Một vụ mua bán, vận chuyển pháo nổ với số lượng lớn đã bị PC49 Công an tỉnh Nghệ An triệt phá (ảnh T.Anh).
Thực hiện đợt cao điểm phòng chống tội phạm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, tính đến thời điểm hiện tại, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh Nghệ An đã triệt phá thành công 10 chuyên án về pháo, bắt giữ nhiều đối tượng, thu một lượng lớn pháo nổ các loại. Trước đây, trong một thời gian dài, pháo được xếp vào mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Chính vì vậy, các vụ tai nạn, thương vong về pháo tăng đột biến vào dịp Tết. Khi có ý kiến của các ngành liên quan, pháo được xếp vào hàng cấm.
Việc xử lý hình sự hoạt động sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển pháo đã hạn chế một phần nào loại tội phạm này. Tuy nhiên, những năm gần đây, các loại tội phạm liên quan đến pháo nổ có xu hướng gia tăng, đặc biệt là vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
“Pháo là mặt hàng siêu lợi nhuận. Giá mua ở Lào chỉ từ 200-300 nghìn đồng/kg, thời điểm sát Tết tăng lên 300-400 nghìn đồng/kg nhưng khi về Việt Nam, được bán với giá 1-1,2 triệu đồng/kg, bởi vậy các đối tượng không từ thủ đoạn nào để tìm cách vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ. Càng ngày, các thủ đoạn càng tinh vi, liều lĩnh và táo tợn hơn”, Đại tá Trần Hữu Hồng – Trưởng Phòng PC49, cho hay.
Đại tá Trần Hữu Hồng - Trưởng phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Nghệ An: "Thủ đoạn của tội phạm về pháo ngày càng tinh vi, liều lĩnh và táo tợn" (ảnh Hoàng Lam).
Nghệ An có hơn 160km đường biên giới tiếp giáp nước bạn Lào với 3 cửa khẩu, nhiều lối mở và đường tiểu ngạch. Bên cạnh đó, một lượng lớn pháo được vận chuyển bằng đường bộ từ Trung Quốc qua Lạng Sơn, Quảng Ninh về. Bởi vậy đấu tranh với loại tội phạm mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ luôn là cuộc chiến cam go và dường như chưa có hồi kết.
Ngày 1/1 vừa qua, Phòng PC49 phối hợp với Đội cảnh sát giao thông 1-46 (PC67 Công an Nghệ An) phát hiện và bắt giữ gần 500kg pháo các loại. Đây là chuyên án có tang số lớn nhất từ trước tới nay mà PC49 thực hiện. Toàn bộ số pháo trên được Nguyễn Bá Thìn (SN 1990, trú tại xã Thanh Phong, Thanh Chương, Nghệ An) cất giấu trên ô tô chở phế liệu, đang trên đường vận chuyển từ Lào về Việt Nam.
“Đối tượng hết sức ma mãnh và tinh vi. Đây là loại xe tải 4 chân, sử dụng 2 bình dầu. Đối tượng rút sạch nhiên liệu trong 1 bình dầu, đục lỗ nhét đầy pháo vào, sau đó hàn lại thùng, gắn thêm một tấm thép bịt kín bên ngoài rồi lắp vào xe. Nếu quan sát thì bình chứa pháo không khác bình đựng nhiên liệu. Thậm chí, nếu tháo bình ra cũng khó mà phát hiện”, một trinh sát cho hay.
Thùng nhiên liệu của xe tải được đối tượng Nguyễn Bá Thìn "chế" thành chỗ cất giấu hàng chục hộp pháo (ảnh T.Anh).
Tuy nhiên, việc che giấu quá kỹ của Thìn lại chính là sơ hở của y. Khi tháo thùng nhiên liệu ra, 4 chiếc đinh vít ở 4 góc bình là chi tiết tố cáo việc cải hoán, “độ” lại bình. Quả nhiên, sau khi tháo 4 chiếc ốc vít, tấm sắt che bên ngoài thùng rơi ra cũng chính là dấu vết cắt – hàn để mở cửa thùng, nhét pháo vào trong bị lộ.
Không những giấu pháo dưới cả tấn phế liệu khiến lực lượng chức năng phải bốc dỡ ra mới tìm thấy, đối tượng Thìn còn rất ma mãnh khi biến những chiếc lốp ô tô dự phòng thành hộp đựng pháo. Nếu nhìn mấy chiếc lốp vứt chỏng chơ trên xe, nhiều người sẽ không để ý. Tuy nhiên, trong những chiếc lốp đó nhét đầy những hộp pháo, có khi lên tới cả yến. Dù giấu kín đến cỡ nào, thì hàng tạ pháo cũng lần lượt bị lực lượng chức năng tìm thấy.
Đại tá Trần Hữu Hồng cho hay, mất hàng tháng trời theo dõi, nắm bắt quy luật hoạt động, lịch trình vận chuyển nhưng có những vụ, để phát hiện ra được chỗ cất giấu pháo lại không hề đơn giản. “Các đối tượng cải hoán xe, “độ” sàn, gầm hay bất cứ chỗ nào có thể để chứa pháo. Các hầm bí mật này được lắp hệ thống đóng mở bằng thiết bị điều khiển tự động từ xa. Nếu đối tượng không hợp tác thì phải sử dụng thiết bị phá khóa chuyên dụng hoặc kìm cộng lực mới có thể mở được các hầm bí mật này”, Đại tá Hồng nói.
Phải mất nhiều thời gian và công sức, lực lượng chức năng mới phát hiện ra chỗ cất giấu pháo tinh vi này (ảnh T.Anh).
Theo Đại tá Hồng, tình hình tội phạm về pháo nổ gia tăng một phần do lợi nhuận, một phần do ý thức của một bộ phận không nhỏ người dân (mua về chơi Tết), mặt khác, do quy định của pháp luật về loại tội phạm này có sự thay đổi nhưng hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền chưa kịp thời. Thống kê của ngành tòa án, trong năm 2016 có 39 vụ án về pháo đang tạm đình chỉ xét xử để đợi hướng dẫn của các cơ quan chức năng, ảnh hưởng đến công tác xử lý các vi phạm về pháo nổ tiếp theo.
Trong khi các đầu nậu buôn lậu pháo nổ nghĩ ra đủ mánh khóe để qua mặt cơ quan chức năng, tìm cách tuồn vào nội địa thì việc đối phó với thú vui “tốn kém một cách vô bổ” của một bộ phận người dân cũng khiến lực lượng công an cũng như chính quyền địa phương đau đầu không kém. Để đảm bảo an ninh trật tự trước, trong và sau Tết, đặc biệt là trong đêm Giao thừa, PC49 sẽ tung 100% lực lượng “nằm vùng” ở các khu vực trọng điểm, hàng năm vẫn tái diễn tình trạng đốt pháo.
Hàng chục bánh pháo được giấu trong lốp ô tô cũ lẫn trong đống phế liệu vận chuyển từ Lào về Việt Nam (ảnh T.Anh).
“Anh em trong phòng, lực lượng địa phương đi tuần 24/24h thì cũng không thể phát hiện và kiểm soát hết tình hình. Người dân không đốt pháo trong sân nữa mà mang ra đồng, ra nghĩa địa để đốt. Họ cắm 1 cây hương nối với dây cháy chậm của pháo. Nếu chúng tôi phát hiện, ra đến nơi pháo đã nổ xong hoặc người dân cũng đã không còn ở đó.
Phòng chống tội phạm về pháo không phải là trách nhiệm riêng của lực lượng cảnh sát, của chính quyền địa phương mà là trách nhiệm chung của các tổ chức chính trị, xã hội, của từng gia đình. Việc thay đổi, nâng cao ý thức của người dân đặc biệt quan trọng, khi không có cầu, đương nhiên không còn cung. Buôn về không bán được cho ai thì sẽ giảm thôi”, Đại tá Hồng nói.
Tác giả bài viết: Hoàng Lam
Nguồn tin: