Trám đen phân bố ở trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ. Ở Nghệ An, trám đen có nhiều ở các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Đô Lương, Tân Kỳ… Diện tích trồng trám đang ngày một tăng, nhưng cây trám cho quả chủ yếu hiện nay là trám tự nhiên, mọc trong vườn, rừng với đặc điểm thân cây cao lớn hàng chục mét. Ảnh: Huy Thư |
Quả trám nhỏ (chiều dài 2,5 - 3cm, đường kính khoảng 1cm) khi chín có màu đen thẫm, bám chắc vào cành lá, lại ở trên những cây cao, nên việc thu hái rất khó khăn. Ảnh: Huy Thư |
Ở những địa phương có nhiều trám, thường hình thành đội ngũ những người chuyên đi hái trám - nghề “trèo trám”. Họ mua trám khi mới đậu quả, chờ trám chín là đến thu hoạch, để bán lẻ hoặc nhập cho các điểm thu mua. Dụng cụ hái trám khá đơn giản, chỉ là những chiếc sào gắn liền với lưỡi hái, bằng sắt, hình trăng khuyết. Ảnh: Huy Thư |
Muốn làm nghề "trèo trám" điều tiên quyết là phải biết trèo cây, không sợ độ cao. Anh Nguyễn Hoàng Hòa ở xóm 12, xã Thanh Tiên (Thanh Chương) - một người có thâm niên gần 20 năm trong nghề “trèo trám” cho biết: Thân cây trám cao lớn, thẳng đuột, rất khó trèo. Trèo được lên cây trám là thử thách ban đầu, còn đứng trên cây mà chọc được trám, hái được trám mới là khó khăn”. Người mới tập trèo thường dùng thang để hỗ trợ một đoạn dưới gốc cây. Ảnh: Huy Thư |
Những người trèo cây thành thục thì chủ yếu là trèo buông, thoắt một cái đã lên tận ngọn. Người trèo dùng hai tay, hai chân quặp lấy thân cây, cứ thế phối hợp cả tay lẫn chân để đưa người lên cao. Ảnh: Huy Thư |
Một số người còn dùng dây thừng để trèo trám, nhưng rất phức tạp. Ảnh: Huy Thư |
Những giỏ trám đen lóng lánh, béo bùi nhưng để hái được nó thật sự là lắm công phu, nhiều lúc còn đánh đổi cả tính mạng. Ảnh: Huy Thư |
Người trèo trám phải chọn tư thế phù hợp, vừa giữ thăng bằng, vừa dùng sào để chọc quả. Những cây trám lớn cần 2 - 3 người phối hợp cùng hái. Họ thường chọn ngày nắng ráo để hái trám, trừ khi trám chín đồng loạt, phải hái gấp. Ảnh: Huy Thư |
Khi đã trèo lên cây, người trèo trám phải trổ hết các “chiêu” đứng, ngồi, víu với, kẹp vào chạng 3…để chọc quả, dù mỏi mệt cũng cố hái xong mới xuống, không lên xuống cây trám nhiều lần, tốn sức. Ảnh: Huy Thư |
Một pha chọc trám mạo hiểm: Người trèo nằm ngửa, chân quặp cành cây, tay vừa quàng qua cành cây vừa cầm sào chọc quả, không hề có bảo hiểm, dù chỉ là một sợi dây. Anh Lưu Văn Thắng ở xóm 5, xã Thanh Nho (Thanh Chương) cho biết: Trám là cây thân giòn dễ gãy, trèo trám khá nguy hiểm, từ trước đến nay đã xảy ra nhiều vụ trèo trám bị rơi, gãy tay chân, bại liệt, chết người. Ảnh: Huy Thư |
Làm nghề trèo trám thường đi theo nhóm, mỗi nhóm có 2 - 3 người, đông thì 7 - 8 người, có khi cả gia đình. Họ đi khắp các huyện trong tỉnh, có khi sang cả Hương Sơn, Vũ Quang (Hà Tĩnh)… để tìm trám. Đàn ông, con trai thì chuyên trèo hái, phụ nữ chuyên nhặt quả. Do trám tự nhiên thường mọc ở những địa hình chênh vênh, nhiều cây bụi rậm rạp nên nhặt trám cũng là một công việc đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó. Ảnh: Huy Thư |
Ông Hoàng Văn Trí (54 tuổi) ở xóm Tiền Chính xã Võ Liệt (Thanh Chương) cho biết: “Nghề "trèo trám" có thu nhập khá, mỗi mùa trám, gia đình tôi cũng kiếm được vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, đây là một nghề mạo hiểm, liều mạng, không phải ai cũng muốn làm và làm được”. Ảnh: Huy Thư |
Tác giả: Huy Thư
Nguồn tin: Báo Nghệ An