Trong tỉnh

Khát khao một con đường

Con đường liên xã Khánh-Nam-Lý đi qua địa bàn 4 xã Khánh Thành, Nam Thành, Lý Thành và Long Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) nối Quốc lộ 7B vào Cụm mỏ đá khu vực Lèn Voi - Lèn Rùa, được hình thành từ trước năm 1995, đã nhiều lần nâng cấp và mở rộng để phục vụ cho hàng ngàn hộ dân của các xã trên đi lại.

Tuy nhiên, từ năm 2011, UBND tỉnh Nghệ An cấp phép cho 5 doanh nghiệp khai thác đá hoạt động, lượng xe vận chuyển đá qua lại nhiều đã cày nát con đường, làm cho người dân phải khốn đốn khi tham gia giao thông và hứng chịu bụi đất mù mịt... Vậy nhưng, “dân kêu không thấu trời”, chính quyền các cấp từ xã đến huyện cũng bất lực vì kinh phí không có.

Các loại phương tiện chở đá suốt ngày đêm cày nát con đường, gây ô nhiễm nghiêm trọng cho các khu dân cư. Ảnh: Xuân Hoàng

Nỗi niềm người dân

Theo phản ánh của người dân dọc hai bên đường, mỗi ngày đêm ít nhất có hàng trăm chuyến xe lớn nhỏ chở đá, lâm sản và các loại hàng hóa khác lưu thông qua con đường này, làm cho con đường hư hỏng nghiêm trọng. Mùa nắng bụi đất mù mịt, mùa mưa lầy lội, mặt đường sụt lún tạo thành hố sâu đọng bùn, nước, trơn trượt, gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Thế nhưng, đã mấy năm nay, mặc dù người dân liên tục kiến nghị, nhưng các cấp chính quyền địa phương vẫn chưa có phương án giải quyết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Lợi (55 tuổi, trú tại xóm Hợp Thành, xã Nam Thành) bức xúc: “Tỉnh cấp phép cho doanh nghiệp khai thác đá, thì phải trích tiền thu thuế doanh nghiệp ra mà làm đường cho xe doanh nghiệp chở đá chứ. Đường này người dân chúng tôi đóng góp làm, giờ xe chạy hư hỏng, sao tỉnh lại phó mặc cho người dân? Mỗi chuyến xe chạy qua là bụi đất mù mịt, ai chịu nổi? Nhà tôi và những nhà sát đường phải dùng bạt phủ kín phía trước, không thì bụi đầy nhà; khi ăn cơm, uống nước, bụi đất bay đầy bát. Sinh hoạt đã khổ vậy, những gia đình làm ăn, buôn bán hai bên đường còn khổ hơn vì mất luôn sinh kế. Chứng kiến người tham gia giao thông mà cảm thương họ quá, nhất là học sinh và người già bị ngã liên tục vì sự tồi tệ của con đường. Học sinh mang áo trắng, đến trường trở thành áo vàng, áo đỏ do bụi đất”.

Chung nỗi niềm như ông Nguyễn Hữu Lợi, ông Phan Văn Cát (53 tuổi, trú cùng xóm với ông Lợi) cũng không giấu nổi sự bức xúc: “Chúng tôi đã nhiều lần ý kiến với các cơ quan có chức năng, nhưng đến nay, không cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm. Hỏi xã thì trả lời, xã không có kinh phí; hỏi huyện, huyện cũng trả lời như vậy; dân chúng tôi biết kêu ai bây giờ?”.

Quá bức xúc, hiện đã có gần 300 hộ dân của xã Nam Thành ký đơn kiến nghị gửi tới các cấp, mong chính quyền, đặc biệt là UBND tỉnh sớm có biện pháp đầu tư làm đường cho dân.

Chính quyền và doanh nghiệp nói gì...!?

Làm việc với chúng tôi, ông Hoàng Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Nam Thành, cho biết: “Việc con đường hư hỏng nghiêm trọng, hơn ai hết, chúng tôi rất lo lắng và thấu hiểu nỗi niềm của người dân, nhưng đành bất lực vì đường này do huyện quản lý. Xã đã nhiều lần kiến nghị lên huyện đề nghị giải quyết, nhưng đến nay huyện chưa có phương án nào khả thi”.

Trước thực trạng trên, chúng tôi đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép khai thác đá ở Cụm mỏ nêu trên. Đại diện 5 doanh nghiệp, ông Nguyễn Thọ Tràng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Nam Thành cho biết: “5 doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản và cho thuê đất để sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng đến nay đã hơn 6 năm hoạt động. Việc phương tiện vận chuyển của các doanh nghiệp làm hư hỏng đường là có thật. Tuy nhiên, với trách nhiệm của doanh nghiệp, chúng tôi đã thường xuyên cùng nhau sửa chữa và dùng xe tưới nước chống bụi, nhưng nền đường quá yếu, khắc phục xong lại hỏng. Việc doanh nghiệp tự bỏ tiền ra để làm toàn bộ con đường này là rất khó. Khi đầu tư vào đây, mỗi doanh nghiệp đã bỏ ra trên 15 tỷ đồng. Hằng năm, mỗi doanh nghiệp đóng trên 2,5 tỷ đồng tiền thuế. Chỉ có phương án duy nhất, đó là Nhà nước đầu tư làm con đường này, doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ một phần bằng nguyên liệu đá tự khai thác”.

Cũng theo ông Tràng, nếu con đường bảo đảm, các doanh nghiệp sẽ hoạt động hết công suất, số tiền thuế nộp cho Nhà nước mỗi năm sẽ tăng lên gần 30 tỷ đồng. Cái lợi là rất lớn, nên việc đề xuất UBND tỉnh đầu tư con đường này là việc làm hết sức cần thiết.

Trao đổi với chúng tôi về phương án xử lý con đường trên, ông Phan Văn Tuyên, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: “Ngân sách của huyện hết sức hạn hẹp. Trước mắt, huyện đang chỉ đạo các doanh nghiệp có biện pháp sửa chữa những đoạn hư hỏng nặng. Còn về lâu dài, huyện sẽ hỗ trợ một phần và chỉ đạo UBND xã Nam Thành đóng góp một phần, các doanh nghiệp hỗ trợ một phần để nâng cấp đoạn đường khoảng 750m hư hỏng nặng nhất. Thời gian dự kiến là đầu năm 2018. Việc đầu tư làm cả con đường với chiều dài khoảng 6,5km là rất khó đối với UBND huyện. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ báo cáo rõ thực trạng với UBND tỉnh để tỉnh quan tâm đầu tư vốn làm con đường này”.

Như vậy, phương án làm lại con đường trên đang còn bỏ ngỏ. Thiết nghĩ, nếu được cấp có thẩm quyền quan tâm đầu tư làm con đường này, thì hàng ngàn hộ dân của 4 xã sẽ bớt khổ, đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, đóng góp phần thuế vào ngân sách Nhà nước.

Tác giả: Xuân Hoàng

Nguồn tin: Báo Biên Phòng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP