Trong tỉnh

Khu kinh tế Nghệ An dự kiến thu hút 90.000 tỷ đồng trong 5 năm tới

Giai đoạn 2021-2025, Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An dự kiến thu hút đầu tư 100-120 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 75.000 – 90.000 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư nước ngoài khoảng 2,26 tỷ USD.

Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh: Văn Dũng

UBND tỉnh Nghệ An ngày 25/11/2021 có quyết định số 4514/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Phát triển Khu kinh tế Đông Nam thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030.

Theo Đề án, sau hơn 13 năm thành lập, Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đã và đang khẳng định rõ vị trí, vai trò động lực trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, công tác quy hoạch, phát triển không gian, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông thiết yếu, hạ tầng cảng biển, hạ tầng các khu chức năng, khu công nghiệp từng bước được thực hiện theo hướng đồng bộ, hiện đại; công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ đầu tư ngày càng được quan tâm thực hiện và đạt hiệu quả cao, bước đầu thu hút một số dự án có quy mô lớn, có tính động lực phát triển.

Tuy nhiên, trước xu thế hội nhập quốc tế, sự bùng nổ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 và sự cạnh tranh gay gắt giữa các nền kinh tế lớn trong giai đoạn hiện nay, mô hình phát triển của Khu kinh tế Đông Nam đã bắt đầu bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, quy hoạch chưa theo sát được nhu cầu đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, một số khu chức năng không còn phù hợp; hiệu quả thu hút đầu tư và sử dụng đất chưa cao, chưa thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, còn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Vì vậy, để triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra thì yêu cầu phải có sự định hướng, tập trung chỉ đạo, lựa chọn để xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp tỉnh Nghệ An thành khu vực phát triển kinh tế năng động, bền vững, thực sự trở thành động lực tăng trưởng mới về kinh tế - xã hội cho tỉnh Nghệ An.

Thời gian tới, Nghệ An sẽ xây dựng và phát triển khu kinh tế Đông Nam thành khu vực phát triển kinh tế năng động, có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao trong khu vực Bắc Trung bộ, trọng tâm phát triển kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp đồng bộ, hiện đại gắn liền với xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Cửa Lò, Đông Hồi. Tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ, tăng nguồn thu ngân sách, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động…

Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, điều chỉnh ranh giới Khu kinh tế Đông Nam lên 80.000ha (bao gồm 70.000ha đất liền và 10.000ha mặt nước biển) trong đó, diện tích khu công nghiệp khoảng 15.000ha, và đổi tên thành Khu kinh tế Nghệ An.

Vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu kinh tế, khu công nghiệp giai đoạn 2021-2025 đạt 19.912,7 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn đầu tư ngân sách nhà nước khoảng 1.050 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cảng biển khoảng 17.838 tỷ đồng và nguồn khác khoảng 1.024,7 tỷ đồng.

Thu hút đầu tư 100-120 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 75.000 – 90.000 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư nước ngoài khoảng 2,26 tỷ USD. Vốn đầu tư thực hiện đạt trên 60% so với vốn đầu tư đăng ký.

Thu ngân sách trong Khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp đến năm 2025 chiếm khoảng 20-25% tổng thu ngân sách trên địa bàn và giải quyết khoảng 80.000 – 100.000 lao động…

Trong những năm tới, Nghệ An sẽ phát triển Khu kinh tế Đông Nam thành 3 khu vực chính với trung tâm của khu kinh tế là địa bàn các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu và thị xã Cửa Lò; phía nam là Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An thuộc địa bàn TP. Vinh và huyện Hưng Nguyên; phía Bắc là khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi thuộc địa bàn thị xã Hoàng Mai…

Nghệ An tiếp tục xác định các nhà đầu tư (VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt…) là đối tác quan trọng phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp – đô thị phân bổ đại bàn theo 3 khu vực chính của khu kinh tế; chú trọng thu hút thêm các nhà đầu tư khác phát triển kết cấu hạ tầng ngoài khu kinh tế, nhất là các khu công nghiệp Nghĩa Đàn, Trì Lễ, Sông Dinh, Tân Kỳ, Phủ Quỳ gắn liền với phát triển miền Tây Nghệ An.

Đồng thời, ưu tiên, khuyến kích thu hút các dựa án đầu tư thứ cấp có công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng cao. Đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, trong đó xác định ưu tiên xúc tiến, thu hút từ các đối tác truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc với các nghành nghề như công nghiệp cơ khí chế tạo; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản…

Tác giả: Văn Dũng

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP