng tới khi kiểm tra thì chỉ vài học sinh chuẩn bị ở nhà.

Bên cạnh đó, hiện nay áp dụng mô hình VNEN nhưng cơ sở vật chất chưa được đầy đủ nên chưa mang lại hiệu quả thực sự. Ví như, bảng nhóm, giấy A3 hay phiếu học tập cũng không đầy đủ trong khi học sinh vẫn phải thực hiện những hoạt động đó, vậy là giáo viên phải nghĩ cách tìm những vật khác tương tự để vẫn có thể tiếp tục được các hoạt động học tập.

Rồi lớp học quá nhiều nhóm, một nhóm nhiều học sinh, nhiều bạn đọc chậm, các bạn lại ngồi thành hình tròn nên khi giáo viên không bao quát hết thì học sinh thường hay nói chuyện, nghịch ngợm khiến lớp học còn ồn ào.

Qua nhiều năm dạy chương trình truyền thống và 3 năm dạy chương trình mô hình trường học mới, tôi thấy nếu một lớp có sĩ số đông như hiện nay thì nên áp dụng học chương trình truyền thống sẽ có hiệu quả hơn".

Đồng tình với ý kiến này, một giáo viên tại trường Tiểu học Cổ Nhuế B (Hà Nội) cho hay: “Học theo mô hình VNEN khi lớp học có 20 – 30 học sinh thì sẽ rất tốt cho học sinh đại trà với mục tiêu nắm được kiến thức cơ bản. Tuy nhiên, hiện nay lớp học nào cũng quá đông, điều này khiến giáo viên gặp không ít khó khăn.

Thêm một vấn đề nữa, lớp học đông một phần nào đó giáo viên có thể khắc phục được. Tuy nhiên, học theo VNEN chỉ có thể cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản chứ không có thời gian luyện cho học sinh những kiến thức nâng cao như chương trình học truyền thống.

Ngoài ra, nếu tiếp tục mô hình VNEN, chúng ta cũng cần tính toán tới việc thay lại toàn bộ hệ thống ghế ngồi của học sinh. Bởi lẽ, học theo VNEN mức độ tương tác của học sinh khá cao, các em ngồi theo nhóm thành hình tròn nhưng khi giáo viên giảng, học sinh phải quay về hướng giáo viên để nghe. Vì thế, nếu vẫn dùng ghế cứng như hiện nay sẽ khiến học sinh bị vẹo xương sống.

Hơn nữa, học theo VNEN sẽ chỉ thực sự có hiệu quả khi các học sinh trong lớp có lực học ngang nhau. Vì thế, Nhà trường cũng nên tổ chức cuộc thi khảo sát đầu năm để xếp những học sinh trội hẳn học với nhau, học sinh khá học với nhau. Chỉ có như vậy, học tập theo nhóm mới có hiệu quả và với tạo ra sự tương tác tốt nhất”.

Hiện nay, hai tỉnh là Hà Tĩnh và Hà Giang đã tạm ngững việc triển khai mô hình VNEN trên địa bàn vì những vướng mắc chưa tháo gỡ được.

Liên quan đến mô hình VNEN, sáng nay 2/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ làm việc với tỉnh Nghệ An về một số vấn đề giáo dục. Tại buổi làm việc Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nhận định: “Mô hình VNEN đang được triển khai ở hơn 2.000 trường học trên cả nước và đây mà mô hình tốt nhưng khi áo dụng từng nơi phải phù hợp. Bộ sẽ tiếp tục thực hiện VNEN, nhưng không áp đặt, các địa phương có thể áp dụng một phần”.

Tác giả bài viết: Hoàng Thanh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP