Tại xã Nghi Liên (TP. Vinh-Nghệ An), rất nhiều trường hợp dân đã nộp tiền đất nhưng không được công nhận do chứng từ không đầy đủ nội dung. Ảnh: QĐ |
Như Lao Động đã thông tin, thời gian qua, nhiều người dân ở Nghệ An bức xúc vì số tiền lớn từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng nộp mua đất vào năm 2004 không được công nhận vì lý do rất oái ăm: Không có con dấu, chữ ký của Chủ tịch UBND xã.
Có hộ dân nộp số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng vào năm 2004, tương đương hàng chục cây vàng vào thời điểm đó, nhưng nay bị “xóa trắng” vì phiếu thu không dấu, phải nộp lại toàn bộ tiền sử dụng đất theo bảng giá hiện hành.
Ngày 22.8, trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Thị Thoa (Văn phòng luật sư Cao Trí – TP. Vinh-Nghệ An) cho biết: Theo quy định hiện hành, đối với trường hợp cấp đất trái thẩm quyền, người dân chỉ cần có giấy tờ chứng minh đã nộp tiền cho đơn vị, cơ quan, tổ chức để được sử dụng đất; số tiền này sẽ được tính toán khấu trừ vào thời điểm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận.
Theo luật sư Thoa, đây là vấn đề bức xúc, ảnh hưởng tới quyền lợi của rất nhiều người dân, vì vậy chính quyền địa phương cần có biện pháp tháo gỡ.
Luật sư Thoa nêu ra hai hướng để tháo gỡ vướng mắc đối với các phiếu thu không đầy đủ các nội dung theo quy định.
Thứ nhất, cơ quan chức năng tổ chức xác minh, đối chiếu để xác định có việc người dân nộp tiền cho đơn vị, cơ quan, tổ chức để được sử dụng đất hay không. Nếu thông tin xác minh trùng khớp với nội dung phiếu thu do người dân cung cấp, thì công nhận số tiền dân đã nộp.
Hướng thứ hai là xử lý theo Điều 8-Nghị định 41/2018 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập. Theo đó, hành vi mẫu chứng từ kế toán không có đầy đủ các nội dung chủ yếu theo quy định bị xử phạt từ 3 đến 5 triệu đồng.
Đến nay, thời hiệu xử phạt đã hết, nhưng cơ quan chức năng có quyền yêu cầu thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: Bổ sung các yếu tố chưa đầy đủ của chứng từ. Lúc đó, người dân sẽ được cung cấp chứng từ hợp lệ.
Trường hợp không bổ sung được do yếu tố khách quan, thì cơ quan, đơn vị, tổ chức thu tiền đất của dân có trách nhiệm lập văn bản xác nhận cho người được cấp đất. Văn bản này được xem là căn cứ chứng minh đã nộp tiền đất của người dân.
“Việc lập chứng từ kế toán (phiếu thu) không đầy đủ nội dung theo quy định là trách nhiệm của cơ quan chức năng, không phải lỗi người dân. Nay vì lỗi của cơ quan chức năng mà không công nhận quyền lợi của người dân là không đúng. UBND tỉnh Nghệ An cần xem xét, hướng dẫn chung về nội dung này” – Luật sư Thoa nêu quan điểm.
Được biết, việc người mua đất mất quyền lợi vì chứng từ không bảo đảm không chỉ có ở xã Nghi Liên, mà có ở nhiều địa phương khác tại Nghệ An, nhiều trường hợp người dân phải khởi kiện ra tòa rất vất vả, tốn kém.
Tác giả: Duy Chương
Nguồn tin: Báo Lao Động