Thế giới

Mahatma Gandhi và 'Hành trình Muối' vĩ đại

Ngày 12/3/1930, Mahatma Gandhi và một nhóm những người ủng hộ đã bắt đầu cuộc Hành trình Muối (Salt March) kéo dài gần 400km qua phía tây Ấn Độ. Gandhi đã nảy ra ý tưởng về cuộc đi bộ này như một hành động trong cuộc biểu tình bất bạo động chống lại sự độc quyền muối của chính quyền thực dân Anh.

Mahatma Gandhi, tên đầy đủ là Mohandas Karamchand Gandhi, sinh trong một gia đình Ấn Độ giáo thuộc cộng đồng Modh (một nhóm thương gia ở Gujarat), tại Porbandar, bang Gujarat, Ấn Độ vào năm 1869. Năm 19 tuổi, Gandhi tới London (Anh) để theo học ngành luật. Ba năm sau, ông trở về Ấn Độ và trở thành luật sư.

Tuy nhiên do biến cố gia đình và công việc không mấy suôn sẻ nên ông chấp nhận sang Natal, Nam Phi làm việc. Những năm lưu trú tại Nam Phi với tư cách một người chủ trương hành động chuyên về xã hội chính trị chính là thời kì những khái niệm và kĩ thuật của phương pháp bất hợp tác và phản đối bất bạo động được phát triển. Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, Gandhi quyết định trở về Ấn Độ, mang theo tất cả những gì ông đã học được từ những kinh nghiệm tại Nam Phi.

Mohanda Gandhi, ngồi giữa, sống nhiều năm tại Nam Phi. (Ảnh:Wikimedia Commons)

Kể từ cuối năm 1910, Gandhi là một trong những người tiên phong tìm đường để lật đổ ách thống trị của thực dân dân Anh, hay còn gọi là "Raj". Cựu luật sư nhỏ nhắn và giản dị này đã dẫn dắt người dân không cam chịu chống lại các chính sách thực dân, khuyến khích người Ấn Độ tẩy chay hàng hóa Anh và phải ngồi tù hai năm vì tội xúi giục nổi loạn.

Triết lý satyagraha (chấp trì chân lý) của Gandhi, vốn vạch trần sự thật và chống lại sự bất công thông qua bất bạo lực, đã giúp ông trở thành nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên tiểu lục địa Ấn Độ. Trong khi thực dân Anh nhìn ông với ánh mắt nghi ngờ thì người dân Ấn Độ đã bắt đầu gọi ông với cái tên "Mahatma" hay "linh hồn lớn".

Nhà hoạt động vì hòa bình Ấn Độ là người sống vô cùng giản dị. (Ảnh: Press TV)

Khi Đảng Quốc đại nỗ lực gấp đôi để giành độc lập vào tháng 1/1930, nhiều người cho rằng Gandhi sẽ thực hiện chiến dịch satyagraha tham vọng nhất của ông. Tuy nhiên, thay vì phát động một cuộc tấn công trực diện vào những áp bức bất công ở tầm vĩ mô hơn, Gandhi đã đề nghị tổ chức một cuộc biểu tình liên quan tới muối.

Như nhiều mặt hàng khác, Anh đã thâu tóm công nghiệp muối của Ấn Độ từ thế kỷ 19, cấm người dân bản địa sản xuất hoặc bán loại khoáng sản này và buộc họ phải mua muối giá cao từ các thương gia Anh. Vì muối là một gia vị không thể thiếu của người dân Ấn Độ nên Gandhi coi những quy định về muối như một tội ác không thể tha thứ được.

Hành trình Muối của Gandhi đã thu hút hàng ngàn người dân Ấn Độ tham gia. (Ảnh: AP)

Ngày 2/3, ông đã viết một bức thư gửi tới Toàn quyền Anh tại Ấn Độ Lord Irwin và đưa ra hàng loạt đề nghị, trong đó có bãi bỏ thuế muối. Nếu bị lờ đi, ông hứa sẽ tiến hành một chiến dịch satyagraha. "Tham vọng của tôi, không có gì ngoài thay đổi người Anh thông qua bất bạo lực và qua đó khiến họ thấy những sai lầm mà họ đã phạm phải tại Ấn Độ", ông viết.

Irwin không có phản ứng chính thức nào và vào rạng sáng ngày 12/3/1930, Gandhi đã tiến hành kế hoạch của mình. Khoác lên mình một chiếc khăn, xỏ đôi dép sandal và cầm một cây gậy gỗ, ông đã cùng với hàng chục người đồng hành bắt đầu hành trình đi bộ từ Ahmedabad tới thị trấn biển Dandi. Trên đường đi, hàng nghìn dân chúng Ấn Độ đã gia nhập đoàn tuần hành của Gandhi.

Gandhi trong cuộc Hành trình Muối năm 1930. (Ảnh: Corbisimages)

Ngày 15/4, nhà hoạt động đã tới được Dandi sau 24 ngày đi bộ với tổng quãng đường lên tới 241 dặm (gần 400km). Mặc dù Gandhi và hơn 80.000 người đã bị bắt giam nhưng hành trình này được coi là một trong những chiến dịch thành công nhất của ông.

Tạp chí Time đã bình chọn Gandhi là "Nhân vật của năm" vào năm 1930 và các tờ báo lớn trên khắp toàn cầu đã không bỏ lỡ cơ hội để trích lời ông hoặc đưa tin về những kỳ tích của ông.

Tháng 3/1931, Toàn quyền Anh Lord Irwin cuối cùng cũng đồng ý thương lượng với Gandhi. Hai bên đã soạn thảo Hiệp ước Gandhi-Irwin, vốn chấm dứt satyagraha để đổi lấy một sự nhượng bộ gồm thả hàng ngàn tù nhân chính trị. Mặc dù thỏa thuận phần lớn vẫn duy trì sự độc quyền muối của chính quyền thực dân Anh nhưng những người dân Ấn Độ sống tại vùng duyên hải đã được quyền sản xuất muối.

Gandhi được người dân Ấn Độ gọi là "Mahatma" hay "linh hồn lớn". (Ảnh: Famous Biographies)

Gandhi và những người ủng hộ ông đã phát động thêm nhiều cuộc biểu tình vào những năm 1930, 1940 và phải chịu tù đày không ít lần cho tới khi Ấn Độ giành được độc lập vào năm 1947.

Ngày 30/1/1948, Gandhi đã bị bắn 3 phát súng vào ngực trong một buổi cầu nguyện ở tòa nhà Birla House ở Delhi. Kẻ giết người là Nathuram Godse, một người Hindu cực đoan phản đối quan điểm đoàn kết giữa người Hồi giáo với người Hindu ở tiểu lục địa Ấn Độ do Gandhi đề xướng. Sự ra đi của Mahatma Gandhi đã gây ra ảnh hưởng sâu sắc, dẫn tới sự chia cắt trong xã hội Ấn Độ, để lại vết thương mà cho đến ngày nay chưa thể chữa lành. Gần 2 năm sau vụ ám sát, Godse bị tử hình.

Tác giả: Sầm Hoa

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP