Giáo dục

Kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024: Nhiều bài học cho kỳ thi đổi mới

Điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay được nhận định cơ bản tương đồng với chất lượng dạy học ở phổ thông.

Thầy trò Trường THCS-THPT Trưng Vương (Vĩnh Long) trong giờ học.

Từ kết quả này, những địa phương đạt tốt và chưa như kỳ vọng đều rút ra bài học kinh nghiệm và giải pháp cho kỳ thi năm tới.

Kết quả của nhiều giải pháp đồng bộ

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay ghi nhận sự chuyển biến tích cực, thậm chí đột phá ở một số địa phương. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, An Giang là tỉnh dẫn đầu với trung bình các môn thi đạt 7,024 (mặt bằng chung cả nước là 6,749). Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Tuấn Khanh, cải thiện điểm thi của địa phương là kết quả của nhiều giải pháp đồng bộ.

Trong đó có việc tăng cường hoạt động Hội đồng cốt cán, tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng chuyên môn theo từng môn học; dạy học ôn tập thi tốt nghiệp trên truyền hình; tăng cường tư vấn chuyên môn các trường THPT.

Ngoài ra, ngành Giáo dục tổ chức các hội thảo về công tác dạy học và ôn tập thi tốt nghiệp theo huyện; giúp các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trao đổi về việc tổ chức dạy học để đem lại hiệu quả tốt theo đặc điểm học sinh trên địa bàn.

Chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm tới - kỳ thi đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018, ông Trần Tuấn Khanh lưu ý lãnh đạo, giáo viên các trường cần nghiên cứu kỹ chương trình, nội dung giảng dạy theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; đồng thời nghiên cứu cách kiểm tra, đánh giá theo Chương trình 2018 để tổ chức dạy học, ôn tập phù hợp với tình hình mới.

Thừa Thiên Huế cũng là địa phương có điểm thi chuyển biến ngày càng tốt hơn trong một số năm trở lại đây. Để đạt được kết quả này, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Tân cho biết, từ lãnh đạo tỉnh, ngành Giáo dục, đến địa phương, nhà trường và thầy trò đều thống nhất quan điểm lấy phổ điểm thi tốt nghiệp THPT làm thang đánh giá chất lượng kết quả đầu ra chứ không phải tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT.

Sau khi có kết quả, việc phân tích số liệu, thống kê chi tiết điểm thi đến từng trường, môn, lớp; bao gồm cả đối sánh kết quả điểm thi, kết quả học bạ, đối sánh các môn, trường trong tỉnh, tỉnh với quốc gia và đối sánh trong các năm. Sử dụng kết quả thống kê thi tốt nghiệp để chỉ đạo xây dựng chỉ tiêu và nâng cao chất lượng dạy học từng nhà trường. Giám sát, yêu cầu kết quả dạy - học dựa trên sự nỗ lực thay đổi của từng nhà trường, tổ chuyên môn, giáo viên và lớp học.

Kết quả thi tốt nghiệp THPT của Trường THCS-THPT Trưng Vương (Vĩnh Long) năm nay chuyển biến tích cực: Điểm bình quân các môn dự thi đa số tăng hơn so với năm trước; điểm trung bình chung toàn trường tăng 0,651 điểm so với năm 2023; xếp hạng chung toàn tỉnh tăng 13 bậc. Kết quả đạt được trong kỳ thi được khẳng định sát với chất lượng dạy học của nhà trường.

Chia sẻ kinh nghiệm, theo thầy Hiệu trưởng Võ Tấn Phát, ngay đầu năm học, nhà trường phân loại học sinh; có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ các em chậm tiến bộ. Kế hoạch ôn tập được xây dựng cụ thể, rõ ràng, khắc phục hạn chế của năm trước với phương châm “ôn tập từ những kiến thức cơ bản, sử dụng phương pháp linh hoạt nhất, đồng hành - thấu hiểu - chia sẻ cùng học sinh”.

Trường giao chỉ tiêu để phấn đấu khen thưởng; tăng cường kiểm tra, động viên, hỗ trợ giáo viên; tạo mọi điều kiện thuận lợi để giáo viên toàn tâm ôn tập cho học sinh. Tổ chức các buổi tư vấn, hỗ trợ, giao lưu giữa tổ trưởng chuyên môn, tổ phó chuyên môn, giáo viên cốt cán với học sinh toàn trường để khơi dậy ý thức học tập, tạo động lực, niềm tin cho người học. Tìm các nguồn vận động để hỗ trợ cơm trưa cho học sinh khó khăn, nhà xa ở lại trường buổi trưa… Luôn thăm hỏi, động viên học trò, nhất là các em chậm tiến bộ.

Từ kỳ thi 2024, nhà trường sẽ rút kinh nghiệm để xây dựng kế hoạch ôn thi cho năm 2025, phát huy giải pháp đang thực hiện có hiệu quả. Trước năm học mới, học sinh sẽ được tư vấn, đăng ký chọn môn thi tự chọn, từ đó sắp xếp lại lớp học phù hợp để thuận lợi trong giảng dạy, ôn tập, chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Quyết tâm cải thiện kết quả

Thừa Thiên Huế thực hiện thống kê, phân tích điểm thi đến từng lớp giúp các nhà trường nhìn nhận đúng trong phân công chuyên môn, công tác quản lý, từ đó phục vụ tốt cho việc dạy và học. Từ kết quả phân tích sẽ xây dựng các chỉ tiêu, tổ chức nhiều giải pháp để tập trung chỉ đạo, thực hiện thông qua các hội nghị cấp tỉnh, sở, trường.

Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế Nguyễn Tân

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk Đỗ Tường Hiệp, tỷ lệ tốt nghiệp năm 2024 khối THPT của địa phương đạt 99,13%, tỷ lệ chung toàn tỉnh đạt 98,31% - tăng gần 1,7% so với năm trước.

Toàn tỉnh có 20 trong số 60 trường đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100%, trong đó có cả những trường vùng sâu, xa. Kết quả thi phản ánh khá sát chất lượng dạy học ở phổ thông, thể hiện tinh thần học thật, thi thật, kết quả thật. Xét sơ bộ, độ vênh giữa điểm thi vào điểm học bạ cơ bản nhỏ hơn 1, nhiều môn độ vênh nhỏ hơn 0,6.

Theo đánh giá của ngành Giáo dục, dù chưa đạt như kỳ vọng, đặc biệt khi đối sánh với thành tích giáo dục mũi nhọn nhiều năm qua của tỉnh; nhưng kết quả thi phần nào phản ánh được sự nỗ lực của toàn ngành.

Một số lý do dẫn đến kết quả này như: Năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục triển khai song song Chương trình GDPT 2006 và Chương trình GDPT 2018 với nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, điều kiện kinh tế - xã hội; học sinh niên khóa 2021 - 2024 bắt đầu những năm đầu cấp trong điều kiện dịch bệnh, nhiều em không có phương tiện để học trực tuyến nên khá thiệt thòi…

Chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm tới, ông Đỗ Tường Hiệp cho biết, ngành Giáo dục sẽ tập trung chỉ đạo, thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá nhằm phát triển phẩm chất, năng lực người học, đúng theo yêu cầu của chương trình mới.

Tập trung ưu tiên nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là khối lớp 12; tăng cường ôn tập, phụ đạo học sinh yếu kém, đặc biệt học trò vùng sâu, xa, dân tộc thiểu số. Định dạng đề thi mới cũng cho học sinh làm quen từ sớm, tạo tâm thế chủ động nhất trước kỳ thi đổi mới.

Là trường vùng khó, điểm đầu vào thấp so với mặt bằng chung, Trường THPT Mường Chiềng (huyện Đà Bắc, Hòa Bình) giữ kết quả tốt nghiệp THPT ổn định, tỷ lệ tốt nghiệp đạt trên 99%. Dù điểm thi trung bình của trường năm nay thấp hơn trung bình của tỉnh, nhưng so với năm trước, kết quả này đã tốt hơn.

Nhận định điểm thi tốt nghiệp phản ánh khá chính xác chất lượng học tập trong nhà trường, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh cho biết: Những năm gần đây, lãnh đạo sở GD&ĐT quan tâm sâu sát, chỉ đạo quyết liệt và triển khai nhiều biện pháp nâng cao chất lượng.

Tinh thần này lan tỏa xuống các trường và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, giáo viên đều quyết tâm. Việc làm sao để tiếp tục nâng cao chất lượng kỳ thi, điểm thi trong kỳ thi năm tới cũng đã được lãnh đạo sở trao đổi.

Với Trường THPT Mường Chiềng, bước vào năm học 2024 - 2025, nhà trường sẽ chuẩn bị các điều kiện chu đáo nhất, đặc biệt ưu tiên với khối lớp 12; có chính sách động viên, khích lệ cả thầy và trò.

Nhà trường yêu cầu giáo viên nghiên cứu kỹ đề minh họa cấu trúc, định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025; ứng dụng vào đề kiểm tra đánh giá thường xuyên, giữa học kỳ, cuối học kỳ để học sinh được làm quen, sẵn sàng tâm thế cho kỳ thi đổi mới.

Tác giả: Hiếu Nguyễn

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP