Trong nước

Khi xung đột lợi ích, có thể đình chỉ nhiệm vụ của cán bộ

Phát hiện có xung đột lợi ích và nếu thấy việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, công vụ không bảo đảm tính đúng đắn, khách quan, trung thực thì có thể áp dụng biện pháp đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích…

Kiểm soát xung đột lợi ích là một trong những nội dung quan trọng trong công tác phòng ngừa tham nhũng. Ảnh minh họa

3 biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích

Kiểm soát xung đột lợi ích là một trong những nội dung mới và quan trọng trong công tác phòng ngừa được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN - sửa đổi).

“Xung đột lợi ích là tình huống mà trong đó lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn hoặc người thân thích của họ tác động hoặc sẽ tác động không đúng đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ”, Luật PCTN (sửa đổi) giải thích.

Theo quy định của luật, người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nếu biết hoặc buộc phải biết nhiệm vụ, công vụ được giao có xung đột lợi ích thì phải báo cáo người có thẩm quyền để xem xét, xử lý.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi phát hiện có xung đột lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn thì phải thông tin, báo cáo cho người trực tiếp quản lý, sử dụng người đó để xem xét, xử lý.

Người trực tiếp quản lý, sử dụng người có chức vụ, quyền hạn khi phát hiện có xung đột lợi ích và nếu thấy việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, công vụ không bảo đảm tính đúng đắn, khách quan, trung thực thì phải xem xét, áp dụng một trong 3 biện pháp gồm: giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích; đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích; tạm thời chuyển người có xung đột lợi ích sang vị trí công tác khác.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, quy định về các biện pháp trên nhằm bảo đảm có căn cứ cho người đứng đầu lựa chọn hình thức xử lý phù hợp với từng tình huống xung đột lợi ích trên thực tế mà vẫn bảo đảm hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Người có chức quyền không được điều hành doanh nghiệp tư nhân

Khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội, người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện quy tắc ứng xử, bao gồm các chuẩn mực xử sự là những việc phải làm hoặc không được làm phù hợp với pháp luật và đặc thù nghề nghiệp nhằm bảo đảm liêm chính, trách nhiệm, đạo đức công vụ.

Luật PCTN (sửa đổi) quy định rõ, người có chức vụ, quyền hạn không được nhũng nhiễu trong giải quyết công việc; thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác; sử dụng trái phép thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Người có chức vụ, quyền hạn còn không được tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết; thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ…

Ngoài ra, còn có những việc khác mà người có chức vụ, quyền hạn không được làm theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Doanh nghiệp và các luật khác có liên quan.

Không bố trí anh, chị, em ruột giữ chức vụ quản lý nhân sự

Với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.

Theo bà Nga, các đối tượng không được bố trí vào vị trí quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán… trong cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được cân nhắc thận trọng trên cơ sở kế thừa quy định của Luật PCTN hiện hành để tránh ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thân thích khác của người có chức vụ, quyền hạn và phù hợp với thực tiễn, bảo đảm khả thi.

Luật PCTN mới còn quy định, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý Nhà nước.

Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và người giữ chức danh, chức vụ quản lý khác trong doanh nghiệp Nhà nước không được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột; cho phép doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của doanh nghiệp mình; bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong doanh nghiệp hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho doanh nghiệp.

Tác giả: Thảo Nguyên

Nguồn tin: thanhtra.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP