Đó là phản ánh của người dân xã Hưng Đông, TP Vinh (tỉnh Nghệ An) về tình trạng ô nhiễm từ KCN Bắc Vinh (quy mô 143,17 ha). "Cả chục năm nay rồi, nước thải đen ngòm, hôi thối chảy tràn ra ruộng, khu dân cư, ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe của người dân nhưng phản ánh mãi vẫn không được xử lý triệt để" - anh Nguyễn Văn Thắng (xóm Trung Mỹ) bức xúc.
Gây thiệt hại nhưng không đền bù
Được đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật từ năm 1999, sau nhiều năm đi vào hoạt động, do hệ thống xử lý nước thải chưa đạt yêu cầu, các nhà máy, xí nghiệp trong KCN Bắc Vinh đã xả thải ra môi trường dẫn đến ô nhiễm kéo dài tại khu dân cư. Đến năm 2013, hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN Bắc Vinh được khởi công xây dựng.
Tuy nhiên, lúc vận hành thì gặp sự cố xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường gây ô nhiễm đất sản xuất nông nghiệp khu vực Bàu Đông, xã Hưng Đông. Đến nay, hệ thống xử lý nước thải tập trung này cũng chưa xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm.
Cụ thể, nước thải từ KCN Bắc Vinh, đặc biệt là từ Công ty CP Bao bì Sabeco Sông Lam, khiến 11 ha đất sản xuất của người dân phải bỏ hoang từ năm 2009 đến nay. Nhiều diện tích ao nuôi thủy sản của HTX Hưng Đông 1 và HTX Đông Vinh của xã Hưng Đông cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
UBND TP Vinh năm 2015 đã có kết luận về vấn đề này, yêu cầu Công ty CP Bao bì Sabeco Sông Lam phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và khắc phục ô nhiễm môi trường. Ông Trần Anh Tấn, Chủ tịch UBND xã Hưng Đông, cho biết xã đã thống kê thiệt hại của người dân đề nghị hỗ trợ, đền bù nhưng doanh nghiệp không hợp tác, đến thời điểm hiện tại, người dân vẫn chưa nhận được tiền đền bù thiệt hại dù đã gửi kiến nghị đi khắp nơi.
Ngoài ra, không chỉ Công ty CP Bao bì Sabeco Sông Lam mà tại KCN Bắc Vinh còn có hàng chục nhà máy, xí nghiệp đổ nước thải ra cánh đồng Bàu Đông.
Do ô nhiễm từ KCN Bắc Vinh, 11 ha đất nông nghiệp của người dân xã Hưng Đông phải bỏ hoang từ nhiều năm nay |
Chưa ngày nào sống yên ổn
Tương tự, Cụm Công nghiệp nhỏ (CCN) Đông Vĩnh (phường Đông Vĩnh, TP Vinh) có diện tích 5,34 ha do Công ty CP Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh quản lý. Từ nhiều năm nay, người dân phải sống chung với mùi hôi, khói bụi, nước thải từ nhiều nhà máy trong CCN này.
Do bị ảnh hưởng ô nhiễm của các nhà máy, Trường THCS Đông Vĩnh phải giải tán, con em trong phường phải tìm nơi học khác. Hiện tại, một số doanh nghiệp như Công ty CP Bao bì Nghệ An, Công ty TNHH Xuân Ngọc, Công ty CP Động Lực và nhiều công ty khác thường xuyên gây ô nhiễm do việc quản lý chất thải nguy hại vẫn chưa đúng quy trình.
"KCN nằm giữa khu dân cư, tường nhà máy sát với nhà dân, mỗi lần họ sản xuất, mùi hôi, khói bụi cứ thế phả ra, người dân hứng trọn. Từ khi có CCN này, chưa ngày nào chúng tôi được sống yên ổn" - anh Lê Văn Việt (ngụ phường Đông Vĩnh) bức xúc.
Còn theo ông Cao Văn Toàn, Chủ tịch UBND phường Đông Vĩnh, một số nhà máy trong CCN nhỏ Đông Vĩnh gây ô nhiễm nghiêm trọng, phường đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, xử lý nhưng không thể triệt để được vì nhà máy quá sát nhà dân.
"Trước đây, do tầm nhìn hạn chế mới xây dựng CCN tại khu dân cư đông đúc, sát nhà dân. Về lâu dài, phải di dời CCN này ra khỏi khu dân cư mới giải quyết được triệt để vấn đề ô nhiễm" - ông Toàn đề xuất.
Nhiều KCN, CCN chưa có hệ thống xử lý nước thải Hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 6 KCN đang xây dựng và hoạt động, tổng lượng nước thải phát sinh thực tế ở các KCN khoảng 2.000 m3/ngày đêm nhưng mới chỉ có KCN Bắc Vinh và KCN Nam Cấm đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung. Bên cạnh đó, có 17 CCN đã đi vào hoạt động, lượng nước thải từ các CCN này xả thải khoảng 2.081,7 m3/ngày đêm, trong đó 9/17 CCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nước thải vẫn chủ yếu đổ trực tiếp ra môi trường. |
Tác giả: Đức Ngọc
Nguồn tin: Báo Người Lao Động