Pháp luật

Lật tẩy nhóm cán bộ ngân hàng, kỹ sư tin học lừa đảo bằng trang mạng cá độ bóng đá

Đa phần các đối tượng trong vụ án này đều có thu nhập tốt, giỏi công nghệ thông tin (CNTT). Tuy nhiên vì hám lời bất chính, tất cả đã phải trả giá đắt.

Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã làm rõ hành vi lừa đảo của các đối tượng trong vụ án lập phần mềm trang web cá độ bóng đá, qua đó thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn. Từ đối tượng đầu tiên bị bắt ngày 16-3-2020, đến nay, đã có 12 đối tượng bị thực hiện biện pháp tố tụng.

Bước đi sai của những kẻ “thừa kiến thức công nghệ, yếu nhận thức pháp luật”

Cầm đầu đường dây là Bùi Minh Cảnh (SN 1980, quê quán xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi). Vốn là trưởng phòng của một ngân hàng lớn, tuy nhiên Cảnh không “an phận” mà nảy ý tưởng viết… phần mềm cá độ bóng đá để tự tổ chức cho các con bạc cá độ.

Các đối tượng cầm đầu trong vụ án

Sau khi nghiên cứu các trang cá độ nước ngoài, Cảnh cho rằng nếu muốn chắc thắng thì phải có phần mềm sửa kết quả cá độ và tạo người chơi ảo để đánh lừa những “đại lý” cấp dưới. Tuy nhiên, việc viết phần mềm này quá khả năng nên Cảnh đã tìm đến người quen giỏi viết phần mềm để đặt hàng. Người được Cảnh chọn là Nguyễn Thanh Hải, bạn học phổ thông, cùng quê Tư Nghĩa, Quảng Ngãi.

Hải rất giỏi tin học, là thạc sĩ công nghệ thông tin và đang làm việc tại TP. Đà Nẵng. Nghe Cảnh trao đổi, Hải đồng ý; viết phần mềm, lập website giống trang cá độ bóng đã quốc tế bong88.com và 7700077.com, phân thành 6 cấp tách biệt trong đó có cấp Admin và Promaster có chức năng sửa chữa “kèo” và sửa kết quả đặt “kèo”.

Sau khi Hải viết phần mềm xong, đầu năm 2019, Cảnh thử nghiệm, cùng Hải làm admin, thuê trang của các nhà mạng để chuẩn bị cho việc cá độ. Thậm chí, Cảnh đã thử tạo các con bạc ảo.

Nhận thấy phần mềm chạy yếu hơn nước ngoài nên Cảnh đề nghị Hải chỉnh sửa rồi tổ chức chiến dịch truyền thông về các trang cá độ. Ngoài ra, Cảnh liên lạc với nhóm bạn là những người có trình độ về công nghệ để giới thiệu, mời tham gia tổ chức cho con bạc cá độ trong phần mềm của mình.

Trong số đó, Trần Tiến Quốc Định (SN 1983, cùng quê Quảng Ngãi) là người xuất sắc nhất. Định cũng từng làm trong lĩnh vực ngân hàng, sau bỏ việc vào TP. Hồ Chí Minh làm phần mềm với thu nhập rất cao.

Cảnh thỏa thuận với Định là có “tổng bóng”; nếu Định lôi kéo được con bạc chơi thì sẽ được hưởng 150 nghìn/đầu người đánh, được hưởng phần trăm tỷ lệ thắng. Cảnh cũng tiết lộ cho Định biết phần mềm có thể chỉnh sửa được kết quả để nhà cái luôn thắng, còn người chơi luôn thua. Thấy dễ kiếm tiền, Định đồng ý tham gia, và được Cảnh phân cấp cho làm Promaster có chứa năng sửa chữa kèo, sửa kết quả đặt kèo.

Ngoài Định, Cảnh còn liên hệ với Vũ Chí Thắng (SN 1985, HKTT ở Chi Nê, Lạc Thủy, Hòa Bình) - cũng là một người giỏi tin học, để giới thiệu và mời Thắng tham gia trang cá độ. Theo thỏa thuận thì Thắng cũng được Cảnh phân cấp làm Promaster, được tự tổ chức cho con bạc đánh bạc. Mỗi con bạc tham gia, Cảnh sẽ thu tiền cho thuê tổng trang 9.500 đồng/tuần/người đánh.

Bắt tay với tội phạm chuyên nghiệp

Sau khi mua được trang của Cảnh, Trần Tiến Quốc Định liên hệ với Ngô Minh Tuấn (SN 1984, trú ở xã Tân Bình, huyện Châu Thành, Đồng Tháp) để bán trang.

Tuấn vốn là đối tượng hình sự, lưu manh chuyên nghiệp ở địa phương, có tiền án, tiền sự, chuyên cầm đồ, cho vay nặng lãi, tổ chức đánh bạc. Chính vì vậy, khi mua được trang cá độ, Tuấn đã liên hệ với các con bạc để tổ chức cá độ.

Một trong những “khách hàng” của Tuấn là anh Nguyễn, nhân viên công ty phần mềm đang nhận mức lương hơn 200 triệu đồng/tháng; người cùng từng học phổ thông với Tuấn.

Trang mạng các đối tượng sử dụng để lừa đảo, kiếm tiền của các “con bạc”

Theo quy định thì 1 điểm cá độ (đô), Định sẽ thu của Tuấn 3.000 đồng. Tuy nhiên, Tuấn bán cho anh Nguyễn với giá 100.000 đồng/1 đô, ăn lãi 97.000 đồng. Tham gia đường dây cá độ của Tuấn từ cuối năm 2019 đến khi các đối tượng bị bắt, anh Nguyễn đã thua khoảng 16 tỷ đồng. Để có tiền trả cho Tuấn, anh Nguyễn đã phải bán 2 mảnh đất, 1 ngôi nhà. Trong đó đỉnh điểm có đêm anh Nguyễn bị “bay hơi” hơn 800 triệu đồng.

“Khách hàng” – nạn nhân này không biết rằng để luôn giúp Tuấn thắng, Trần Tiến Quốc Định đã sửa phần mềm; nếu anh Nguyễn cá độ thua, kết quả sẽ để nguyên, còn nếu thắng sẽ bị sửa thành thua.

Vươn dài “chân rết”

Cùng thời điểm này, nhánh của Vũ Chí Thắng phát triển mạnh hơn với hàng chục con bạc “khủng”, trong đó có cả công chức nhà nước. Sau khi nhận mạng của Cảnh, Thắng đã kêu gọi các đối tượng chung nhau đầu tư mua mạng để tổ chức cá độ.

Theo đó, Thắng đã giới thiệu về phần mềm chỉnh sửa kết quả và mời gọi các đối tượng tham gia tổ chức cá độ, trở thành “đại lý” cấp 2 cho anh ta.

Những “đại lý” tích cực của Thắng là Hoàng Văn Công (SN 1977, trú ở phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) và Vũ Đình Quảng (SN 1983, trú ở phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa).

Sau khi mua trang, Công đã lôi kéo được Long, cán bộ ngân hàng tham gia làm “đại lý cấp 2” trong đường dây tổ chức cá độ này. Theo thỏa thuận, Cảnh cho Thắng thuê mạng, Thắng bán cho Công với giá 35.000 đồng/1 đô, Công bán lại cho Long với 50.000 /1 đô.

Do Long không lôi kéo được người khác nên Công đã báo với Thắng, Thắng tạo ra các con bạc ảo để chơi cá độ với Long. Theo lời khai của Công thì với các con bạc ảo này, Long vẫn tổ chức chơi cá độ bình thường và hưởng hoa hồng.

Tưởng thật, Long đã tổ chức cho các con bạc ảo tham gia đánh bạc. Tuy nhiên, do các con bạc ảo này luôn bị thua, số tiền lên đến gần 1 tỷ đồng nên Long phải trả cho Công.

Do thường xuyên bị thua, không bao giờ thắng được nên Long sinh nghi, chụp lại màn hình kết quả những hôm đánh thắng để đối chiếu với kết quả cuối cùng, từ đó phát hiện những con số trong kết quả đã bị sửa chữa dẫn đến việc Long luôn bị thua.

Ngoài “đại lý” của Công và Quảng, Thắng còn bán mạng cho Nguyễn Toàn Trung (SN 1989, trú ở quận Hà Đông, Hà Nội). Trung lôi kéo được Nguyễn Thành Tâm (SN 1984, trú ở thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) tham gia.

Sau khi mua mạng của Thắng, ngoài lôi kéo được Tâm tham gia đánh bạc, Trung còn bán cho Nguyễn Quang Thịnh (SN 1979) và và Vũ Đức Anh (SN 1995), cùng trú tại TP Thanh Hóa. Đức Anh và Thịnh chung vốn để tổ chức cá độ, lôi kéo được Phúc - một cán bộ nhà nước tham gia cá độ, qua đó chiếm đoạt của Phúc khá nhiều tiền.

Lộ sáng

Đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc tinh quái này đã bị Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Thanh Hóa phát hiện, phối hợp với các đơn vị chức năng xác lập chuyên án đấu tranh.

Công tác đấu tranh rất khó khăn, bởi để che giấu hành vi phạm tội, các đối tượng thường xuyên chuyển vị trí đặt máy chủ. Lúc thì ở Hà Nội, lúc ở TP Hồ Chí Minh, thậm chí chuyển ra nước ngoài rồi xóa dữ liệu. Bên cạnh đó, các đầu mối chính gần như không biết nhau, đối tượng ở từng cấp chỉ biết cấp liền kề của mình, không biết các đối tượng cấp dưới hoặc cấp trên cao hơn. Chưa kể, phần lớn đối tượng cầm đầu đều giỏi công nghệ thông tin nên rành các thủ thuật che giấu hành vi phạm tội…

Tuy nhiên, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa bước đầu lần lượt làm rõ vai trò, hành vi phạm tội của 12 đối tượng; đã ra quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.

Tác giả: Phương Thúy

Nguồn tin: Báo An ninh Thủ đô

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP