Trong tỉnh

Máu và nước mắt ở thủ phủ khoáng sản lớn nhất Nghệ An

Quỳ Hợp (Nghệ An), thủ phủ của khoáng sản đá trắng và thiếc. Khoáng sản bị lấy đi, để lại những quả núi tàn phế và lời ta thán của người dân trước tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Những ngày này, thời tiết ở vùng thủ phủ khoáng sản Quỳ Hợp như càng trở nên nóng hơn bao giờ hết. Sau hàng giờ đồng hồ leo núi, chúng tôi có mặt tại một số điểm khai thác quặng thiếc xã Châu Hồng.

Thấy người lạ xuất hiện, những tốp người đang hì hục đào bới đất để đãi quặng bỗng ngừng tay, đưa ánh mắt dò xét một lúc rồi tiếp tục công việc. Những dòng mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ của phu quặng.

Bà Kim Thị Hồng (SN 1970, trú bản Na Hiêng, xã Châu Hồng) cho biết, đã mang cái nghiệp mót quặng từ năm 20 tuổi, đêm nằm bấm đốt ngón tay nhẩm tính cũng đã hàng chục năm trôi qua, vậy mà cơ cực vẫn cứ bám đuổi.

Đưa đôi tay sần sùi, nham nhở vết chai sạn quệt mồ hôi, vừa cầm miếng trầu đưa vào miệng, bà Hồng nói: "Thời trước đi làm thuê cho một số công ty ở đây lương cũng tạm đủ ăn thôi. Giờ thì công ty họ đóng cửa rồi, bà con lại rủ nhau đi mót quặng. Mỗi ngày chỉ kiếm được 70.000-100.000 đồng, khó khăn lắm".

Theo bà Hồng, trước đây bản Na Hiêng có hàng trăm người làm công nhân cho các công ty, doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn. Tuy nhiên, từ năm 2019 trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều đơn vị ngừng hoạt động, công nhân thiếu việc làm.

Người dân Quỳ Hợp vật vã mưu sinh trên thủ phủ quặng

Ngỡ "nằm" trên mỏ tài nguyên, người dân nơi đây sẽ sung túc. Tuy nhiên, cuộc sống của không ít người dân nơi đây còn vô vàn khó khăn, thậm chí phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu.

Những năm 90 của thế kỷ trước, rộ lên việc khai thác khoáng sản ở huyện miền núi Quỳ Hợp. Thời điểm đó, nạn khai thác quặng thiếc, đá trắng chủ yếu do người dân tứ xứ và một phần được các công ty Nhà nước khai thác.

Đến năm 1997, vùng đất này chỉ mới xuất hiện một vài công ty làm mỏ khai thác đá, quặng… Đầu năm 2000, công cuộc khai thác đá trắng, quặng thiếc bắt đầu rầm rộ và phát triển nhanh đến chóng mặt.

Cuối năm 2009, toàn huyện Quỳ Hợp đã có 135 doanh nghiệp, tổ hợp, công ty TNHH… hoạt động trong lĩnh vực khai thác đá trắng, quặng thiếc. Tuy nhiên, đến tháng 6/2022, huyện này còn tổng cộng 79 điểm mỏ, trong đó có 13 mỏ quặng, còn lại 63 điểm khai thác đá.

Sau khi đại dịch Covid-19 lắng xuống nhưng người thì bỏ đi miền Nam làm ăn, người thì đi ra Bắc kiếm sống bằng các nghề khác nhau, số còn lại ở địa phương tiếp tục bám nghề mót quặng, làm công nhân cho các xưởng đá.

"Ở cái tuổi của tôi (52 tuổi-PV) đáng lẽ đã được an nhàn tuổi già, ngày ngày quẩn quanh bên các con, các cháu. Thế nhưng sự đời đâu có được như vậy, hằng ngày vẫn "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" kiếm 70-100 nghìn thôi mà không đủ ăn", bà Hồng thở dài.

Đang cầm chiếc máng đãi quặng trên tay, chị Lương Thị Hồng (SN 1980, trú bản Hy, xã Châu Hồng) bảo, mấy năm nay mất mùa, ruộng không có nên phải đi làm công nhân điện tử ở Bắc Ninh.

"Sau khi hết dịch, mình trở về quê vừa chăm con, vừa đi mót quặng và làm thêm 4 sào ruộng nhưng không đủ ăn. Cả nhà mình hai vợ chồng đều đi làm quặng, mỗi ngày chỉ kiếm được hơn 100 nghìn thôi, mà công việc vất vả lắm", chị Hồng chia sẻ.

Nhiều người dân địa phương cảm thấy tiếc nuối khi chứng kiến những dãy núi đá sừng sững, oai hùng "tàn tật" theo thời gian. Cũng theo thời gian, người dân nơi đây nếm đủ mùi vị cay đắng, cả máu và nước mắt…

Tại các xưởng cưa xẻ đá, mỏ quặng… luôn có trăm công nhân làm theo ca để đào, khoan, cắt, xúc lên đầy những chiếc xe lớn; cảnh khoan, đục đá đến đinh tai, nhức óc…

Anh Nguyễn Văn Thi, làm công nhân cho một công ty chuyên khai thác đá ở xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp đã gần 20 năm. Theo anh Thi, làm công nhân mỏ đá, quặng có người nhẹ thì bị đứt ngón tay, bẹp chân…, có người thì bỏ mạng dưới hầm lò hay những phiến đá nặng cả chục tấn.

"Còn nhớ cách đây gần 5 năm, trong một lần tốp thợ đang đục lỗ đặt mìn, bất ngờ một phiến đá rơi từ núi cao xuống. May mắn, hôm đó mấy anh em kịp tránh, một số người bị những đá nhỏ bắn vào người gây chảy máu. Làm việc nơi mỏ đá vốn hiểm nguy luôn rình rập", anh Thi nhớ lại.

Cũng theo anh Thi, chuyện người chết, bị thương ở vùng đất khoáng sản này diễn ra thường xuyên và khó tránh khỏi.

Anh Trần Văn Tám (quê ở Thái Nguyên) - một người thợ chuyên khoan âm trong ngành khai thác quặng thiếc cho biết, những người có trình độ tay nghề, làm thợ khoan âm thường rất khó tìm nên tiền lương cũng được trả khá cao. Mỗi tháng, anh được chủ trả lương 15-20 triệu đồng.

"Tôi làm thợ khoan âm, nổ mìn trong hang sâu khoảng 80-100m, mỗi ngày khối lượng công việc cũng không nhiều nhưng rất mệt và nguy hiểm vì làm việc ở độ sâu lớn", anh Tám chia sẻ.

Những công nhân làm việc tại các hầm mỏ quặng thiếc, mỏ đá trắng luôn phải đối diện với hiểm nguy. Đặc biệt, họ thường ăn nằm dưới lòng đất tăm tối, ẩm ướt nhiều tiếng đồng hồ mỗi ngày để khai thác.

"Việc gặp tai nạn đối với những phu quặng như chúng tôi dường như ai cũng biết. Thế nhưng, vì miếng cơm, manh áo, vì cuộc sống gia đình nên chúng tôi đành chấp nhận", anh Vi Văn Quỳnh, một phu quặng ở xã Châu Thành cho biết.

Nhiều người làm nghề phu quặng, phu đá, tại đây vẫn chưa quên vụ sập hầm năm 2008, tại địa bàn xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp, cướp đi 3 mạng người.

"Hôm đó, mọi người chui vào hang để đào quặng ở độ sâu chừng 10-15m, khi đang đào thì đột nhiên hầm bị sập xuống khiến cho 3 thanh niên ở xã Châu Quang chết tại chỗ. Những câu chuyện về chết chóc, tai nạn tại các mỏ quặng, mỏ đá người ngoài nghe thì là chuyện lớn nhưng với bà con ở bản là chuyện bình thường", anh Vi Văn C. một người dân bản Đồng Huống, xã Châu Cường chia sẻ.

Cũng theo anh C., tai nạn dẫn đến bị thương, chết người ở các khu mỏ tại huyện Quỳ Hợp rất nhiều. Tuy nhiên, hầu hết những vụ tai nạn đều bị các chủ mỏ ém nhẹm và thỏa thuận đền bù cho gia đình các nạn nhân, xong rồi đâu lại vào đấy.

Cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn, tại những mỏ quặng thiếc, mỏ đá, tiếng máy vẫn ngày đêm gầm rú hòa lẫn với âm thanh của tiếng mìn giữa chốn núi rừng. Những phu quặng thiếc, phu đá vẫn ngày đêm chui vào trong hang sâu, tối tăm, hay treo mình trên ngọn núi cao để hoàn thành công việc, mong kiếm tiền lo cuộc sống gia đình.

Thực tế, hoạt động khai thác khoáng sản đã để lại những hệ lụy như nguồn nước sinh hoạt và sản xuất dần bị cạn kiệt, ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân địa phương.

Đặc biệt, trong khoảng thời gian 2020-2022, trên địa bàn xã Châu Hồng xuất hiện tình trạng sụt lún, nứt nẻ đất, nhà cửa của nhiều hộ dân cũng như cơ quan, trường học.

Theo thống kê, hiện nay xã Châu Hồng có 232 hộ dân xuất hiện tình trạng sụt lún, nứt nẻ đất, nhà ở. Bên cạnh đó, 299 giếng nước của người dân, trạm y tế, trường học bị khô cạn.

Nhiều năm nay, dòng sông Nậm Tôn với chiều dài hàng chục km chảy qua xã Liên Hợp, Châu Quang, thị trấn Quỳ Hợp đổi màu đục ngầu, đỏ quạch. Dòng sông này từng là nguồn sống cho hàng nghìn người dân quanh vùng, nhưng giờ đây đang bị "bức tử" khiến người dân không dám lội xuống sông.

Theo người dân xã Châu Quang, sông Nậm Tôn bắt nguồn từ các xã Châu Tiến, Châu Hồng đã bị ô nhiễm từ những năm 80 của thế kỷ trước do hoạt động khai thác khoáng sản ở thượng nguồn.

Quỹ đất dành cấp cho hoạt động khoáng sản dẫn đến thiếu đất sản xuất, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người dân. Hạ tầng giao thông xuống cấp nhanh chóng, ô nhiễm bụi, tiếng ồn… Ngoài ra còn tiềm ẩn và phát sinh nhiều tệ nạn xã hội như buôn bán, vận chuyển ma túy, nghiện ma túy, tai nạn lao động,…

Nhiều doanh nghiệp sau khi khai thác hết hạn giấy phép hoặc không còn khoáng sản đã bỏ đi nơi khác mà không hoàn thổ đúng như cam kết.

Dù các doanh nghiệp có ký quỹ bảo vệ môi trường nhưng cũng chưa hoàn thiện hết nghĩa vụ của mình, hoặc tiền ký quỹ thấp hơn tiền thực hiện hoàn thổ nên doanh nghiệp chấp nhận bỏ tiền ký quỹ, điều này để lại nhiều hệ lụy cho địa phương.

Chưa bao giờ câu chuyện về quản lý, khai thác khoáng sản ở Nghệ An lại "nóng" như hiện nay.

Ông Trương Văn Hóa - Chủ tịch UBND xã Châu Hồng cho biết: "Việc các công ty hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn đã làm cho người dân địa phương trực tiếp hứng chịu ảnh hưởng. Hậu quả nặng nề từ việc này đã có nhiều người chết, bị thương…, song trên thực tế người dân chúng tôi không được hưởng gì từ phí bảo vệ môi trường và nguồn thu nào từ hoạt động khai thác này".

Rời núi rừng Quỳ Hợp khi nắng chiều đã khuất sau những ngọn núi nham nhở bởi tình trạng khai thác. Lấp ló trên các sườn đồi là những ánh đèn ở các điểm mỏ, sau ánh sáng mờ ảo là dáng hình của những người lao động còm cõi đang lo cho bữa cơm tối.

Theo lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện Quỳ Hợp, tính từ 2016-2021, trên địa bàn huyện này có khoảng 40 người chết liên quan đến tai nạn lao động; trong đó 36 người chết liên quan đến mỏ đá, mỏ quặng.

Hiện nay, huyện Quỳ Hợp có 5.830 hộ nghèo, chiếm 15,41%; trong đó riêng xã Châu Hồng với 4.076 người/942 hộ, chiếm 34% hộ nghèo.

Thiết kế: Đỗ Diệp

Tác giả: Nguyễn Duy

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP