Giáo dục

Lớp 1, 2 học online kiểm tra trực tiếp: Đừng vì điểm số gieo cho trẻ nỗi sợ

Trẻ quay trở lại trường, việc đầu tiên không phải là sự kết nối vui vẻ, mà lại liên quan đến thi cử căng thẳng… Điều này vô hình trung gieo cho trẻ nỗi sợ học, sợ đến trường.

Ngày 13/12, Bộ GD-ĐT ban hành hướng dẫn kiểm tra định kỳ với học sinh tiểu học, trong đó học sinh lớp 1, lớp 2 sẽ thực hiện bài kiểm tra định kỳ cuối học kỳ I theo hình thức trực tiếp tại trường. Trong trường hợp bất khả kháng, phải kiểm tra bằng hình thức trực tuyến.

Theo đó, tùy theo tình hình dịch bệnh của mỗi địa phương, các nhà trường cần lập kế hoạch để thực hiện các buổi kiểm tra học kỳ tại trường với học sinh lớp 1, 2 theo phương án đảm bảo an toàn.

Nhiều người đồng ý với quyết định này khi cho rằng việc kiểm tra định kỳ trực tiếp sẽ giúp đánh giá thực chất năng lực của học sinh. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh, chuyên gia bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng và không đồng tình với việc học online mà kiểm tra trực tiếp.

Học online, kiểm tra trực tiếp đánh giá đúng năng lực?

Có con gái học lớp 2, phụ huynh Bùi Lan Ngọc (Cầu Giấy, Hà Nội) ủng hộ quyết định học sinh lớp 1,2 kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tiếp.

"Việc trẻ lớp 1, 2 tới trường kiểm tra trực tiếp sẽ giúp nhà trường, thầy cô cũng như phụ huynh đánh giá được khả năng tiếp thu kiến thức sau thời gian dài học trực tuyến của trẻ một cách chính xác, trung thực nhất. Còn nếu cứ miễn kiểm tra, "nhắm mắt" cho học sinh lên lớp, thì người thiệt thòi nhất không ai khác là các con khi cứ lên lớp đều đều mà trong đầu không có chút kiến thức nào".

Trẻ lớp 1, 2 học online nhưng sẽ tới trường kiểm tra trực tiếp (Ảnh: K.P)

Phụ huynh Trần Mạnh Tiến (Hà Nội) cũng đồng tình với quan điểm này. Anh Tiến cho biết, bản thân không quá lo lắng về mức độ an toàn khi trẻ tới trường thi trực tiếp, bởi anh tin rằng, trước khi đón trẻ trở lại trường, nhà trường sẽ lên kế hoạch và thực hiện nghiêm túc quy tắc phòng chống dịch.

Tuy nhiên, phụ huynh này cũng bày tỏ sự băn khoăn về khả năng "bắt nhịp" khi trở lại trường của trẻ.

"Con tôi năm nay học lớp 1. Con đọc trôi chảy, viết tương đối đúng chính tả, biết làm phép tính cộng trừ một con số… Do đó, khi đến trường thi trực tiếp, kiến thức của con không khiến tôi lo ngại.

Nhưng nỗi lo lớn nhất của tôi lại là khả năng thích ứng của con khi tới trường. Trên thực tế, từ đầu năm học, con đã phải ở nhà học online. Điều này khiến con chưa biết tư thế và quy định ngồi bàn ghế trong lớp tiểu học là thế nào, vì lớp mẫu giáo chỉ ngồi vòng tròn xung quanh cô giáo. Cả nhà lo trong quá trình thi trực tiếp, con ngồi quay ngang ngửa, vi phạm kỷ luật, ảnh hưởng tới kết quả kiểm tra".

Đứng trước nỗi lo này, phụ huynh Mạnh Tiến cho biết, thời gian tới, anh sẽ trò chuyện và hướng dẫn con một số quy tắc trong phòng thi. "Hy vọng điều này sẽ phần nào giúp con thích nghi với trường lớp, phòng thi một cách dễ dàng" - anh Tiến tâm sự.

Giảng dạy tại một trường tiểu học ở Hà Nội, nhà giáo Ngô Thị Oanh nhìn nhận, việc đưa trẻ lớp 1, 2 đến trường kiểm tra trực tuyến sẽ giúp đánh giá trung thực, khách quan khả năng truyền đạt và tiếp thu kiến thức của cả người dạy và người học sau hơn 4 tháng triển khai hình thức học từ xa.

Cô Oanh cho biết, trước khi thực hiện bài kiểm tra định kỳ đối với môn Toán và môn Tiếng Việt, các thầy cô bộ môn sẽ tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức và định hướng nội dung cốt lõi cho trẻ.

Khi biên soạn đề kiểm tra, giáo viên sẽ xây dựng nội dung, yêu cầu sao cho đánh giá đúng năng lực, kiến thức và kỹ năng của học sinh.

"Tôi nghĩ, phụ huynh không nên quá lo lắng, khắt khe và đặt nặng áp lực thi cử lên vai trẻ. Tùy vào tình hình, nhà trường sẽ có những điều chỉnh để phù hợp, đánh giá đúng kiến thức, kỹ năng đồng thời đảm bảo an toàn cho trẻ trong thời gian đến trường thi trực tiếp".

Trẻ học online, cần đánh giá theo hình thức trực tuyến

Tuy nhiên, quyết định kiểm tra định kỳ với học sinh lớp 1, 2 theo hình thức trực tiếp của Bộ GD-ĐT cũng khiến không ít phụ huynh trăn trở.

Là phụ huynh có con học lớp 1, chị Ngọc Hà tỏ ra vô cùng lo lắng khi được cô giáo chủ nhiệm thông báo thời gian tới, con sẽ tới trường thực hiện kiểm tra định kỳ trực tiếp.

"Học online, chất lượng không thể bằng học trực tiếp, vậy mà các con lại phải tới trường kiểm tra trực tiếp, liệu rằng quyết định này có phù hợp? Thiết nghĩ, điểm số lớp 1,2 thì đâu có quan trọng mà phải tạo căng thẳng thi cử cho trẻ. Theo tôi, mỗi người hãy đặt thấp kỳ vọng xuống một chút, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, để những "mầm non" được phát triển bình thường và tận hưởng tuổi thần tiên".

Trong khi đó, phụ huynh Ngô Bích Ngọc nêu quan điểm: "Học trực tuyến - thi trực tiếp, phải chăng người lớn đang quá đặt nặng về điểm số mà quên mất cảm nhận của trẻ em? Các con học online gần nửa năm qua đã là cố gắng rồi, vậy nên đừng đặt nặng điểm số, thành tích quá.

Chưa kể, việc đến trường thi trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp còn liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của các con. Lớp 1, 2 chưa có ý thức để thực hiện 5K, chỉ cần một phút lơ là thì hậu quả sẽ khó mà ngờ tới".

PGS.TS Trần Thành Nam: "Nếu chúng ta đưa trẻ đến trường kiểm tra chỉ vì số liệu báo cáo, rằng có bao nhiêu trẻ đọc thông, viết thạo, thì đánh giá này không có sự tập trung vào người học, không vì sự phát triển của trẻ con".

Trao đổi với Dân Trí, TS. Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết, học - kiểm tra là nguyên tắc bất biến, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải dứt khoát thực hiện. Có kiểm tra, đánh giá thì mới biết năng lực của người học, khả năng truyền đạt của người dạy đến đâu.

Song, trước quyết định kiểm tra định kỳ trực tiếp với học sinh lớp 1, 2 mà Bộ GD-ĐT đưa ra, TS. Tùng Lâm chưa thực sự đồng tình.

"Học tập phải gắn liền với đánh giá, đây là quy định có trong chương trình giáo dục, chúng ta cần tôn trọng và thực hiện. Nhưng hình thức, mục đích kiểm tra thế nào, cần phải linh hoạt, mềm dẻo để phù hợp với tình hình thực tiễn hơn.

Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện tại, những vùng xanh, vùng đảm bảo yêu cầu vẫn đang học bình thường, thì việc đánh giá diễn ra theo hình thức trực tiếp là điều đương nhiên. Nhưng với những vùng đang trong cấp độ dịch, trẻ vẫn phải học online, thì cần đánh giá theo hình thức trực tuyến.

Theo đó, với học sinh lớp 1, 2, kiểm tra online là việc hoàn toàn có thể triển khai và thực hiện. Trên thực tế, việc kiểm tra với trẻ ở lứa tuổi này chỉ liên quan đến khả năng đọc, đánh vần. Vì vậy, thầy cô có thể kiểm tra bằng cách giới hạn một khoảng thời gian, trẻ cần đọc được bao nhiêu từ, cách đánh vần ra sao… để từ đó đánh giá trình độ theo quyết định của chương trình.

Đặc biệt, không nên đặt nặng về điểm số. Lớp 1, 2, trẻ "đọc thông, viết thạo" đã là xuất sắc rồi. Đánh giá là để khích lệ, giúp trẻ tiến bộ, chứ không phải vùi dập học sinh" - TS Tùng Lâm nhấn mạnh.

Đừng đưa trẻ đến trường kiểm tra chỉ vì số liệu báo cáo

Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) cho hay, liên quan tới sức khỏe, an toàn khi học sinh đến trường kiểm tra trực tiếp, phụ huynh không nên quá lo lắng bởi khi trở lại trường, nhà trường sẽ có kế hoạch để đảm bảo an toàn cho học sinh. Tuy nhiên, chuyên gia cho biết, việc kiểm tra trực tiếp với trẻ lớp 1, 2 ở thời điểm này chưa thực sự phù hợp.

Theo PGS. TS Trần Thành Nam, trong công văn hướng dẫn kiểm tra đánh giá học sinh ứng phó dịch Covid-19, vẫn còn "trường hợp bất khả kháng". Theo đó, trong trường hợp này, nhà trường vẫn phải kiểm tra online. "Điều này làm gia tăng áp lực cho các nhà trường, thầy cô và học sinh, vì cùng lúc phải chuẩn bị cho 2 phương án kiểm tra định kỳ.

Trong giai đoạn dịch bệnh, mọi người chịu nhiều căng thẳng, sự cố gắng cũng đã gấp đôi, gấp ba, do đó, cần thống nhất một hình thức thi nhất định để giảm áp lực cho cả thầy và trò" - chuyên gia phân tích.

Ngoài ra, ở độ tuổi lớp 1, 2, việc đánh giá của các con cũng hầu hết liên quan đến "đọc thông, viết thạo"; do đó, thay vì yêu cầu trẻ tới trường làm bài kiểm tra trực tiếp, nhà trường có thể tổ chức kiểm tra theo hình thức online.

"Chương trình giáo dục mới, chúng ta đã thống nhất với nhau quan điểm, coi việc đánh giá giống như công cụ để dạy học, chứ không phải kiểu kiểm tra, thanh tra để bắt lỗi. Và đối với chương trình tiểu học mới, hình thức đánh giá cũng vô cùng đa dạng. Bên cạnh đánh giá định lượng thì còn có đánh giá định tính, thông qua sự quan sát của cha mẹ, thầy cô… nên hình thức kiểm tra hoàn toàn có thể linh hoạt. Còn nếu chúng ta đưa trẻ đến trường kiểm tra chỉ vì số liệu báo cáo, rằng có bao nhiêu trẻ đọc thông, viết thạo, thì đánh giá này không có sự tập trung vào người học, không vì sự phát triển của trẻ con.

Chưa hết, xét về khía cạnh tâm lý, cả một năm nay, do dịch bệnh, trẻ phải ở nhà học trực tuyến, vì vậy nhớ trường là tâm trạng tất yếu. Nhưng cho trẻ quay trở lại trường, việc đầu tiên không phải là vui chơi, mang sự kết nối vui vẻ, mà lại liên quan đến học, ôn thi, rồi thi cử căng thẳng… Điều này vô hình trung gieo cho trẻ nỗi sợ học, sợ đến trường, mỗi ngày đến trường không phải là ngày vui" - PGS.TS Trần Thành Nam cho biết.

Tác giả: Kiều Phương

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP