Kênh của YouTuber Thơ Nguyễn doanh thu ước tính mỗi năm vào khoảng 596.600 USD - 9,5 triệu USD (14 tỉ đồng - 224 tỉ đồng). Nguồn: D.H |
Quyền lợi hay nghĩa vụ của khách hàng?
Ở Việt Nam, một số ông lớn cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google, YouTube, Facebook hay Netflix dù có nguồn thu “khủng” nhưng việc thực hiện nghĩa vụ thuế vẫn chưa đầy đủ, đặt ra không ít thách thức trong công tác quản lý cho ngành thuế.
Trước thực trạng này, Bộ Tài chính đang xây dựng các quy định chặt chẽ về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số, thể hiện tại dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19.10.2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.
Trong dự thảo thông tư có nội dung đáng chú ý, để phòng trường hợp các nhà cung cấp nước ngoài không thực hiện nghĩa vụ thuế, dự thảo quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam có liên quan.
Theo đó, trong trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài không thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam thì các tổ chức có đăng ký kinh doanh và hoạt động theo pháp luật Việt Nam phát sinh mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài.
Nếu cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài thì ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay. Như vậy, điều này đặt ra thực tế: Các nhà cung cấp như Google, YouTube, Facebook hay Netflix nếu “né” thuế thì khách hàng mua dịch vụ phải đóng khoản thuế mà đúng ra các doanh nghiệp này phải đóng.
Trao đổi với Lao Động, luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn luật sư Hà Nội) đặt ra vấn đề việc khấu trừ thuế sẽ như thế nào trên tổng số tiền mà khách hàng thanh toán với bên cung cấp dịch vụ, để tránh trường hợp cá nhân thanh toán bị khấu trừ tiền thuế dẫn đến số tiền thanh toán không đủ trả cho phía nước ngoài và không được cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
Cụ thể, vị luật sư này đưa ra ví dụ nếu một dịch vụ do nhà cung cấp nước ngoài bán cho người dùng Việt Nam có giá 200.000 đồng thì phía ngân hàng sẽ khấu trừ phần trăm thuế, sau đó chuyển phần còn lại cho phía nhà cung cấp ở nước ngoài. Nhưng thực tế, nhà cung cấp dịch vụ thỏa thuận với khách hàng phải thanh toán đủ 200.000 đồng thì mới cung cấp dịch vụ đó mà không tuân thủ các quy định về quản lý thuế.
Do vậy, theo luật sư An về nguyên tắc khi ngân hàng thực hiện khấu trừ theo quy định trên, khách hàng sẽ phải nộp số tiền lớn hơn 200.000 đồng, nhằm sau khi khấu trừ phần trăm thuế, vẫn bảo đảm đủ 200.000 đồng để thanh toán cho bên cung cấp dịch vụ. Như vậy, khách hàng đang đóng thay khoản thuế cho các nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài.
Từ vấn đề này, luật sư An cho rằng phần nào đó sẽ nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc lựa chọn, sử dụng dịch vụ. Thậm chí, người dân phải tỉnh táo để lựa chọn dịch vụ mình sử dụng tốt nhất.
Quy định rõ trách nhiệm
Trong khi đó, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia tài chính cho rằng, cần được làm rõ và hướng dẫn cụ thể, ví dụ như, trách nhiệm của ngân hàng và trung gian thanh toán trong việc tính toán không đúng số thuế phải khấu trừ và nộp thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài chưa thực hiện đăng ký thuế tại Việt Nam.
Bởi, theo chuyên gia này việc xác định từng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà nhà cung cấp nước ngoài cung cấp để áp dụng đúng tỉ lệ % để tính thuế nhà thầu có thể là một thách thức lớn về mặt thực tiễn đối với các ngân hàng thương mại và trung gian thanh toán.
“Việc tính toán số thuế nhà thầu và cơ chế thu thuế trong trường hợp nghĩa vụ thuế phát sinh tại Việt Nam là do cá nhân Việt Nam phải gánh chịu, trên cơ sở hợp đồng giữa cá nhân Việt Nam và nhà cung cấp nước ngoài” - ông Thịnh nói thêm.
Cũng theo vị này, các cơ quan quản lý cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn để các ngân hàng, trung gian thanh toán thực hiện việc khấu trừ, nộp thay được thuận lợi, dễ dàng, thông suốt, tránh sự phản ứng của khách hàng.
Theo ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), những cá nhân trong nước có thu nhập qua biên giới thông qua bán phần mềm cho các kênh YouTube, Facebook, Google... phải có nghĩa vụ đăng ký, kê khai và nộp thuế. Nếu cơ quan thuế phát hiện những cá nhân cố tình trây ỳ, không nộp thuế sẽ bị xử phạt hành chính, phạt tiền chậm nộp thuế, nặng hơn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu trốn thuế với số tiền lớn. “Nói cách khác, nếu cố tình trốn thuế thì cá nhân đó sẽ bị tù” - ông Minh khẳng định.
Trong khi đó, Cục Thuế TP.Hà Nội cho biết thêm, các trường hợp cố tình không thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế sẽ bị thanh, kiểm tra và xử phạt hành vi trốn thuế, gian lận thuế theo quy định. Thậm chí, ngành thuế sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để khởi tố. Ngành thuế cũng khẳng định sẽ rà soát, điểm danh không để sót người có doanh thu lớn từ YouTube lẩn tránh, cố tình trốn nộp thuế.
Tác giả: CAO NGUYÊN
Nguồn tin: Báo Lao Động