Trong tỉnh

Kinh tế Nghệ An đón xu thế phục hồi

Trong bối cảnh 'sống chung với dịch Covid-19', bức tranh kinh tế Nghệ An được tạo đà khi nguồn thu ngân sách đạt gần 19.000 tỷ đồng, sẵn sàng phục hồi vào năm 2022…

Hút dòng vốn ngoại

Một cuộc “Trao đổi kinh nghiệm công tác xúc tiến và hỗ trợ nhà đầu tư trong nước và nước ngoài” bằng hình thức trực tuyến được Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An phối hợp với Cục đầu tư nước ngoài và một số đơn vị, ban ngành khác được thực hiện vào những ngày cuối cùng của năm 2021, nhằm kết nối chia sẻ kinh nghiệm xúc tiến đầu tư với các địa phương khác.

Tại sự kiện này, số liệu được tỉnh Nghệ An đưa ra, năm 2021 trên địa bàn đã cấp mới cho 115 dự án và điều chỉnh hàng trăm lượt dự án đầu tư với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 28.072,80 tỷ đồng; tăng 41,33% về số lượng dự án và gấp 2,92 lần về tổng mức đầu tư đăng ký so với cùng kỳ năm 2020.

Hiện nay, nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn đã đến tìm hiểu đầu tư tại tỉnh Nghệ An như Công ty CP Đầu tư Xây dựng Vịnh Nha Trang, Tập đoàn APEC, Tập đoàn Huali, Tập đoàn Mobifone, Tập đoàn Zuru, Tập đoàn Viettel, Công ty CP Đầu tư Vinh Central, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam, Tập đoàn AEON Mall... Đó là kết quả của quá trình nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư của chính quyền các cấp, các sở, ngành và địa phương trong tỉnh.

Dòng vốn FDI đang chọn khu kinh tế Đông Nam Nghệ An để đầu tư bởi, nơi đây được Nghệ An cơ bản hoàn thành về hạ tầng, mặt bằng sạch, đáp ứng tiêu chí nhà đầu tư ngoại lựa chọn

Tuy nhiên, so với tiềm năng và lợi thế của địa phương việc thu hút các “sếu đầu đàn” về Nghệ An vẫn còn đang gặp nhiều trở ngại khó khăn, hiệu quả của công tác xúc tiến đầu tư vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.

Bà Trần Thị Huế, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư phía Bắc, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, dòng vốn FDI đã có sự dịch chuyển nhất định, các nhà đầu tư lớn đã cân nhắc việc dịch chuyển dòng vốn đến các thị trường an toàn để phân tán rủi ro, trong đó có khu vực châu Á. Nếu dòng vốn này dịch chuyển thì Việt Nam cũng sẽ là một trong các nước được hưởng lợi.

Bà Huế cũng đánh giá Nghệ An là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, ngoài việc có hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế hoàn thiện. Tuy nhiên, để có những bước đột phá lớn thì Nghệ An cần khẩn trương xây dựng và công bố kế hoạch phục hồi kinh tế, kế hoạch mở cửa bám sát tình hình mới. Kịp thời điều chỉnh những quy định chồng chéo, chưa phù hợp để chỉ đạo hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, giúp các nhà đầu tư có được một "môi trường" an toàn để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đến nay tỉnh Nghệ An đã thu hút được hơn 740 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 107.000 tỷ đồng. Với dòng vốn FDI, lũy kế đến nay, Nghệ An đã có 102 dự án FDI còn hiệu lực, với số tổng số vốn đầu tư hơn 1.449,52 triệu USD, trong đó, có một số tập đoàn lớn đến từ Hồng Kông, Đài Loan, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo, điện tử với những thương hiệu lớn như Luxshare - ICT, Goertek, Everwin, Ju Teng.

Tỉnh Nghệ An xác định việc thu hút đầu tư phải được triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm với các cực thu hút đầu tư là Khu kinh tế Đông Nam và các Khu công nghiệp, trong đó ưu tiên 3 khu công nghiệp gồm: VSIP Nghệ An (Tập đoàn VSIP), Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 (WHA IZ 1) - Nghệ An (Tập đoàn Hemaraj Thái Lan) và Hoàng Mai I (Tập đoàn Hoàng Thịnh Đạt). Cả 3 khu công nghiệp được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại này sẽ là điểm kết nối, đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng.

Một số dự án có quy mô lớn được cấp mới như Nhà máy Cấu kiện điện tử Everwin tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An (200 triệu USD); Dự án Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện - Goertek 2 (35 triệu USD); Khu công nghiệp Hoàng Mai 1 (750 tỷ đồng); điều chỉnh mở rộng giai đoạn II Khu công nghiệp WHA thêm 354,5 ha…

Mới đây, dự án nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện của Tập đoàn Goertek (Hồng Công, Trung Quốc) tại Khu công nghiệp WHA ở Nghệ An được điều chỉnh tăng vốn đầu tư từ 100 triệu USD lên 500 triệu USD. Đây là tín hiệu đáng mừng, tạo tiền đề cho Nghệ An hút dòng vốn FDI luôn rộng mở.

Đấy cũng chính là lý do, Nghệ An đặt mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2021-2025, thu hút từ 550 - 600 dự án với tổng mức đầu tư 130 – 150.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư FDI khoảng 3 đến 3,5 tỷ USD.

Đón xu thế phục hồi

Năm 2022 - Nghiêm túc lắng nghe, chủ động triển khai, nỗ lực hành động… đó là tiêu chí để tỉnh Nghệ An thực hiện mục tiêu, sẵn sàng tâm thế, đón xu hướng phục hồi của năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho hay.

Nghệ An cũng đang xây dựng, sớm đưa TP. Vinh trở thành trung tâm khu vực Bắc Trung bộ. Ảnh TP. Vinh về đêm (Sách Nguyễn)

Đánh giá năm 2021 là năm hết sức khó khăn do tác động của dịch Covid-19, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là đời sống người dân, song người đứng đầu UBND tỉnh này cho rằng, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tỉnh đã thực hiện và hoàn thành nhiều mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2021.

Về thu ngân sách năm 2021 toàn tỉnh ước thực hiện hơn 18.000 tỷ đồng, đạt 128,6% dự toán điều chỉnh và bằng 101,2% so với năm 2020. Tỉnh đã cấp mới cho 115 dự án, điều chỉnh 147 lượt dự án, tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm hơn 39.300 tỷ đồng; số lượng dự án tăng 41,97%, tổng mức đầu tư tăng 3,16 lần so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 3 tỷ USD, riêng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,7 tỷ USD, dự kiến đạt trên 1,9 tỷ USD. Trong khi, mục tiêu của năm 2021 là 1,25 tỷ USD, mục tiêu đến năm 2025 là 1,765 tỷ USD.

Theo ông Nguyễn Đức Trung, tỉnh Nghệ An bước vào thực hiện triển khai kế hoạch năm 2022 trong bối cảnh khó khăn, khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà UBND tỉnh trình HĐND tỉnh khá cao, tăng trưởng GRDP từ 8,5-9,5%, qua đó phấn đấu để đạt mục tiêu của cả nhiệm kỳ là tăng trưởng từ 9,5-10,5%. “Chúng ta có đủ cơ sở để đạt được mục tiêu này trong năm 2022”, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nói.

Để hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu, mục tiêu trên, UBND tỉnh Nghệ An đề ra 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022, Nghệ An đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, tập trung hỗ trợ thủ tục cho các nhà đầu tư triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh, nhất là các nhà đầu tư hạ tầng; hỗ trợ thủ tục cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là lĩnh vực sản xuất điện tử. Đồng thời, giao các ngành tiếp tục rà soát những dự án chậm tiến độ, những dự án sử dụng đất không có hiệu quả để có giải pháp xử lý. Chủ động chuẩn bị các điều kiện để xây dựng đề án mở rộng khu kinh tế Đông Nam, hình thành khu kinh tế Nghệ An.

Tiếp tục huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, chú trọng nguồn lực đầu tư công mang tính nguồn vốn mồi, với tinh thần bố trí vốn có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp để tháo nút thắt; tiếp tục kêu gọi đầu tư hạ tầng cảng biển và hạ tầng sân bay. Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để tập trung triển khai các dự án trọng điểm.

Tác giả: Việt Hương

Nguồn tin: Báo Đầu tư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP