ÐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa |
Vụ việc nâng điểm thi ở Hà Giang và một số địa phương khác đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận. Bà đánh giá như thế nào về vụ việc nâng điểm vừa qua ở Hà Giang?
Tôi nghĩ đây là một sự cố đáng tiếc và cũng rất đáng buồn. Thực ra, đối với một kỳ thi, nhất là kỳ thi có quy mô lớn như thi THPT Quốc gia thì việc xảy ra những vi phạm liên quan tới quy chế thi là rất khó tránh. Nhưng sự việc diễn ra tại Hà Giang những ngày qua đã bị đẩy đi quá xa, sai phạm quá lớn, và đương nhiên hậu quả cũng không hề nhỏ.
Vấn đề không chỉ nằm ở sự hoài nghi đặt ra đối với kết quả đánh giá cũng như niềm tin vào sự công bằng, khách quan trong kỳ thi; mà còn là câu chuyện về sự gian lận trong thi cử, về sự đánh tráo các giá trị trong môi trường giáo dục. Ðáng buồn hơn, người vi phạm lại là người hiểu rõ hơn ai hết những hậu quả do hành vi của mình gây ra.
Chính vì vậy, dư luận có quyền hoài nghi về độ chính xác, công bằng, trung thực của kết quả thi; đồng thời, đặt ra một vấn đề đáng suy ngẫm: Quy trình có thể đúng, nhưng chỉ cần con người thực hiện quy trình ấy cố tình điều chỉnh, can thiệp vào một vài mắt xích thì cũng đủ làm cho kết quả bị thay đổi.
Cũng xin nói thêm là nếu nhìn ở một góc độ khác, việc phát hiện và cách xử lý sự cố ở Hà Giang cũng có một vài ý nghĩa đặc biệt: Ðưa được hành vi gian lận trong thi cử ra ánh sáng, xử đúng người đúng tội; trả lại cho các thí sinh Hà Giang nói riêng, thí sinh cả nước nói chung niềm tin vào sự công bằng trong đánh giá kết quả học tập; và quan trọng hơn là để lại một bài học đắt giá cho công tác tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia những năm sau.
Qua vụ việc ở Hà Giang, theo bà thì Bộ GD&ÐT có nên tiếp tục rà soát các địa phương khác cũng trong diện nghi vấn, xem có tình trạng tương tự không?
Ðúng là trong dư luận cũng đang đặt ra vấn đề này, thậm chí, cũng có ý kiến đề nghị mở rộng rà soát cả kết quả thi năm 2017. Cũng rất dễ lý giải, vì từ sai phạm trong khâu chấm thi của Hà Giang, người ta có thể nghĩ tới việc cần rà soát lại kết quả thi ở các địa phương khác để phát hiện, xử lý những sai phạm tương tự, bảo đảm sự công bằng, chính xác cho kết quả thi; nhất là trong bối cảnh những ngày qua, dư luận cũng đang băn khoăn về một số trường hợp có điểm thi chênh lệch quá lớn so với học lực hoặc so với kết quả thi thử.
Việc xử lý sự việc ở Hà Giang, sử dụng kết quả chấm thẩm định để thay thế toàn bộ kết quả đã công bố ngày 11/7/2018 cho thấy Bộ GD&ÐT đã thể hiện sự kiên quyết trong bảo vệ uy tín của ngành, tính nghiêm túc của kỳ thi, do vậy, được mọi người đồng tình cao.
Tuy nhiên, việc có nên đặt ra vấn đề rà soát trên phạm vi rộng hay không thì tôi nghĩ Bộ GD&ÐT sẽ phải cân nhắc rất cẩn trọng. Một kỳ thi THPT Quốc gia được chuẩn bị khá kỹ càng, theo đánh giá chung là công tác tổ chức được thực hiện khá tốt. Kết quả phổ điểm trên toàn quốc cũng phản ánh thực chất mức độ khó của đề thi năm nay so với năm 2017.
Nếu ở đâu đấy, vẫn có những trường hợp bất thường, dư luận đặt vấn đề nghi vấn thì có thể xem xét, xử lý theo quy chế. Trên thực tế, theo nguyên tắc, hàng năm, Bộ GD&ÐT vẫn duy trì quy trình thẩm tra bất kỳ bài thi nào, nhất là những bài thi có điểm cao.
Xin cảm ơn bà.
Giáo sư - Viện sĩ Đào Trọng Thi: Người thân được nâng điểm, lãnh đạo sẽ mất uy tín Trao đổi với PV Tiền Phong, GS.VS Ðào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên, Nhi đồng Quốc hội nói: “Chúng ta có thể nghĩ, anh làm chuyện đó có khi làm dịch vụ để lấy tiền thôi. Hoặc ở đây nghiêm trọng hơn là có thể có sự nhúng tay của những người công quyền. Cụ thể như thế nào và ai phải chờ đợi cơ quan điều tra làm việc. Hay cũng có tình huống khác là quan chức có người thân nằm trong danh sách 114 thí sinh sau khi chấm thẩm định thì bị tụt điểm nhưng em học sinh trong danh sách đó có nhiều người thân chứ đâu phải có một người thân. Hiện nay, sau vụ việc, có nhiều hướng để suy nghĩ vì vậy, mình không thể suy diễn được. Nhưng có điều này tôi chắc chắn: Ðó là nếu như quan chức có địa vị cao, quyền lực lớn mà có con em, người thân nằm trong danh sách nâng điểm đó thì sẽ mất uy tín. Cho dù việc tiêu cực ấy không liên quan đến anh, nhưng người thân của anh hưởng lợi và anh phải chịu mất uy tín”. N.H (ghi) |
Tác giả: LUÂN DŨNG
Nguồn tin: Báo Tiền Phong