Kinh tế

'Không tính mại dâm, tham nhũng vào kinh tế ngầm, GDP'

Mại dâm vi phạm thuần phong mỹ tục, còn tham nhũng không phải hoạt động sản xuất nên ngành thống kê không tham vọng tính vào "kinh tế ngầm'.

Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát (NOE) vừa được Thủ tướng ký, phê duyệt. Tại cuộc họp báo sáng nay (20/2) về đề án này, lãnh đạo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch Đầu tư), đơn vị chủ trì chính đề án thừa nhận việc tính toán không dễ dàng.

Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết, khó khăn nhất là thành tố thuộc kinh tế ngầm, bất hợp pháp và phi chính thức lộ diện, do đều là hoạt động "cố tình che giấu". Ngành thống kê cũng không tham vọng xác định được hết các nội hàm của 5 thành tố khu vực kinh tế chưa được quan sát, nhưng sẽ bóc tách các nhân tố xác định được và đưa ra lộ trình tính toán đảm bảo khả thi.

Theo ông Lâm, hiện có một số hoạt động không được công nhận tại Việt Nam, dù mang lại thu nhập và theo thông lệ phải tính toán, thu thập dữ liệu. Ông dẫn chứng như mại dâm hay tham nhũng... sẽ không nằm trong diện thu thập thông tin tính toán trong quá trình triển khai đề án khu vực kinh tế chưa được quan sát.

Với hoạt động mại dâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phân tích, do đây là hoạt động vi phạm thuần phong mỹ tục, văn hoá Việt Nam nên dù nhiều nước cập nhật vào GDP nhưng "Việt Nam chưa chắc đưa vào tính toán". Còn tham nhũng không phải là hoạt động sản xuất nên cũng không nằm trong mục tiêu thu thập thông tin, tính toán của cơ quan thống kê lần này.

"Chúng tôi không tham vọng có thể thống kê được hết các nội hàm của các khu vực trên. Song việc thực hiện đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát sẽ tính toán đầy đủ khu vực kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp và 3 nhóm còn lại để xác định sát thực hơn quy mô nền kinh tế", Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nói thêm.

Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Danh mục các thành tố hoạt động kinh tế cụ thể được đưa vào diện thu thập dữ liệu sẽ được cơ quan thống kê phối hợp với các bộ, ngành xây dựng trong năm 2019 và lộ trình tính cụ thể vào năm 2020. Sau tính toán, GSO sẽ đưa ra những khuyến nghị chính sách phù hợp với Chính phủ để đưa khu vực kinh tế phi chính thức chuyển lên chính thức nhiều hơn, góp phần vào tính đầy đủ quy mô nền kinh tế.

Chia sẻ trước đó với VnExpress về đề án này, nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ nghi ngại sẽ rất khó tính đúng, đủ các khu vực kinh tế trên, nhất là khu vực kinh tế ngầm, phi chính thức và bất hợp pháp. Chưa kể, việc này sẽ chỉ giúp tăng quy mô GDP, giảm tỷ lệ nợ công/GDP và nới rộng chi tiêu công.

Về điều này, ông Nguyễn Bích Lâm cho hay, trách nhiệm của cơ quan thống kê là cung cấp bức tranh đầy đủ để Chính phủ đưa ra quyết sách. Vừa qua quy mô nền kinh tế tính toán thiếu nên cơ quan này phải có giải pháp thu thập, bổ sung đánh giá đầy đủ.

"Nợ công hay chi tiêu công tăng thêm là chính sách của Chính phủ, còn cơ quan thống kê có trách nhiệm cung cấp bức tranh quy mô kinh tế đầy đủ nhất. Hiện nợ công/GDP của Việt Nam khoảng 61,4% GDP, trong ngưỡng cho phép và thấp hơn nhiều một số nước trên thế giới. Các nhà kinh tế đã lo quá xa cho nền kinh tế Việt Nam rồi", ông nói, đồng thời khẳng định, không có chuyện làm đẹp dữ liệu và cơ quan thống kê chịu tác động bởi các yếu tố khách quan bên ngoài.

5 nhóm hoạt động khu vực kinh tế chưa quan sát, gồm kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp, kinh tế phi chính thức chưa được quan sát, kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình và hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong chương trình thu thập dữ liệu thống kê. Cơ quan thống kê sẽ sử dụng phương pháp thống kê trực tiếp, gián tiếp hoặc ước lượng bằng phương pháp lập mô hình kinh tế vĩ mô... để đo lường các hoạt động kinh tế này.

Tác giả: Nguyễn Hoài

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP