Nhân ái

Khổ đau ở một gia đình liêu xiêu vì... bệnh

Câu chuyện giữa tôi và người phụ nữ mắc bệnh hiểm nghèo cứ liên tục bị ngắt quãng vì những tiếng kêu thất thanh của đứa con trai chị bị thần kinh bại liệt. Giọt nước mắt đắng cay cứ chực trào ra trên khóe mắt sâu hoằm của người mẹ khắc khổ lẫn người viết bài.

Tột cùng nỗi đau gia đình toàn người mắc bệnh.


Đó là hoàn cảnh thương tâm của gia đình chị Hồ Thị Lụa (SN 1981) và anh Nguyễn Văn Thanh (SN 1977) trú tại xóm Nghĩa Bắc, xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).

Một khoảnh nhà phía sau - nơi hai vợ chồng anh chị vừa dùng làm nhà bếp nấu ăn, vừa để nơi nhốt gà, nuôi lợn...


Chị Lụa tâm sự, năm 2000 chị sinh đứa con gái đầu lòng đặt tên là Nguyễn Thị Lành. Hai năm sau đứa con trai của chị chào đời, tên là Nguyễn Văn Lanh. Lanh sinh ra bình thường, khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác, nhưng đến tháng thứ năm bỗng mất dần ý thức.

“Thấy con ăn ngủ có nét khác, đôi mắt và khuôn mặt không còn biểu lộ cảm xúc, đờ đẫn, vô hồn… thế là không lâu sau đó nó…”. Bỏ dở câu nói, chị chỉ biết lau nước mắt u sầu.

Lo sợ điều không hay xảy đến với con, anh chị chạy vạy vay mượn khắp nơi, rồi đưa con ra Hà Nội chạy chữa. Quá đớn đau khi hay tin con mình bị mắc bệnh bãi não, nhưng vợ chồng chị vẫn không thôi hy vọng về một phép màu sẽ đến với con. Nên cứ chắt bóp được đồng nào hai vợ chồng lại đưa con đi chữa bệnh lúc đó.

“Đi nhiều nơi, điều trị nhiều đợt nhưng bệnh của con vẫn không hề biến chuyển. Cuối cùng vợ chồng anh đành ôm con về nhà mà lòng quặn thắt cả ruột gan”, chị Lụa nghẹn ngào kể về đứa con bất hạnh của mình.


Suốt 14 năm nay, Lanh cứ trườn lê lết trên giường, dưới đất. Cứ đặt đâu là Lanh nằm đó. Mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ tới sự giúp đỡ của người nhà. 14 tuổi nhưng Lanh chỉ nặng 15 kg, chân tay khẳng khiu co quắp, người tóp lại như một cái “xác khô”. Và đặc biệt, lúc nào Lanh cũng rú lên những tiếng ú ớ, thất thanh, buồn đến tê lòng!

Nhà nghèo, con bệnh, cuộc sống khốn khó nhưng nghĩ rằng vợ chồng còn trẻ, thêm một đứa con là thêm niềm hy vọng. Nên năm 2004, chị Lụa hạ sinh đứa con trai thứ ba, đặt tên là Nguyễn Văn Lợi.

3 anh em Lanh, Lợi và Quỳnh luôn bên nhau.

Người anh trai, em thứ bị bệnh, còn em út thì nguy cơ bỏ học vì gia cảnh quá nghèo.


Những mong Lợi sẽ là đứa con bình thường, khỏe mạnh, nào ngờ em lại mắc phải căn bệnh mắt lác bẩm sinh. Đang là học sinh lớp 5, nhưng đôi mắt Lợi nhìn không địa chỉ và ngày càng mờ đục, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hàng ngày cũng như việc học tập của em.

“Hai đứa con tôi giờ sống vật vã như chết, thằng anh thì nằm một chỗ la hét, còn thằng em thì mắt nhìn một nơi đi một nẻo. Có hôm nó nhìn bên này đường mà lại đi sang bên kia đường suýt bị ô tô nó đâm cho…”, anh Thanh chia sẻ.

Nỗi đau không nói nên lời.


Thương con nhỏ dại lại bệnh tật, vợ chồng anh Thanh, chị Lụa nai lưng ra làm lụng. Đổ mồ hôi sôi nước mắt với những ô muối mặn mòi vậy mà cuộc sống vẫn cứ quay quắt trong nợ nần cứ thêm dần lên, túng thiếu cứ bủa vây lấy gia đình khốn khổ này.

Năm 2010, anh Thanh dồn tất cả số tiền ít ỏi mà hai vợ chồng tích cóp được trong bao năm, rồi vay mượn thêm của anh em, bạn bè được số tiền gần 200 triệu để chung vốn đóng tàu. Những mong vươn khơi hái được nhiều lộc biển, cuộc sống bớt đi phần khó khăn, nào ngờ... Tàu mới đưa vào sử dụng được hai tháng thì gặp nạn.​

“Lúc đó, em cùng năm người nữa đang đi câu mực ở vùng biển Thanh Hóa thì tàu bị nước vào nên bị chìm. Mấy anh em may mắn vớ lấy can nhựa chới với trên biển. Lúc đó, nghĩ đời mình thế là xong... nhưng may mà vẫn còn sống”, anh Thanh vẫn chưa hết bàng hoàng nhớ lại phút giây tuyệt vọng cùng cực khi tàu bị chìm.

Cả gia đình bên cạnh đứa con đau khổ của mình. Còn căn nhà, lát gạch cũng được ông bà nội làm cho để có chỗ cho cháu mình nằm.


Con tàu chung vốn, chưa thu lãi được đồng nào thì nó nằm dưới biển sâu. Mất cả chì lẫn chài, trắng tay trở về tay không sau chuyến tàu đầu tiên ra khơi bị chìm.

Trở về với hai bàn tay trắng, anh cùng vợ lại tiếp tục dãi dầu bám lấy ruộng muối chưa đầy 40 m2 để có tiền rau cháo nuôi con. Cứ nghĩ vợ chồng bảo ban nhau, cần cù, chịu khó làm ăn rồi sẽ qua những tháng ngày bĩ cực. Thế nhưng con bão đau khổ vẫn chưa chịu buông tha lấy gia đình anh.

Dưới mái nhà xập xệ, bệnh tật ấy dường như không bỏ sót một ai. Những ngày lao động cật lực trên đồng muối, chị Lụa cứ thấy mình khó thở, tức ngực, tim đau nhói từng cơn. Chị đi khám ở Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E, Hà Nội.

Em gái út Nguyễn Thị Như Quỳnh mới học lớp 2, Trường tiểu học Quỳnh Nghĩa - mỗi lần được cô giáo phát cho hộp sữa ở trường, cháu không uống mà để dành đưa về cho anh mình.


"Tại đây, bác sĩ bảo em, tim bị hẹp khít van hai lá, phải phẫu thuật gấp nếu không sẽ nguy kịch. Nhưng nghĩ tới khoản tiền lớn em không còn thiết sống nữa...”, chị Lụa nghẹn ngào.

Để cứu vợ, mong con khoẻ, anh Thanh chạy đôn chạy đáo vay mượn khắp người thân, bạn bè, tới cả ngân hàng (vay ngân hàng lên gần 100 triệu) để có tiền chữa bệnh cho vợ.

… đến lượt trụ cột gia đình lâm nạn

Những cơn sóng dữ cứ tới tấp đổ dồn, đã có những lúc anh Thanh chỉ muốn buông xuôi tất cả. Nhưng nghĩ mình là trụ cột gia đình, vợ ốm con đau biết trông chờ vào ai nếu như mình bỏ cuộc? Thế là, lại một lần nữa anh quyết định vươn khơi!

Anh Thanh được một chủ tàu trong xã cho đi đánh cá thuê. Vừa đi được mấy chuyến bình an trở về cũng có thêm thu nhập, có con cá, con mực,… cho con ăn.

Là trụ cột của gia đình, chị Lụa bị bệnh tim dù đã được phẫu thuật 2 lần, song căn bệnh vẫn chưa khỏi mà ngày càng nặng, thậm chí chị không còn làm được gì. Còn anh Thanh, sau những ngày sóng gió, giờ này tay bị thương mất 70% sức khỏe trong một lần đi đánh cá thuê.


Thế nhưng niềm vui đó ngắn ngủi lắm. Khi anh chưa kịp mừng, thuốc chưa mua nổi cho con, cho vợ một viên thì anh tiếp tục gặp nạn trong một lần đánh cá ở vùng biển Quảng Bình.

“Hôm đó là 16/3/2016, vào khoảng 8h tối, tôi đang đánh cá ở vùng biển Quảng Bình thì bị dây tời cuốn vào dập nát cả bàn tay, máu chảy nhiều nên bị ngất xỉu không còn biết gì nữa... Khi tỉnh lại thì thấy mình nằm trong bệnh viện…, anh Thanh nhớ lại giờ khắc kinh hoàng.

Ông Nguyễn Sĩ Nhâm (bố đẻ anh Thanh) nghe tin con gặp nạn ở biển, lòng như lửa đốt, liền cấp tốc bắt xe vào Quảng Bình ngay trong đêm.

“Các anh em trên tàu kể lại, lúc này trời đang tối, sương mịt mù, con nước rặc nên tàu không vô được lạch, chủ tàu phải thuê thuyền nhỏ chở Thanh vào cảng Gianh... Trầy trật mãi đến 2h30’ ngày 17/3, hai cha con mới gặp nhau ở trạm xá. Nhìn con mà thương lắm, va vấp hết lần này đến lần khác... Sao trời cứ bắt tội!”, người cha già vội quay đi, cố dấu giọt nước mắt xót xa đang lăn dài trên đôi má gầy guộc.

Mẹ đau, anh cũng mờ mắt, giờ đứa út cũng đang nguy cơ bỏ học.


“Thằng Thanh vốn bị khiếm thính bẩm sinh, đưa đi phẫu thuật ở Bệnh viện Đa khoa Nghệ An nhiều lần nhưng không khỏi. Đã thế lại còn mắc bệnh viêm gan B, do không có điều kiện nên phải sống chung với bệnh...”, ông Nhâm buồn buồn tâm sự.

Ngoài số nợ ngân hàng, gia đình anh còn nợ anh em, bạn bè, hàng xóm ...


Hiện tại khoản tiền nợ ngân hàng lên đến gần 100 triệu đồng, tiền vay mượn anh em, chòm xóm gần 60 triệu vợ chồng anh Thanh vẫn chưa có trả. “Vợ ốm, con đau, giờ em lại thế này... biết làm gì được nữa để mà trả nợ đây hả anh. Cái ăn, cái mặc cho con chưa đủ nói gì đến chuyện trả nợ!. Đến giờ đã qua mấy lần phẫu thuật, ghép xương cơ bản bàn tay đã ổn nhưng cũng chỉ được khoảng 20-30%. Giờ cứ làm việc nặng nhọc là cả người và đặc biệt là bàn tay không thể làm nổi”, anh Thanh buông một tiếng thở dài, nỗi buồn chất chồng đọng lại trong đôi mắt mờ đục, xa xăm.

Cũng từ ngày anh Thanh gặp nạn trên biển, cô con gái đầu của anh là Nguyễn Thị Lành (học lớp 10 trường THPT Quỳnh Lưu 3) đã phải nghỉ học để giúp việc gia đình và giờ đã đi làm thuê kiếm sống để nuôi bố mẹ và các em. Còn đứa em út Nguyễn Thị Như Quỳnh học lớp 2, thì được cô giáo ở trường cho đàn gà về nuôi.

Hộ nghèo của xã cấp cho gia đình anh Thanh.


“Thương con nhưng giờ cha mẹ sức tàn lực kiệt rồi... Giờ đây em không thể làm được việc nặng, đi lại còn khó khăn chứ nói đến chuyện làm việc. Mỗi khi trái gió trở trời là như người chết đi vậy”. Hơi thở dốc lại chấn ngang lấy ngực khiến chị Lụa không nói được nên lời, giọt nước mắt cay đắng lại trào ra.

Hiện nay, cứ đều đặn mỗi tháng một lần chị Lụa phải vào Bệnh viện Đa khoa Nghệ An tái khám, còn anh Thanh hằng ngày vẫn phải uống thuốc cho bàn tay đỡ đau hơn. Không những đỡ đau, mà bàn tay của anh đã bị tật vĩnh viễn khoảng 70%.

Giấy chứng nhận của xã.

“Ba đứa con thơ dại lại phải nhờ tới ông bà nay ở tuổi xế chiều chăm sóc, ven vún. Nay gia đình không có gì để làm, đi biển càng không. Làm muối giá bèo bọt không đủ sống. May mà có mấy con gà của đứa con được nhà trường cho đưa về nuôi. Giá như có một phép nhiệm mầu sẽ đến với gia đình tôi lúc này, chỉ cần một lần thôi”, anh Thanh ước nguyện.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Anh Nguyễn Văn Thanh và chị Hồ Thị Lụa, xóm Nghĩa Bắc, xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Số ĐT: 0962.513.258 - anh Thanh.

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP