Thế giới

Lý do số ca Covid-19 ở Indonesia bất ngờ giảm mạnh

Sau khi quay cuồng với làn sóng Covid-19 trong nửa đầu năm nay, Indonesia bất ngờ ghi nhận số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 giảm mạnh trong khoảng 3-4 tháng trở lại đây.

Số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 giảm mạnh sau làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng nửa đầu năm 2021 (Ảnh: Reuters).

Nửa đầu năm nay, Indonesia là một trong những tâm dịch Covid-19 ở châu Á với hàng chục nghìn ca nhiễm mới và hàng nghìn ca tử vong do đại dịch mỗi ngày. Giới chức nước này từng lo ngại, làn sóng Covid-19 do biến chủng Delta gây ra có thể khiến hệ thống y tế của họ sụp đổ.

Tuy nhiên, khoảng 3-4 tháng trở lại đây, số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 ở Indonesia có xu hướng giảm mạnh. Bộ Y tế Indonesia cho biết, trong ngày 22/11, nước này chỉ ghi nhận 186 ca nhiễm mới và 5 ca tử vong.

Lý giải về xu hướng này, Citra Indriani, chuyên gia dịch tễ của Đại học Gadjah Mada, 80% dân số Indonesia có thể đã có miễn dịch tự nhiên với virus SARS-CoV-2 sau làn sóng Covid-19 nghiêm trọng chưa từng có do biến chủng Delta gây ra hồi đầu năm nay. "Với hơn 50% bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng, có thể 80% dân số Indonesia đã nhiễm biến thể Delta", ông Citra nói.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo nguy cơ xảy ra làn sóng Covid-19 thứ 3 ngay cả khi phần lớn dân số đã có kháng thể tự nhiên. Theo ông, kịch bản này có thể xảy ra nếu xuất hiện các biến chủng mới, khi đó, số ca nhiễm và tử vong sẽ tăng trở lại.

"Hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh tự nhiên đều hình thành kháng thể nhưng là kháng thể với một loại virus hoặc một biến chủng nhất định, không phải với tất cả các biến chủng. Do vậy, miễn dịch tự nhiên ở thời điểm này có thể không còn nhiều tác dụng nếu xuất hiện biến chủng mới", ông Citra giải thích.

Ông nhấn mạnh thêm rằng, phần lớn người mắc Covid-19 ở Indonesia trong làn sóng lây nhiễm thứ nhất hồi tháng 1 năm nay và trong làn sóng thứ 2 hồi tháng 6-7 đều chưa được tiêm chủng. Do vậy, ông hy vọng chính phủ Indonesia sẽ thúc đẩy chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 để giảm tính nghiêm trọng làn sóng thứ 3 nếu số ca nhiễm bắt đầu tăng trở lại.

Ông tin rằng, một trong những yếu tố giúp kiểm soát Covid-19 ở Indonesia là chương trình tiêm chủng. Nếu làn sóng lây nhiễm thứ 3 ở Indonesia bùng phát vào đầu năm tới, thì khi đó hệ thống y tế sẽ không chịu sức ép như hồi tháng 7 với hàng nghìn ca bệnh nặng mỗi ngày.

Mặt khác, ông cũng nhấn mạnh, chính phủ Indonesia cần có các biện pháp thích hợp để kiểm soát dịch đặc biệt vào các dịp lễ lớn vì lễ hội tập trung đông người là điều kiện lý tưởng để virus lây lan diện rộng.

Indonesia khởi động tiêm chủng vaccine Covid-19 đại trà từ tháng 1 năm nay. Hiện khoảng 135 triệu người dân Indonesia đã được tiêm ít nhất một mũi, hơn 89 triệu dân đã tiêm đủ hai mũi tiêu chuẩn. Nước này cũng bắt đầu triển khai tiêm vaccine Covid-19 mũi tăng cường.

Tác giả: Minh Phương

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP