Trong nước

Khai mạc Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Sáng 14-4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 44. Đây là phiên họp có ý nghĩa rất quan trọng để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Dự phiên khai mạc có các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Về phía khách mời có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng; Phó Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng; Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Quốc Đoàn; đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ban Nội chính Trung ương; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao; lãnh đạo các bộ, ban, ngành có liên quan.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chia thành 2 đợt, đợt 1 (3,5 ngày): Từ ngày 14 đến 17-4 (nghỉ họp sáng 16-4) và dự phòng từ 18 đến 21-4; đợt 2 (5,5 ngày): Từ ngày 22 đến sáng 28-4 (nghỉ họp ngày chủ nhật 27-4) và dự phòng chiều ngày 28 và ngày 29-4, tập trung giải quyết khối lượng công việc rất lớn.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến, xem xét, quyết định 42 nhóm nội dung tại phiên họp, bao gồm 24 nhóm nội dung về công tác lập Hiến, lập pháp, 10 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng và 8 nội dung thuộc thẩm quyền; đồng thời, cho ý kiến, xem xét, quyết định bằng văn bản đối với 5 nhóm nội dung khác.

Đặc biệt, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về hồ sơ đề nghị: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc sửa đổi Hiến pháp là nhiệm vụ đặc biệt hệ trọng với khối lượng công việc rất lớn, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, gắn với chủ trương tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, theo Kết luận số 126, 127 của Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo Trung ương.

Bên cạnh những nội dung chính thức đã được đưa vào chương trình, còn rất nhiều nội dung trong chương trình dự phòng cần xem xét để phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, sắp xếp các đơn vị hành chính, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Thực hiện yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phục vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, tháo gỡ các "điểm nghẽn" để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Tác giả: Văn Duẩn

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP