Xe

"Mập mờ" giảm giá Honda CR-V: Khách hàng có thể khởi kiện đại lý

Việc đại lý thích thì bán, không thích thì hủy hợp đồng phủi tay trách nhiệm được hiểu như hành động chiếm dụng vốn, hành vi vi phạm pháp luật và khách hàng hoàn toàn có thể khởi kiện.

Như Người Đưa Tin đã phản ánh trước đó về việc hàng loạt khách hàng tố các đại lý của Honda Việt Nam “lật kèo”, mập mờ trong việc giảm giá mẫu xe CR-V, thay vì đến hẹn giao xe thì yêu cầu khách hàng đến để hoàn cọc hoặc bù tiền chuyển sang mẫu xe khác.

Đồng thời thẳng thừng từ chối trách nhiệm đền bù vì đơn phương hủy hợp đồng đã khiến cho khách hàng đặc biệt bức xúc. Dư luận tỏ ý nghi ngờ đây là chương trình ảo, mục đích là PR, quảng cáo vì rất nhiều người tới đặt cọc ngay khi công bố chương trình cũng đành về tay không.

Hợp đồng mua xe Honda CRV của khách hàng Lê Tiến Đức với đại lý Honda Tây Hồ (công ty TNHH Motor N.A Việt Nam).

Luật sư Giang Hồng Thanh, Trưởng văn phòng luật sư Giang Thanh (đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, với trường hợp của khách hàng Lê Tiến Đức, khi Honda Tây Hồ (công ty TNHH Motor N.A Việt Nam) phá vỡ hợp đồng, thì người mua (anh Đức) hoàn toàn có thể yêu cầu khoản bồi thường (ngoài số tiền đặt cọc) tương đương. Theo phiếu thu số PT17/0209 ngày 02/9/2017, anh Đức đã nộp 100.000.000 đồng với lý do đặt cọc tiền mua xe, như vậy giữa hai bên đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được quy định tại Điều 292 Bộ luật Dân sự 2015.

Điều 328 Bộ luật này cũng quy định: "Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc. Nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Như vậy có nghĩa là nếu đến thời điểm hết tháng 9/2017 anh Đức không mua xe Honda CR-V 2.4 AT nữa thì sẽ phải chấp nhận mất 100.000.000 đồng tiền đặt cọc cho N.A Việt Nam. Ngược lại, nếu N.A Việt Nam không bán xe Honda CR-V 2.4 AT cho anh Đức nữa, thì sẽ phải trả lại 100.000.000 đồng, đồng thời trả thêm 100.000.000 đồng tiền bồi thường đặt cọc."

Luật sư Giang Hồng Thanh cũng chỉ rõ, mặc dù trong hợp đồng bán hàng giữa hai bên chỉ quy định "Bên mua hủy việc đặt xe hoặc không ký lại hợp đồng khi hết hạn hiệu lực hợp đồng thì Bên bán không cần phải trả lại tiền đặt cọc". Nhưng trong trường hợp này, nếu Bên bán (công ty N.A Việt Nam) hủy việc bán xe thì vẫn phải thực hiện đúng quy định tại Điều 328 nêu trên. Bởi lẽ giữa công ty N.A Việt Nam và anh Đức không có thỏa thuận nào về việc công ty N.A Việt Nam không phải chịu phạt cọc. Nếu công ty N.A Việt Nam không thực hiện đúng quy định tại Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015, anh Đức có thể khởi kiện công ty này ra tòa”.

Phần quy định chung được cho là bất bình đẳng giữa quyền lợi khách hàng với bên bán trong hợp đồng là Honda Tây Hồ.

Cũng chia sẻ với Pv báo Người Đưa Tin, luật sư Trương Xuân Tám, Trưởng văn phòng luật sư Tường Trương Xuân Tám (đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) cũng không khỏi bất ngờ trước thông tin về những bản hợp đồng như kể trên của các đại lý của Honda. Theo phân tích của luật sư Tám, khi người mua và đại lý của Honda đã ký hợp đồng bán hàng, đã có con dấu hợp lệ thì bản thân hợp đồng đó đã có hiệu lực và phải chịu chi phối theo các quy định của pháp luật.

“Nếu là hợp đồng đặt cọc hoặc hợp đồng mua bán nói chung thì bên vi phạm sẽ phải bồi thường thiệt hại cho bên kia chứ không thể đơn phương một bên bị phạt, còn một bên kia thì không. Đấy là một sự bất bình đẳng với khách hàng. Nếu như đại lý thích thì bán, không thích bán nữa thì hủy hợp đồng như không có chuyện gì, việc này không khác gì chuyện chiếm dụng vốn, mập mờ giảm giá để PR trá hình quảng bá sản phẩm. Đây là chiêu trò khuyến mại không lành mạnh, trong kinh doanh thương mại cũng là hành vi bị pháp luật ngăn cấm”, luật sư Trương Xuân Tám khẳng định.

Nói thêm về quy định “dựa trên cơ sở thương lượng” để giải quyết các vấn đề tranh chấp, luật sư Tám cho biết, đây là một quy định khá lập lờ của hợp đồng, dễ dẫn đến tình trạng muốn hiểu như thế nào cũng được. “Mọi vấn đề liên quan đến khách hàng đều phải rõ ràng minh bạch chứ không chỉ một câu theo thương lượng là xong. Khách hàng đang chờ đợi, hi vọng, có những người phải vay mượn, cầm cố để đủ tiền mua xe. Thế nhưng sau hi vọng lại là thất vọng. Không thể nói không có xe, hủy hợp đồng, trả lại tiền đặt cọc là không gây tổn tại. Việc khách hàng yêu cầu đại lý phải chịu phạt cũng không thể nói là không thiện chí được bởi điều này nằm trong quyền lợi của khách hàng khi tham gia giao dịch và được pháp luật thừa nhận”, luật sư Tám cho hay.

Luật sư Trương Xuân Tám qua đây cũng khuyến cáo với các khách hàng, cho dù là mua theo các chương trình giảm giá hay không, trước khi đặt bút vào các bản hợp đồng mua bán, cần đọc rõ các điều khoản xem có thực sự công bằng cho hai bên hay không. Đừng chỉ nhìn vào giá giảm, cảm thấy có lợi hay quá tin tưởng vào uy tín thương hiệu lớn mà bỏ qua phần có liên quan trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.

Để rộng đường dư luận, PV Người đưa tin đã nhiều lần tìm cách liên lạc với người có trách nhiệm từ phía Honda Việt Nam, nhưng luôn nhận được sự im lặng khó hiểu và khất lần câu trả lời.

Báo Người đưa tin tiếp tục thông tin về sự việc tới bạn đọc.

Tác giả: Đỗ Huệ

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP