Từng chủ yếu được bày bán ở các chợ và cửa hàng làm đẹp, các sản phẩm làm trắng, sáng da giờ bùng nổ và phổ biến trên mọi nền tảng truyền thông, theo CNN.
Trên các nền tảng như Facebook, Instagram và TikTok, các nhà cung cấp rao bán nhiều sản phẩm kem, huyết thanh kèm lời hứa hẹn về làn da đẹp, trắng muốt như mong muốn. Song, có rất ít thông tin chi tiết về thành phần của chúng.
Ngoài ra, hàng nghìn video đầy rẫy, hướng dẫn cách làm trắng da tại nhà bằng các loại kem trộn không rõ nguồn gốc, từ những người không có bằng cấp nào về da liễu. Riêng trên TikTok, hashtag #skinwhitening có hơn 254 triệu lượt xem, trong khi #skinlightening có 62 triệu lượt xem.
Các thương hiệu làm đẹp thường "lợi dụng" định kiến màu da ở các nước châu Á, châu Phi và Trung Đông để bán các sản phẩm làm trắng da. Ảnh: Cosmopolitan. |
Càng trắng càng đẹp
Anita Benson, bác sĩ da liễu tại Nigeria và là người sáng lập tổ chức chống lại các phương pháp làm sáng da có hại ở châu Phi, phát biểu: “Mạng xã hội đã thành công cụ lớn nhất để quảng bá cho các sản phẩm làm trắng da”.
Trong những năm qua, Benson đã điều trị cho nhiều bệnh nhân gặp vấn đề da liễu sau khi tự ý sử dụng kem trộn. Cô lo ngại rằng mạng xã hội đang càng khắc sâu ý niệm sai lệch về màu da tới cộng đồng: niềm tin rằng làn da trắng mới là chuẩn mực của cái đẹp, sự giàu có.
Cách thị trường hoạt động trên Internet đang càng củng cố cho lý tưởng này.
Benson lấy ví dụ thử thách #glowupchallenge nở rộ vào năm ngoái, với hơn 4 tỷ lượt xem. Nhiều bài đăng mà cô từng nhìn cho thấy khi so sánh hình ảnh bản thân trước và sau, nhiều người trở nên trắng trẻo hơn.
Benson tin rằng những nội dung mạng phổ biến như vậy đã tạo cơ hội cho các sản phẩm “tẩy trắng làn da” càng được chấp nhận nhiều hơn. Song song với đó là nhiều sao mạng, người có ảnh hưởng được trả tiền để quảng cáo mỹ phẩm làm sáng da như thuốc uống, thuốc tiêm.
Được xem là biểu hiện của sắc đẹp, địa vị xã hội cao, làn da sáng màu từ lâu đã trở thành một trong những chuẩn mực ngoại hình ở nhiều nước như Hàn Quốc, Ấn Độ. Ảnh: SCMP. |
Năm 2018, ngôi sao truyền hình thực tế da màu người Mỹ Blac Chyna đối mặt với phản ứng dữ dội từ công chúng khi tuyên bố hợp tác với một thương hiệu làm trắng da. Mặc dù bài đăng thông báo đã bị xóa, Blac Chyna vẫn cho ra mắt BST mới.
Còn phía công ty tiếp tục quảng bá rộng rãi về liệu pháp trắng da, với lời khẳng định các sản phẩm không chứa thành phần tẩy trắng có hại như thủy ngân, hydroquinone hoặc steroid. Đây là những chất sẽ gây ra một loạt các tác dụng phụ khi sử dụng trong thời gian dài mà không có sự giám sát y tế.
"Công thức bí mật, hoàn toàn tự nhiên"
Các chuyên gia cảnh báo rằng các nhà cung cấp quy mô nhỏ thường có ít cách thức chứng minh sản phẩm của họ đảm bảo các yếu tố an toàn. Trong khi đó, việc đưa một mặt hàng bày bán lên các trang mạng lại chỉ mất vài phút thao tác, không gặp mấy khó khăn.
Nhiều sản phẩm kem trộn làm trắng da thường chứa thủy ngân, hydroquinone hoặc corticosteroid, gây độc hại đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, những món đồ từng được các cơ quan y tế cảnh báo về chất độc hại vẫn có thể dễ dàng tìm thấy trên các trang bán hàng.
Nữ bác sĩ Benson cho biết các loại kem trộn tự sản xuất, vốn không rõ xuất xứ và chắc chắn không có giấy chứng nhận kiểm định an toàn, càng đáng nghi hơn khi đến cả thành phần bên trong cũng bị giấu nhẹm.
“Những người bán chỉ nói với người quan tâm rằng đó là một công thức bí mật, hoàn toàn tự nhiên”, cô cho hay.
Một bài đăng trên Instagram quảng cáo quy trình làm trắng da. Ảnh: CNN. |
Thực tế, những bệnh nhân của Benson khi đến chữa trị thường có dấu hiệu phát ban, bong tróc da rõ, hậu quả của việc dùng đồ dưỡng da có chứa steroid.
Trong khi bệnh nhân “tiền mất tật mang” vì mong muốn có da trắng sáng, những người bán hàng và tích cực tiếp thị kem trộn lại không phải chịu trách nhiệm nào vì bán đồ lỗi, kém chất lượng.
Khi khách hàng phàn nàn và đòi bắt đền, người bán thường chặn luôn liên lạc hoặc biến mất.
Adeline Kikam, một bác sĩ da liễu khác ở Texas (Mỹ), cũng bày tỏ về những lo ngại tương tự, khi chỉ cần lướt mạng một lúc, các video tự trộn các loại kem mỹ phẩm, cho ra các công thức làm trắng tự xưng xuất hiện nhan nhản.
Christine Wanjiku Mwangi đến từ Kenya, người bán các sản phẩm làm trắng, ban đầu mua các sản phẩm làm đẹp qua mạng để trị mụn cho bản thân. Hài lòng với kết quả đạt được, cô bắt đầu xây dựng thương hiệu chăm sóc da của riêng mình.
Các nền tảng xã hội đóng vai trò quan trọng đối với công việc kinh doanh, với 99% khách hàng tìm đến thông qua mạng. Christine tin các sản phẩm của mình an toàn và hiệu quả, cô cũng công bố bảng thành phần song từ chối trả lời câu hỏi liệu chúng có được chứng nhận bởi cơ quan có thẩm quyền, cũng như không cung cấp thông tin chi tiết về cách kiểm tra bảng thành phần.
Katie Paul, Giám đốc của dự án có tên Minh bạch công nghệ, có mục đích theo dõi mức độ lan truyền nội dung có hại đến giới trẻ trên các nền tảng mạng xã hội, tin rằng nhiều công ty công nghệ lớn không thực hiện đúng theo chính sách quảng cáo mà họ công bố.
Để kiểm tra, dự án đã gửi lên một quảng cáo trên Facebook với nội dung, hình ảnh cố ý vi phạm các chính sách của Meta. Quảng cáo hư cấu có tên "Max White Lightening Gel", nhắm mục tiêu đến các cô gái 13-17 tuổi, với cảnh một phụ nữ có làn da sẫm màu đang thoa kem làm trắng với khẩu hiệu "Khám phá vẻ đẹp tiềm năng của bạn".
Quảng cáo được chấp thuận trong vòng chưa đầy một giờ. Dù chính sách của quảng cáo của Facebook nêu rõ việc cấm các nội dung "bao hàm hoặc cố gắng tạo ra nhận thức tiêu cực về bản thân, nhằm thúc đẩy chế độ ăn kiêng, giảm cân hoặc các sản phẩm liên quan đến sức khỏe khác".
Mặc dù chính sách này không đề cập trực tiếp đến các sản phẩm làm sáng da, nhưng nó bao gồm cả giới hạn quảng cáo cho chất bổ sung và quy trình thẩm mỹ cho những người từ 18 tuổi trở lên.
Tác giả: Hiền Thy
Nguồn tin: zingnews.vn