Số hóa

Mạng xã hội và hiện tượng 'tay nhanh hơn não'

Mạng xã hội (MXH) đang tạo nên những cuộc tranh luận mà ở đó người sử dụng không dễ phân biệt đúng, sai, dễ bị kích động để rồi có những hành vi không phù hợp và vi phạm pháp luật.

Dễ lẫn lộn đúng, sai

Ngày 25/7/2017, tài khoản facebook Hoa Thanh đăng tải bài viết kể hành trình gian nan đi làm giấy chứng tử cho người bố tại UBND phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội. Bài viết lan truyền một cách chóng mặt trên MXH với hơn 20.000 lượt like và gần 8.000 lượt chia sẻ chỉ trong một đêm... Hàng trăm nghìn lượt ý kiến khác nhau tạo nên cuộc khủng hoảng lòng tin.

MXH là một thế giới đa cực, không dễ phân biệt đúng sai, nếu không tỉnh táo sẽ vi phạm pháp luật. (Ảnh minh họa)


MXH với sức mạnh khủng khiếp đã thúc đẩy cơ quan chức năng TP Hà Nội sớm vào cuộc thanh, kiểm tra vấn đề được nêu dẫu chưa nhận bất cứ một đơn tố cáo nào. Chiều 2/8, đoàn kiểm tra công vụ TP Hà Nội công bố báo cáo kết quả kiểm tra vụ việc: Sự thật không đúng như tài khoản facebook Hoa Thanh đã nêu.

Facebook là một trong rất nhiều MXH đang hiện diện ở Việt Nam, thu hút rất đông cá nhân, tổ chức tham gia. Với tính chất mở, tương tác và kết nối, người sử dụng MXH đóng vai trò chủ thể lẫn khách thể, có thể tiếp nhận và đưa thông tin lên. Tuy nhiên, MXH cũng là một thế giới đa cực, ở đó người sử dụng khó hoặc không kịp phân biệt đúng, sai.

Nghệ An, trong những ngày đầu tháng 10/2017 này có 3 vụ việc nổi cộm trên facebook. Đầu tiên, nhà hàng gà nổi tiếng ở TP Vinh bị một tờ báo phản ánh mất vệ sinh với những hình ảnh chân thật. Khi bài báo này được chia sẻ trên MXH, người sử dụng facebook đã có ý kiến đa chiều: Một, phê phán nhà hàng không đảm bảo vệ sinh; hai, cho rằng nhà hàng nào cũng mất vệ sinh như vậy; ba, nhà hàng bị phạt do không hối lộ cho đoàn thanh tra; bốn, nhà hàng khác “mượn tay” phóng viên để cạnh tranh không lành mạnh; năm, bài báo sai, nhà hàng rất sạch sẽ...

Một vụ việc khác, tài khoản facebook Hue Le đăng tải nội dung tố cáo một cán bộ công an TP Vinh cùng em gái đánh mình. Nguyên do là cô gái không chấp nhận tình cảm của anh công an dành cho mình... Câu chuyện này đang cần làm rõ nguyên nhân, hành vi cán bộ công an có thực sự đánh cô gái này hay không. Tuy nhiên, gần như tất cả các bình luận “kết tội” người cán bộ này. Câu chuyện này lập tức được một số trang mạng thế lực thù địch xuyên tạc thành cán bộ công an đánh thiếu nữ vì thiếu nữ không đáp trả tình yêu .

Vụ việc thứ ba xuất phát từ bài báo phản ánh việc UBND xã Hữu Khuông (Tương Dương) từ chối 1 tấn gạo, 250 thùng mì tôm, nghìn cuốn vở của nhà hảo tâm. Bài báo còn nhiều uẩn khúc, chứa đựng nhiều nghịch lý này đang cần phải làm rõ nhưng lại được chia sẻ lên MXH. Ngay lập tức, có hàng loạt người đã bình luận quy tội cán bộ xã Hữu Khuông vô trách nhiệm với người dân, từ chối nhận quà viện trợ bỏ mặc khi dân đói... Rất nhiều người thậm chí không đọc nội dung bài báo với nhiều điểm đáng ngờ mà chỉ đọc những bình luận rồi hùa theo kết tội cho cán bộ xã đặc biệt khó khăn này.

Ứng xử văn minh

Không khó để nhận ra rằng hiện nay MXH đang trở thành nơi nở rộ các hành vi thiếu văn hóa, xúc phạm tổ chức, cá nhân; là môi trường tốt cho các hành vi kinh doanh bất hợp pháp, kinh doanh các mặt hàng cấm, các mặt hàng trốn thuế, lừa đảo; là nơi để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá nhà nước.

Trên facebook, ở các diễn đàn, ngày nào cũng có những vụ tấn công, xúc phạm, bôi nhọ danh dự cá nhân được khoác lên mỹ danh “tố cáo”, “bóc phốt”. Đại đa số tài khoản tấn công đều ẩn danh, khó xác định danh tính thật. Nạn nhân không chỉ bị một người tấn công mà bị hàng loạt người do tác động tâm lý đám đông, tư duy chủ yếu bằng hình ảnh và cảm tính hùa theo “đánh hội đồng”...

Theo một nghiên cứu, 78% người sử dụng MXH đều khẳng định từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp tấn công như vậy. Người bị tấn công phải trải qua những chấn động tâm lý, cuộc sống bị phá huỷ thậm chí nhiều người tìm tới cái chết để chạy trốn sự nhục nhã và cơn bão căm ghét.

MXH hình thành nên cụm từ “tay nhanh hơn não” - phê phán những người không chịu tìm hiểu, nghiên cứu sự việc, hiện tượng rồi có phát ngôn sai.

Để ngăn chặn những nội dung độc hại, hành vi tấn công tổ chức và cá nhân, cuối năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Thông tư 38/2016 quy định chi tiết thông tin công cộng xuyên biên giới được ban hành, bước đầu đã có cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp cung cấp thông tin xuyên biên giới phải có trách nhiệm phối hợp gỡ bỏ các thông tin xấu, độc, vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng và triển khai "Bộ quy tắc ứng xử cho mạng xã hội Việt Nam... Các cơ quan chức năng cũng đã ra nhiều bản án, xử phạt nghiêm khắc đối với các cá nhân vi phạm.

Thực tế chỉ ra: Việc nâng cao ý thức của người sử dụng MXH vẫn là quan trọng nhất. Người sử dụng MXH cần có cách ứng xử văn minh để đẩy lùi những tác hại, cái xấu, cái sai lệch. Tức là, cần lên tiếng, khước từ với hành vi xấu; cần học cách sử dụng MXH một cách có kiến thức chứ không mù quáng; tiếp cận thông tin đòi hỏi mỗi người phải tỉnh táo; biết tôn trọng sự đa dạng ý kiến và quan điểm của người khác.

Khi đưa thông tin, người sử dụng MXH cần chú ý không để ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác; không để người khác lợi dụng thông tin để gây hại cho chính bản thân mình cũng như người, tổ chức khác.. Khi bị tấn công trên MXH, cá nhân - tổ chức có quyền tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan, tổ chức có liên quan. Sau khi gửi đơn tố giác, quyền và nghĩa vụ của công dân là cung cấp mọi thông tin đúng sự thật cho cơ quan điều tra.

TS, LS Nguyễn Trọng Hải - Trưởng Văn phòng luật sư Trọng Hải & Cộng sự, TP Vinh nêu rõ: “Theo các quy định của Luật, bôi nhọ người khác trên MXH sẽ bị khép tội làm nhục người khác. Cụ thể: Điểm D, Khoản 1, Điều 5, Nghị định 72 của Chính phủ - nghiêm cấm hành vi lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

Hành vi này có thể xem xét xử phạt hành chính theo điểm g, Khoản 3, Điều 66 Nghị định số 174/2013, theo đó xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng. Hành vi này được xác định là nghiêm trọng thì bị xử lý hình sự theo tội “làm nhục người khác” hoặc “vu khống” được quy định tại Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Cụ thể, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác có thể bị phạt tù hoặc cải tạo không giam giữ từ 3 tháng đến 3 năm. Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì có thể bị phạt tù hoặc cải tạo không giam giữ từ 3 tháng đến 7 năm về tội vu khống”.

Tác giả: Thanh Sơn

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP