Trong nước

Chính phủ yêu cầu đấu thầu công khai in sách giáo khoa

Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo đấu thầu công khai in sách giáo khoa, không để thiếu sách phục vụ năm học mới, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2023 - Ảnh: VGP

Chính phủ vừa ban hành nghị quyết số 97/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

Tại nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành; tăng cường phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình để có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

Không để thiếu sách giáo khoa phục vụ năm học mới

Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp các cơ quan, địa phương thực hiện hiệu quả công tác tuyển sinh đại học; chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới 2023 - 2024.

Tổ chức đấu thầu công khai in sách giáo khoa, bảo đảm không để thiếu sách giáo khoa phục vụ năm học mới, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong in ấn, phát hành. Giao Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp theo dõi, chỉ đạo thực hiện công tác này.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương rà soát, phối hợp hoàn thành việc cơ cấu, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tiếp tục tham mưu thực hiện việc phân cấp, phân quyền theo nghị quyết số 04/NQ-CP của Chính phủ.

Đồng thời, phối hợp cơ quan, địa phương đẩy mạnh tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ theo vị trí việc làm và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về việc khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật, nhất là về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; theo dõi, đôn đốc, báo cáo, đề xuất kịp thời về công tác xây dựng pháp luật.

Giảm mặt bằng lãi suất ít nhất từ 1,5 - 2%

Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất từ 1,5 - 2%), nghiên cứu, thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và công tác quy hoạch, bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Đẩy mạnh việc rà soát, đề xuất giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phù hợp để thu hút đầu tư nước ngoài.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương nghiên cứu định hướng xây dựng thương hiệu một số nông sản chính, có tính cạnh tranh cao; phối hợp với Bộ Công Thương, cơ quan liên quan thúc đẩy hợp tác trong nông nghiệp, đàm phán, mở cửa thị trường đối với hàng nông sản, nhất là thị trường chủ lực, nhiều tiềm năng (như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...).

Tác giả: NGUYÊN BẢO

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP