Kinh tế

Lo hút đầu tư nước ngoài, DN nội bị bỏ bê

Các chuyên gia kinh tế mổ xẻ những chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài như Tập đoàn Formosa (Đài Loan) “quá đáng” so với các doanh nghiệp (DN) trong nước.

PGS. TS Nguyễn Thừa Lộc và TS Nguyễn Thị Thanh Hiếu (Đại học Kinh tế Quốc dân) đều đồng thuận với một số ý kiến của các chuyên gia khi đánh giá: “Môi trường kinh doanh ở Việt Nam không bình đẳng, nhiều rào cản và thiếu an toàn. Hiện chính sách ưu đãi các nhà đầu tư nước ngoài quá đáng so với DN trong nước dẫn tới cạnh tranh không bình đẳng”.

Đầy rẫy bất công

Dẫn chứng cho nhận định trên, PGS. TS Nguyễn Thừa Lộc cho ay, Dự án Khu liên hợp gang thép của Tập đoàn Formosa (Đài Loan) đã nhận được rất nhiều ưu đãi “quá đáng” như được áp dụng mức thuế thu nhập DN 10% trong khi DN trong nước từ 1/1/2016 đã phải chịu mức 20%.

111461302507039
Một phần của "đại công trường" Formosa Hà Tĩnh (Ảnh: Formosa Hà Tĩnh)

Họ được 4 năm miễn thuế thu nhập DN và được giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo, giảm 50% thuế thu nhập cá nhân với người có thu nhập cao, miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải chuyên dùy, miễn thuế tài nguyên và giảm tới 40% phí bảo vệ môi trường với hoạt động hút cát, san nền…

“Chưa nói tới các ưu đãi khi giải phóng mặt bằng, có cơ sở hạ tầng điện, nước đầy đủ, ít chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng. Môi trường như vậy đã tạo ra sự không bình đẳng giữa các DN”, ông Nguyễn Thừa Lộc khẳng định.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thị Thanh Hiếu cho rằng do mải mê đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, kinh tế tư nhân trong nước nói chung và DN siêu nhỏ nói riêng đang bị bỏ rơi, gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh.

“Ngay cả các DN bán lẻ lớn như Saigon Coop cũng chỉ có 1.000 tỷ đồng vốn tự có, chỉ đủ 15 – 20% nhu cầu kinh doanh, còn lại phải đi vay trong khi lãi suất cho vay ở Việt Nam vẫn ở mức từ 7 – 11%/năm, gấp 2 – 3 lần so với các mức lãi suất của các nước khác trong khu vực như Phillipines (2,2%/năm) hay Malaysia (2,1%/năm). Với mức lãi suất đắt đỏ như vậy, DN Việt không thể cạnh tranh được với các DN ngoại”, bà Thanh Hiếu nêu quan điểm.

Thuế ăn hết lợi nhuận của DN

tai xuong
Thuế, phí bôi trơn ăn hết lợi nhuận của DN (Ảnh: Báo Đất Việt)

Chuyên gia kinh tế này phân tích thêm, tỷ lệ huy động thuế và phí với DN Việt còn cao. Theo WEF, tổng mức thuế của Việt Nam là 40,8%, tỷ trọng thuế trên lợi nhuận mà DN Việt phải nộp thấp hơn một số nước như Mỹ, Trung Quốc…, nhưng cao hơn rất nhiều nước trong khu vực.

Cụ thể, tỷ lệ này tại Singapore là 18,4%, Thái Lan là 27,5%, Campuchia 21%, Indonesia 29,7%... Hàn Quốc là nước có cách tính thuế phức tạp, nhưng tổng thu thuế cũng chỉ chiếm 33% lợi nhuận của DN.

“Với tỷ lệ này, thuế ăn hết lợi nhuận của DN, không thể còn nguồn để đầu tư tái mở rộng kinh doanh, khó có thể có nguồn lực cạnh tranh với DN nước ngoài”, bà Thanh Hiếu nhấn mạnh.

Trong khi đó, PGS. TS Nguyễn Thừa Lộc nêu thực tế, các DN Việt đang phải chịu các chi phí không đáng có như tiếp cận đất đai khó khăn khi mở chuỗi siêu thị, thủ tục hành chính phiền hà, chi phí xin cấp phép xây dựng, xin cấp phép dựng biển quảng cáo, thuê mặt bằng kinh doanh cao do giá bất động sản cao.

Ngoài ra, mức nộp vào quỹ bảo hiểm xã hội quá cao, lên tới 18%, chi phí bảo hiểm trả cho người lao động sẽ còn cao hơn trong thời gian tới do thay đổi phương pháp tính.

“Đặc biệt, chi phí bôi trơn ngày càng lớn. Trong năm 2015, dù nhà nước nỗ lực để cắt giảm chi phí không chính thức, nhưng kết quả điều tra ở 12.000 DN cho thấy chi phí này không hề giảm. Có đến 62% DN siêu nhỏ, 68% DN nhỏ đánh giá hiện tượng trả phí không chính thức là thường xuyên.

Với các DN có quy mô vừa và lớn thì con số này còn cao hơn, lần lượt là 70% và 69%. Các khoản phí này với DN vừa và nhỏ chiếm 10% doanh thu”, PGS. TS Nguyễn Thừa Lộc cho biết.

PGS. TS Nguyễn Thừa Lộc nói thêm, các chi phí về logictis, làm thủ tục hải quan còn tốn thời gian và chi phí cao hơn các nước trong khu vực. Những siêu thị như Hapro còn phỉa chịu thêm chi phí cho các hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị như phục vụ thị trường nông thông, chống bão lụt…

“Những hoạt động này nếu không có sự hỗ trợ hợp lý của các địa phương thì chắc chắn DN bị lỗ hoặc không có lợi nhuận cho những chuyến hàng đó trong khi hàng lậu, hàng giả tràn lan trên thị trường lại chưa được giải quyết triệt để, khiến những người làm ăn nghiêm túc thiệt thòi, gian thương thu lợi bất chính”, PGS. TS Nguyễn Thừa Lộc nhấn mạnh.

Theo báo cáo của VCCI, khi được hỏi DN cần hỗ trợ gì trong thời gian tới, 81,4% trong tổng số 500 DN có tốc độ tăng trưởng doanh thu nhanh nhất cho hay nên giảm tiếp thuế thu nhập DN. Sau đó mới là mong muốn đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (75%), giảm lãi suất (74,6%), cải thiện môi trường pháp lý và tăng cường hỗ trợ (70%).

“Nhưng tôi nghĩ trong hội nhập cũng cần có chính sách khuyến khich các DN mua bán, sáp nhập, liên kết với nhau để hình thành chuỗi. Đây là chìa khóa cạnh tranh của các DN quy mô nhỏ và vừa để phát triển thị trường bán lẻ”, PGS. TS Nguyễn Thừa Lộc nêu quan điểm.

Tác giả bài viết: Kiều Vui

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP