Giáo dục

Lãng phí với sách giáo khoa đổi mới

Báo cáo của MTTQ Việt Nam cho rằng người dân băn khoăn về sự độc quyền hay có hiện tượng lợi ích nhóm trong việc in ấn, phát hành sách giáo khoa và giá sách còn quá cao

Ngày 2-8, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, tổ chức hội nghị góp ý về triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông 2018.

GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Khoa học - Giáo dục - Môi trường, bày tỏ băn khoăn khi chương trình giáo dục phổ thông "có gì đó sai sai" so với thông lệ quốc tế bởi chúng ta dùng một chương trình chưa qua thực nghiệm để áp dụng đại trà trên cả nước.

Còn theo GS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Dân chủ, Pháp luật, chủ trương đổi mới chương trình, SGK phổ thông triển khai nhiều năm nhưng còn lúng túng. Thực tế đầy trăn trở như việc phụ huynh xếp hàng từ 2-3 giờ sáng để giành phiếu cho con vào trường công lập. Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018 là chuyển từ giáo dục kiến thức sang giáo dục về phẩm chất, năng lực của người học, song việc triển khai chủ trương này còn rất xa vời. Vì vậy, ông kỳ vọng có bước chuyển biến về chất để chuyển mục đích của chương trình từ trang bị kiến thức sang trang bị phẩm chất, năng lực của người học.

GS Nguyễn Lân Dũng phát biểu tại hội nghị góp ý về triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông 2018

Trong báo cáo tổng hợp tình hình nhân dân về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông giai đoạn 2014-2022, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết có nhiều ý kiến băn khoăn về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành quyết định phê duyệt danh mục SGK dùng trong cơ sở GD-ĐT nhưng thực tế vào đầu năm học một số trường học đưa danh mục bộ SGK không rõ ràng giữa SGK và các tài liệu tham khảo, sách bài tập dẫn đến chi phí mua sách đội lên rất nhiều; tình trạng giá SGK ở nhiều thời điểm tăng cao, gây khó khăn, lãng phí tiền của nhân dân.

Việc trong cùng một địa phương có thể lựa chọn giảng dạy các bộ SGK khác nhau sẽ phát sinh những bất cập gây lãng phí, tốn kém khi một bộ SGK không được sử dụng nhiều lần, gây thiếu đồng bộ trong việc tiếp cận kiến thức chung.

Báo cáo của MTTQ Việt Nam cho rằng người dân băn khoăn về sự độc quyền hay có hiện tượng lợi ích nhóm trong việc in ấn, phát hành SGK và giá sách còn quá cao, thậm chí cao hơn từ 2 đến 3 lần so với giá sách những năm trước. Người dân bức xúc trước vụ việc một số đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thuộc Bộ GD-ĐT đẩy giá SGK lên quá cao.

Từ thực tế đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề xuất, kiến nghị Quốc hội thực hiện giám sát nhằm xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, tổ chức; rút ra những bài học kinh nghiệm và đề ra các giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 88, Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông trong thời gian tới. Đề nghị Chính phủ tổ chức giám sát, kiểm tra việc có hay không lợi ích nhóm trong việc lựa chọn bộ sách giảng dạy, thiết bị học tập ở các địa phương.

Tác giả: VĂN DUẨN

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP