Trong nước

Không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác giám sát

Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, tại kỳ họp thứ Nhất của Quốc hội Khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, phát huy dân chủ, tăng tính tranh luận, phân tích sâu, làm rõ những thành tích, ưu điểm, cũng như những tồn tại, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp xác đáng, khả thi. Chú trọng giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát”.

Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Anh Trí phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Bám sát chỉ đạo trên, ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, công tác giám sát theo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức một cách chủ động, nghiêm túc, kết quả những đổi mới đó đã thể hiện rõ nét trong kết quả hoạt động giám sát của Quốc hội trong năm 2022.

Năm 2023 tới đây, tiếp nối tinh thần đổi mới đó, các hoạt động giám sát của Quốc hội sẽ tiếp tục cải thiện dựa trên kế thừa những kinh nghiệm sẵn có, tổng kết, đúc rút từ thực tiễn hoạt động. Một trong những trọng tâm của hoạt động giám sát trong năm tới là 4 chuyên đề giám sát với những vấn đề nóng bỏng, cấp thiết, ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân, tình hình kinh tế - xã hội.

Cụ thể, Quốc hội sẽ giám sát hai chuyên đề: “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát 2 chuyên đề: “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”. Đây đều là những nội dung rất lớn, quan trọng, trúng, đúng, được cử tri và nhân dân rất quan tâm.

Đặc biệt, trong năm 2023 tới đây, tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10, Quốc hội sẽ tiến hành hoạt động lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, gồm: Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Tại cuộc bỏ phiếu tín nhiệm này, các vị đại biểu Quốc hội trên cơ sở xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn để cho ý kiến công tâm, khách quan tại kỳ họp.

Bên cạnh các hoạt động nổi bật này, Quốc hội vẫn sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động chất vấn tại các Kỳ họp, Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; xem xét các báo cáo; giám sát ban hành văn bản quy phạm pháp luật; giám sát việc giải quyết kiến nghị, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…

“Cá nhân tôi hy vọng rằng, cơ chế phối hợp giữa Quốc hội với các tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động giám sát đã được xây dựng trong thời gian qua sẽ càng hoàn thiện hơn nữa trong năm hoạt động này, qua đó phát huy vai trò giám sát của mỗi cơ quan, cùng tạo sức cộng hưởng thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát”, GS.TS Nguyễn Anh Trí nói.

Tác giả: V.T

Nguồn tin: Báo Tin tức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP