Giáo dục

Mập mờ bổ nhiệm hiệu trưởng ĐH công lập: Sẽ chấm dứt

Nghị định 99 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (ĐH) sau quá trình triển khai đã bộc lộ những hạn chế. Trong đó có những hạn chế liên quan đến nhân sự khi thực hiện tự chủ ĐH.

Bộ GD&ĐT vừa đưa ra dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99 để lấy ý kiến nhân dân.

Giải quyết các bất cập về nhân sự

Theo TS Nguyễn Viết Lộc, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD&ĐT, thành viên ban soạn thảo, dự thảo sửa đổi, bổ sung 4 điều của Nghị định 99. Ông Lộc cho hay, các quy định pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm đối với hiệu trưởng cơ sở giáo dục ĐH công lập là hội đồng trường hay cơ quan quản lý trực tiếp.

Do đó, để tháo gỡ vướng mắc, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung: Cơ quan quản lý trực tiếp thực hiện vai trò của cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận hiệu trưởng trong việc thực hiện các quy định về công tác cán bộ.

Cơ quan quản lý trực tiếp quyết định việc giao quyền hiệu trưởng hoặc giao phụ trách trường trong trường hợp đối với trường ĐH mới thành lập để tham gia hội đồng trường lâm thời và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của hiệu trưởng cho đến khi có quyết định công nhận hiệu trưởng chính thức theo đề xuất của hội đồng trường; đối với các trường ĐH đã khuyết hiệu trưởng quá 6 tháng mà chưa gửi tờ trình đề nghị công nhận hiệu trưởng tới cơ quan quản lý trực tiếp.

Hội đồng trường thực hiện hoặc ủy quyền hiệu trưởng thực hiện các trình tự, thủ tục đánh giá, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật đối với phó hiệu trưởng theo quy định của pháp luật, trình hội đồng trường xem xét, quyết định.

Thời gian tới, cần có khung pháp lý rõ ràng về vai trò chỉ đạo, quản trị và điều hành giữa Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban giám hiệu nhà trường để tránh sự chồng chéo và tạo ra xung đột không đáng có, đồng thời quy định rõ trách nhiệm giải trình.

Luật Giáo dục ĐH 2018 quy định thành viên ngoài trường ĐH chiếm tỷ lệ tối thiểu 30% tổng số thành viên của hội đồng trường, bao gồm đại diện của cơ quan quản lý trực tiếp.

Do đó, để bảo đảm phát huy quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, tiếp thu ý kiến đề xuất của các cơ sở giáo dục ĐH, dự thảo Nghị định quy định số lượng người đại diện cơ quan quản lý trực tiếp cử không quá 50% tổng số thành viên ngoài trường ĐH.

Ông Lộc lý giải, phải có quy định tỷ lệ thành viên ngoài trường đến từ cơ quan quản lý trực tiếp vì thực tế vừa qua có những bộ, ngành cử 100% số thành viên ngoài trường là người của bộ. Việc này thực sự gây khó khăn cho các trường khi thực hiện tự chủ.

Theo báo cáo của các cơ sở giáo dục ĐH, việc quy định phải triệu tập trên 50% tổng số viên chức, người lao động của trường ĐH để tham dự hội nghị đại biểu bầu và bầu thay thế một thành viên hội đồng trường gặp nhiều khó khăn, tốn kém. Đặc biệt, đối với các ĐH Quốc gia, ĐH vùng và các cơ sở giáo dục ĐH có tổng số viên chức, người lao động lớn.

Ông Lộc nêu thực tế như ĐH Đà Nẵng phản ánh, theo quy định, muốn tổ chức hội nghị đại biểu, ĐH này phải huy động tới 2.000 viên chức, người lao động. Do đó, dự thảo Nghị định giảm tỷ lệ từ trên 50% xuống trên 20%.

Sinh viên trong lễ tốt nghiệp

Dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình, yêu cầu cơ sở giáo dục ĐH công khai toàn bộ nguồn thu, chi, và cơ cấu các khoản thu, chi; cơ cấu chi từ nguồn học phí bảo đảm phù hợp với các quy định có liên quan.

Liệu những sửa đổi, bổ sung của Nghị định 99 có chấm dứt được tình trạng bất cập trong bổ nhiệm hiệu trưởng, chủ tịch Hội đồng trường từng xảy ra tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam; có giải quyết được tình trạng khuyết hiệu trưởng một thời gian dài đang xảy ra ở một số cơ sở giáo dục ĐH hiện nay hay không?

Trước vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, những vấn đề tồn tại vừa qua trong bổ nhiệm hiệu trưởng, chủ tịch Hội đồng trường ở một số cơ sở giáo dục ĐH là do có tình trạng mất đoàn kết nội bộ. Không những thế, vấn đề bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ của các cơ sở này cũng có vấn đề.

“Nếu liên quan đến những quy định của pháp luật thì tại sao sự việc chỉ xảy ra ở một số ít trường mà không xảy ra ở các trường khác? Tuy vậy, dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định lần này đã có quy định rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận hiệu trưởng trong từng tình huống sẽ hạn chế được những bất cập nảy sinh từ nội tại của các trường”, ông Sơn nói.

Tác giả: NGHIÊM HUÊ

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP