Số hóa

Mất tiền triệu trước loạt chiêu trò của thợ sửa điều hòa 'bịp'

Trời nắng nóng, nhu cầu sửa chữa, bảo trì máy lạnh gia tăng đột biến. Đây cũng là lúc các thợ sửa chữa máy lạnh 'không có tâm' tìm cách 'móc túi' khách hàng.

Chị Nguyễn Minh Hòa (quận Hà Đông, Hà Nội) kể, tuần trước, khi trời nóng, con gái chị mở điều hòa nhưng máy không chạy. Vì máy đã sử dụng hơn 3 năm nên chị Hòa nghĩ điều hòa bị hỏng, chị đành phải tìm các dịch vụ sửa chữa điện lạnh từ các trang mạng để gọi thợ.

“Sau khi kiểm tra, thợ báo tụ điện bị cháy, yêu cầu tôi phải thay tụ với giá 1,5 triệu đồng. Vì điều hòa mới lắp được 3 năm nên tôi không đồng ý. Cuối tuần vừa rồi, tôi nhờ người thân kiểm tra lại thì hóa ra dây bị chuột cắn, phí thay chỉ mất 100.000 đồng”, chị Hòa nói.

Nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa điều hòa tăng cao ngày nắng nóng

Tương tự, anh Nguyễn Văn Nghĩa (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng bức xúc khi suýt mất tiền oan với thợ sửa điều hòa.

“Điều hòa tự dưng không bật được, tôi gọi thợ đến thì được phán: Hỏng IC, chập nguồn, nếu thay mất khoảng 2,5 triệu đồng. Chi phí quá lớn khiến tôi phải xem xét yêu cầu tạm dừng chưa sửa vội. Ngày hôm sau được một người bạn giới thiệu, thợ điều hòa khác tới tìm ra lỗi cầu chì và relay (công tắc hoạt động bằng điện) của điều hòa bị hỏng, thay hết 350 nghìn đồng”, anh Nghĩa cho biết.

Thậm chí, với những người mua máy mới cũng không khỏi ngỡ ngàng khi nhận hóa đơn thanh toán phát sinh cả triệu đồng sau lắp đặt.

Nhiều người mất tiền triệu vì bị thợ sửa chữa điều hòa báo những lỗi không đúng

Chị Mai Thị Vui, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai cho biết, do mới hoàn thiện căn nhà 4 tầng nên mua 3 chiếc điều hòa về lắp, tổng giá trị 38 triệu đồng. Ngay khi mua hàng, chủ tiệm cũng trao đổi thẳng thắn là sẽ gọi giúp thợ đến lắp, tiền công 300.000 đồng/máy và những phát sinh như dây đồng, dây điện, aptomat gia đình phải chịu.

“Trong quá trình lắp đặt, thợ nói là đường dây nhà tôi dài nên phải nối thêm. Tôi đồng ý vì nghĩ chỉ phát sinh thêm vài trăm nghìn đồng ngoài 900.000 đồng tiền công lắp đặt. Tuy nhiên, sau đó gia đình tôi phải chi phí thêm 11m ống đồng, dây điện với số tiền 1,92 triệu đồng. Thấy vô lý, tôi yêu cầu đo lại thực tế, họ nói tính nhầm và giảm được 1 triệu đồng”, chị Vui nói.

Mới đây, trên một số trang mạng chia sẻ tình huống mất tiền oan của gia đình nhà chị Trang. Theo đó, khi thấy điều hòa không thể sử dụng, chị Trang gọi thợ sửa, thợ báo phải bảo dưỡng, thay dây điện với tổng chi phí 600 nghìn đồng. Trong khoảng 10 phút, sau khi người thợ thay pin mới, điều hòa đã mát và hoạt động ổn định. Chị Trang chỉ biết sự thật bị lừa khi chồng chị mở camera cho chị xem lại, chỉ rõ các thao tác “người thợ” làm xiếc trước đó và dễ dàng kiếm tiền từ những vị khách là phụ nữ như chị Trang.

Khá nhiều người chia sẻ về các tình huống bị thợ sửa điều hòa "bịp" bắt bệnh

Theo "bật mí" của dân trong nghề, những "chiêu trò" thợ sửa máy lạnh hay dùng để "bẫy" khách hàng rất nhiều nhưng chủ yếu phổ biến ở những công đoạn bao gồm: bơm gas, ăn gian chiều cao để tăng tiền vật tư, đem máy về sửa sau đó đánh tráo linh kiện hoặc tự ý vẽ vời những lỗi hư không có...

"Đơn cử như chiêu ăn gian về chiều cao nhằm tăng thêm tiền dây dẫn, tiền ống đồng, tiền dây điện... Mà giá của những loại thiết bị này ngoài thị trường không hề rẻ như: ống đồng khoảng 140.000-220.000 đồng/mét; dây điện, ống nước từ 10.000-20.000 đồng/mét; dây cấp nước khoảng 40.000-60.000 đồng/sợi tuỳ loại... Với khách sành sỏi khó ăn gian về chiều cao hay khoảng cách, thợ sửa điện lạnh sẽ chuyển sang chiêu ăn chênh lệch về giá khi đội giá lên thêm 30-50% so với giá gốc", anh Công - một thợ sửa máy lạnh cho hay.

Anh Công cũng nói thêm: "Nếu là thợ sửa máy lạnh chuyên nghiệp và có lương tâm sẽ có một quy trình sửa hoặc cụ thể là bơm gas bài bản. Thực tế chỉ trong trường hợp bị xì hoặc hao hụt khi sử dụng trong thời gian dài mới cần bơm gas. Khi quyết định bơm gas phải giải thích và chỉ cho khách hàng xem cái đồng hồ áp suất khi nào thiếu gas, khi nào đủ gas và nếu thiếu gas nhiều cần báo với khách để tìm cách khắc phục chỗ xì"…

Theo các chuyên gia về điện tử điện lạnh, người dân thường không có chuyên môn nên khi máy điều hòa gặp sự cố, cần cân nhắc dịch vụ bảo dưỡng của các hãng chuyên nghiệp, đảm bảo chất lượng. Hơn nữa, chính chủ nhân cũng cần học cách tự bảo dưỡng điều hòa định kỳ. Hoạt động này không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe thành viên trong gia đình mà còn duy trì độ bền, cải thiện hiệu suất làm việc của thiết bị và tránh bị mất tiền oan mỗi khi gọi thợ kiểm tra.

“Khi điều hòa gặp trục trặc để biết được lỗi đang gặp phải, nhà sản xuất đều cho phép người sử dụng truy vấn mã lỗi máy lạnh bằng điều khiển. Tuy nhiên, mỗi hãng, mỗi dòng sản phẩm sẽ có cách thức và bảng mã lỗi điều hòa khác nhau, người dùng có thể tra cứu trong hướng dẫn sử dụng”, anh Năng - kỹ sư điện (Công ty CP Điện máy kỹ thuật) chia sẻ.

Tác giả: Tuấn Kiệt

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP