Từ áp lực đến nguồn lực
Nhiều lao động từ các tỉnh, thành miền Nam về quê do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đang tạo áp lực về nhiều mặt đối với các địa phương ở Nghệ An.
Trở về từ Bình Dương đã gần 2 tháng, anh Lầu Bá Lỳ (SN 1999), trú bản Huồi Pốc, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn vẫn chưa quên được chuyến hành hương đặc biệt vừa qua. Vào Bình Dương từ đầu năm, anh cùng vợ Và Y Rô (SN 2002) làm công nhân cho một công ty may. Dịch bùng phát, không thể bám trụ, vợ chồng người Mông chạy xe máy hoà trong dòng người về quê tránh dịch.
Khi trở về quê, khó khăn lớn nhất của gia đình là kế sinh nhai trong hoàn cảnh không bằng cấp nên rất khó tìm việc. Trong khi đó, ở Bình Phước đã có thể xin làm công nhân cạo mủ với thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng. Công việc dù khá vất vả nhưng ai cũng hài lòng vì so với làm nông ở quê thì còn có tiền để tích góp.
Thế nhưng, vừa làm được vài tháng thì dịch bùng phát, công việc bị gián đoạn. Sau 4 tháng không việc làm, tiêu hết số tiền tích lũy, gia đình Lầu Bá Lỳ quyết định về quê.
Qua thống kê, từ cuối tháng 4 đến nay, huyện biên giới Kỳ Sơn có hơn 5.000 lao động hồi hương. Việc chăm lo đời sống, giải quyết việc làm cho bà con là bài toán nan giải cho chính quyền địa phương.
Khu Công nghiệp VSIP hứa hẹn có hàng nghìn việc làm cho lao động |
Ông Lê Hồng Lập, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Kỳ Sơn chia sẻ, không nên coi những người trở về là gánh nặng mà đó là nguồn nhân lực dồi dào góp phần phát triển địa phương. Nguồn lao động này đã làm việc trong các doanh nghiệp, có tay nghề, kinh nghiệm,... Đó là vốn quý.
“Trước mắt, địa phương tiếp tục mở rộng diện tích ruộng nước để bà con có đất sản xuất. Đồng thời, khôi phục lại nhiều diện tích chè lâu nay bị bỏ hoang, xây dựng các hợp tác xã chè, kêu gọi tài trợ cây, con giống để những hộ nghèo trở về từ vùng dịch phát triển sản xuất”, ông Lập nói.
Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An vừa phê duyệt đề án việc làm giai đoạn 2021 - 2025, trong đó phấn đấu giải quyết việc làm mới cho khoảng 210.000 lao động, bình quân mỗi năm có 42.000 lao động. Cụ thể, trong 5 năm tới, lao động nội tỉnh sẽ tăng từ 37% lên 66%; giảm lao động ngoại tỉnh từ 29% xuống còn 6,5% và xuất khẩu lao động cũng sẽ giảm từ 34% xuống 27%.
Nhà máy may An Hưng cũng đang tuyển hàng nghìn lao động |
Ông Lê Hải Dương, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An cho biết, khó khăn lớn nhất là gặp nhau giữa cung - cầu lao động. Đây là giải pháp then chốt trong nhóm giải pháp tăng việc làm nội tỉnh, trong đó có nhiệm vụ giải quyết việc làm cho lao động hồi hương tránh dịch.
Qua khảo sát nhu cầu tuyển dụng của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An đến ngày 20/10 đã có 52 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng gần 30.000 vị trí mới, trong đó 45 doanh nghiệp nội tỉnh có nhu cầu tuyển hơn 20.000 lao động, mức lương từ 6 - 12 triệu đồng.
Trong các doanh nghiệp thông báo nhu cầu tuyển dụng đợt này thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên, chiếm số lượng nhiều nhất là lĩnh vực may mặc xuất khẩu có 10 đơn vị cần tuyển dụng với nhu cầu hơn 10.000 người là công nhân may. Đơn cử như Công ty may Minh Anh Tân Kỳ là đơn vị mới thành lập có nhu cầu tuyển dụng 6.500 người, Công ty TNHH Mareep tuyển dụng 3.000 lao động, Công ty cổ phần tập đoàn An Hưng tuyển dụng 2.000 lao động,…
Hỗ trợ vay vốn
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành Phương án số 198/PA-UBND về việc đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch. Theo đó, người lao động sẽ được đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) |
Chọn đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan (Trung Quốc), anh Đỗ Văn Hải cũng có được nguồn thu nhập ổn định, tuy nhiên 2 năm trở lại đây, dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới khiến anh buộc phải trở về nước.
Tháng 6/2021, anh trở về nước với ý định đầu tư mở xưởng sản xuất nước mắm, tuy nhiên số tiền tích góp lâu nay không đủ. Khi biết tỉnh có phương án cho lao động trở về từ vùng dịch vay vốn với lãi suất ưu đãi, anh đã làm hồ sơ và đã được giải ngân số tiền 70 triệu đồng
Được sự tạo điều kiện của Nhà nước cộng với số tiền vay mượn từ anh em, bạn bè, anh Hải đã mở một xưởng nhỏ thu mua cá và trực tiếp sản xuất nước mắm. Hiện cơ sở đã đi vào hoạt động và tạo công ăn việc làm cho một số lao động tại địa phương.
"Chính sách hỗ trợ này đã tiếp sức cho người lao động chúng tôi có động lực ở lại quê hương lập nghiệp, ổn định cuộc sống", anh Hải nói.
Ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: "UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho người lao động trở về từ vùng dịch bị mất việc làm. Tổ chức sàn giao dịch việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Ưu tiên người lao động trở về từ vùng dịch vay vốn tại Ngân hàng Chính sách - xã hội để tự tạo việc làm".
Cụ thể, người lao động được vay vốn với mức 100 triệu đồng/người và không phải thế chấp tài sản, lãi suất bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo. Đối với người lao động thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhu cầu vay từ 100 triệu đồng trở lên phải có phương án kinh doanh khả thi, có tài sản đảm bảo tiền vay. Tính đến cuối tháng 9/2021, đã có gần 70 lao động trở về từ vùng dịch đăng ký vay vốn giải quyết việc làm với số tiền trên 5 tỷ đồng.
Tác giả: Văn Bình – Lương Diễn
Nguồn tin: ANTT/NĐT