Kinh tế

Khi ăn cắp xăng đã thành kỹ nghệ

Vụ việc gian lận xăng ở Cửa hàng xăng dầu số 436 Trần Khát Chân -Hà Nội và một cây xăng ở Yên Viên-Gia Lâm (Hà Nội) vừa được Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội kết luận và chuyển hồ sơ truy tố. Những hành vi gian lận của khá nhiều người tham gia trong vụ này (16 bị can) cho thấy, mức độ nghiêm trọng của sự việc vượt xa đánh giá ban đầu của nhiều người.

Vụ việc được phát giác vào cuối tháng 12/2015. Khi đó, trên báo chí, mạng xã hội, đa số những người có ý kiến bình luận tuy lên án mạnh mẽ những người được cho là có hành vi gian dối. Nhưng không mấy ai ngờ rằng, số bị can được cho là có liên quan đến hành vi phạm tội này lại đông như vậy, nhất là trong đó lại có cả Cửa hàng trưởng, 2 Trưởng ca...và thủ đoạn ăn cắp xăng quá tinh vi.

Vụ việc được tổ kiểm tra liên ngành Hà Nội phát hiện ngày 24/12/2015


Hành vi trên (rất đáng ngạc nhiên là chỉ được quy về tội "lừa dối khách hàng"), theo như kết luận điều tra của Công an Hà Nội được Dân trí đăng tải tối qua (17/5), có thể nói là rất có tổ chức, và nghiêm trọng, lại diễn ra trong thời gian khá dài (bắt đầu từ tháng 4/2014). Bởi trong vụ này, tại cây xăng 436 Trần Khát Chân, các Trưởng ca của cây xăng này được cơ quan điều tra xác định là đã bàn bạc, trao đổi với Cửa hàng trưởng, thu tiền góp của các nhân viên cửa hàng để đi mua chip điện tử, lắp đặt vào các cột bơm xăng để gian lận. Mục đích không gì khác là ăn cắp xăng của khách hàng, với số lượng lên tới 5% mỗi lần bơm xăng.

Không chỉ có thể, các nghi can còn được cho là đã liên kết với Trưởng phòng thị trường của Công ty cổ phần xăng dầu chất đốt Hà Nội để nhờ tìm mua thiết bị, tìm người gắn chíp điện tử để gian lận vào cột bơm xăng. Mức độ nghiêm trọng có thể thấy rõ khi toàn bộ nhân viên bơm xăng cho đến cán bộ cửa hàng đều am tường cách sử dụng bộ điền khiển chíp để gian lận.

Và tất cả đều được chia tiền, tuỳ theo cấp bậc, chức vụ. Trung bình mỗi ca bán hàng, Trưởng ca và nhân viên được chia từ 400-600 ngàn đồng. Còn Trưởng cây xăng được nhận trung bình 10-15 triệu đồng/tháng. Sự việc tiếp tục được thực hiện ở Cửa hàng Xăng dầu Yên Viên với mức độ nghiêm trọng tương tự, cho thấy, vì hám lợi, những người tham gia ổ nhóm này đã bất chấp quy định của luật pháp đến mức nào.

Một điều đáng kinh ngạc là các nghi phạm, sau khi ăn cắp được lượng xăng đáng kể từ khách hàng, được cho là đã lén lút tìm người bán ra thị trường với giá thấp hơn giá trần mà Nhà nước công bố khoảng 2.200 đồng/lít. Đây là mức giá bán xăng siêu rẻ, làm méo mó quan hệ cung- cầu trên thị trường và gây thiệt hại lớn cho Nhà nước và người tiêu dùng, ảnh hưởng xấu đến công tác điều hành giá.

Tuy rằng, trong vụ việc trên, sau khi cuộc điều tra kết thúc, 16 bị can đã tự nguyện nộp lại hơn 1,6 tỷ đồng với lời khai là hưởng lợi bất chính từ việc dùng công nghệ để gian lận. Nhưng có lẽ, cơ quan điều tra cần phải làm rõ hơn, với số lượng xăng dầu bán ra rất lớn từ 2 cửa hàng này từ tháng 4/2015 đến tháng 12/2015, lấy giá tiền thu được với số lượng xăng bị đánh cắp khoảng 5%, có lẽ, khoản tiền mà các bị can trên thu được sẽ không chỉ dừng lại ở con số 1,6 tỷ đồng nêu trên.

Một điều đáng nói hơn là qua số liệu của Thanh tra Bộ Khoa học-Công nghệ, Thanh tra Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượnglên tới hàng trăm vụ/năm. Còn theo Bộ Công Thương, riêng năm 2015, lực lượng quản lý thị trường cả nước kiểm tra 3354 vụ, xử lý 1014 vụ vi phạm trong kinh doanh xăng dầu (trong đó chủ yếu gian lận về số lượng, chủng loại xăng dầu), phạt hành chính trên 8,35 tỷ đồng. Và đây là một trong những vụ việc được "bắt tận tay" nghiêm trọng nhất được khởi tố và kết quả điều tra đã cho thấy mức độ nguy hiểm của các nghi phạm đã gây ra.

Vụ việc trên cũng gióng lên tiếng chuông báo động về tình trạng quản lý lỏng lẻo của cơ quan quản lý khi các thiết bị điện tử, chip điện tử để ăn cắp xăng dễ dàng mua bán trên thị trường và luôn có đội sẵn sàng được thuê để lắp đặt thiết bị này cho các cây xăng. Điều này dấy lên câu hỏi: Liệu có phải có rất nhiều, không phải vài chục, vài trăm mà có hàng ngàn cửa hàng xăng dầu đã và vẫn đang lắp đặt các thiết bị này để gian lận , bớt xén xăng của người tiêu dùng hay không ?

Để trả lời câu hỏi này, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tổ chức nhiều đợt tổng kiểm tra, rà soát liên tục các cơ sở kinh doanh, bán xăng dầu để phát hiện, xử lý các cơ sở gian lận và xử lý nghiêm minh, như với vụ việc tại 2 cây xăng được phát hiện vừa qua.

Và về phía Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, qua tình trạng ăn cắp xăng đã trở lên khá phổ biến ở nhiều tỉnh, thành phố, cần xem lại các cơ chế hoa hồng, lợi nhuận định mức, chi phí định mức...của các công ty kinh doanh xăng dầu, các tổng đại lý, đại lý xăng dầu, để xác định xem, phải chăng, nhiều quy định từ lâu đã lạc hậu, bất hợp lý, không đảm bảo lợi nhuận.

Tác giả bài viết: Mạnh Quân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP