Trước khi tái cấu trúc, Công ty CP Tập đoàn NextTech được biết đến với tên gọi Công ty CP Giải pháp phần mềm Hòa Bình (Peacesoft). Peacesoft thành lập năm 2001 với số vốn vẻn vẹn 2 triệu đồng, ông Nguyễn Hòa Bình vừa đảm nhiệm vai trò giám đốc, vừa là nhân viên duy nhất của công ty.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Peacesoft nhanh chóng phát triển và gặt hái được một số thành quả nhất định. Thế nhưng, dù triển khai nhiều thương vụ khác nhau trong suốt hơn 20 năm qua, chỉ một số dự án tiêu biểu của Shark Bình còn hoạt động.
Chợ online đầu tiên của Việt Nam
Năm 2005, Peacesoft của Shark Bình ra mắt Chợ Điện Tử (chodientu.vn), sàn thương mại điện tử đầu tiên tại Việt Nam. Đây cũng là dự án có quy mô lớn nhất kể từ thời điểm công ty được thành lập.
Vài năm sau, Chợ Điện Tử nhận sự hợp tác của eBay, sàn TMĐT lớn nhất thế giới hồi ấy. Năm 2011, tập đoàn quyết định đầu tư vào Peacesoft để đổi lấy 20% cổ phần.
Giao diện của Chợ Điện Tử vào năm 2016. Ảnh: Nganluong.vn |
Theo báo cáo thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2015, dựa trên tổng doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử như thu phí gian hàng, phí thành viên, quảng cáo, phí hoa hồng đơn hàng, Chợ Điện Tử là sàn thương mại điện tử lớn thứ 2 cả nước, chỉ sau Lazada.
Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh khốc liệt của hàng loạt nền tảng thương mại điện tử khác như Lazada, Shopee, eBay tỏ ra hụt hơi, chia tay Chợ Điện Tử và rút khỏi Việt Nam. Đến năm 2019, Chợ Điện Tử không còn là cái tên mà mọi người nhắc tới trong cuộc đua thương mại điện tử ở Việt Nam.
Có thể nói, Chợ Điện Tử là dự án thành công nhưng cũng là một trong những thất bại lớn nhất của Shark Bình. Bài học mà Shark Bình rút ra là: Chủ doanh nghiệp đừng bao giờ nghĩ rằng khi chúng ta nhận vốn từ một nhà đầu tư chiến lược, chúng ta sẽ thành công. Ngược lại, đó hoàn toàn có thể là khởi đầu của một sự thất bại.
Ứng dụng gọi xe công nghệ FastGo và HeyU
Tháng 3/2018, Uber rút khỏi thị trường Việt Nam và để lại khoảng trống cho các ứng dụng gọi xe Việt vươn lên giành thị trường, trong cuộc chiến căng sức với Grab. Giữa lúc đó, ứng dụng gọi xe thuần Việt là FastGo đã xuất hiện.
Đây là ứng dụng được Công ty cổ phần FastGo Việt Nam phát triển, thuộc Tập đoàn NextTech của Shark Nguyễn Hòa Bình.
Khi ra mắt, FastGo tuyên bố không tăng giá cước xe vào giờ cao điểm. Hơn nữa, tài xế FastGo sẽ hoàn toàn không bị thu phí chiết khấu mà chỉ chịu một khoản phí nhỏ để duy trì việc sử dụng dịch vụ dựa trên doanh thu trong ngày.
Ứng dụng gọi xe công nghệ FastGo. Ảnh: Dân Việt |
Sau 6 tháng ra mắt, FastGo có bước phát triển mạnh mẽ với 40.000 tài xế. Cuối năm 2018, FastGo nhảy vào thị trường Myanmar và cũng gặt hái được thành công bước đầu khi với chiến lược lọt top 3 hãng gọi xe lớn nhất Đông Nam Á.
Theo kế hoạch, FastGo sẽ mở rộng dịch vụ ra 8 thành phố lớn trong năm 2018 và toàn quốc vào 2019. Công ty cũng đặt mục tiêu có 5-10 triệu người dùng đến năm 2021.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, quy mô của FastGo bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Sau 8 tháng, ứng dụng chỉ có thêm 20.000 tài xế thay vì con số 40.000 tài xế ghi nhận trong 6 tháng đầu.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - thành viên nắm 2,703% cổ phần của FastGo - sau này từng thừa nhận FastGo là thương vụ thất bại.
Giữa tháng 5/2021, FastGo dừng cập nhật. Sau 3 năm, FastGo đã ngừng phát triển và đến nay không còn nhiều người còn nhớ ứng dụng này đã từng cạnh tranh với Grab. Hiện tại, fanpage chính thức của ứng dụng FastGo giờ đây chỉ còn tập trung giới thiệu về XeGo.
Trong khi đó, HeyU huy động thành công 500.000 USD từ Shark Bình thông qua vòng hạt giống vào năm 2018. Tính riêng năm 2020 tại Hà Nội, HeyU cho biết có hơn 25.000 tài xế trở thành đối tác. Đáng tiếc, dù vẫn hoạt động song cho đến nay, người dùng hiếm khi nhìn thấy các shipper khoác trang phục HeyU di chuyển trên đường.
Dự án blockchain bị tố lừa đảo
Gần đây, Shark Nguyễn Hòa Bình còn tham gia đầu tư vào một số dự án blockchain như VNDT, AntEx, Enrex. Tuy nhiên, những dự án này lại vướng lùm xùm làm giá.
Với hệ sinh thái blockchain AntEx, Shark Bình nắm vai trò cố vấn còn NextTech là nhà đầu tư cho WePay (công ty phát triển giải pháp Antex và VNDT). AntEx gây chú ý khi được shark Bình rót nguồn vốn "khủng" lên tới 2,5 triệu USD.
Sau khi lên sàn, AntEx bị bán tháo liên tục với khối lượng lớn. Theo CoinMarketCap, giá token của AntEx (ANTEX) đang được giao dịch ở mức 0,00001714 USD/đồng, tức đã giảm 99% so với đỉnh. Vốn hóa của ANTEX thu hẹp về 170.261 USD.
Giải thích nguyên nhân này, đại diện WePay cho biết token giảm có thể do nhà đầu tư vòng sớm chốt lời, lượng token hạn chế và tác động từ thị trường nói chung.
Thế nhưng, các nhà đầu tư cáo buộc đội nhóm phát triển dự án đã rút thanh khoản để xả lên người chơi.
Tác giả: Hoàng Minh (tổng hợp)
Nguồn tin: kienthuc.net.vn