Kinh tế

Hưởng lợi nhiều về thuế khi chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp

Hiện nay nhiều hộ kinh doanh cho biết không muốn lên DN do ngại thủ tục và chi phí phát sinh. Điều này vừa khiến ngân sách nhà nước thất thu vừa gây mất bình đẳng trong môi trường kinh doanh. Trước thực tế đó, cơ quan Thuế khẳng định, sẽ thay đổi cơ chế chính sách Thuế, tăng sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh sẽ không còn “ngại lớn”.

kinh te
Nhiều hộ kinh doanh có doanh thu không nhỏ nhưng vẫn "ngại" lên DN do ngại chính sách và chi phí phát sinh. Ảnh: Thùy Linh.

Ngại phiền hà?

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh. Đây được xem là đối tượng chính để phát triển thêm số lượng DN, góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam có 1 triệu DN hoạt động theo tinh thần của Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân lớn nhất đang cản trở “tâm lý” muốn chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành DN là việc phải tăng thêm các khoản chi phí, thủ tục hành chính.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khi các hộ kinh doanh nhỏ lẻ trở thành DN, lúc này họ phải thực hiện đầy đủ các thủ tục về báo cáo tài chính, bảo hiểm cho người lao động, thuế, kế toán, phòng cháy chữa cháy, môi trường… Điều này đồng nghĩa với việc chi phí tăng lên đáng kể. Do đó, nếu theo quy định, DN nhỏ hay siêu nhỏ đều phải duy trì hệ thống kế toán, kê khai tài chính, điều này đồng nghĩa với việc tuyển thêm nhân sự, và chi phí phát sinh nhiều cũng từ đây.

Đặc biệt, hiện hộ kinh doanh và DN có 2 hình thức thuế hoàn toàn khác nhau. Nếu như hộ kinh doanh được quy định bằng một mức thuế khoán cố định thì DN sẽ phải kê khai thuế theo doanh thu, báo cáo tài chính với nhiều thủ tục phức tạp hơn, không được để xảy ra sai sót. “Nhiều hộ kinh doanh không thích thành DN chủ yếu do muốn tránh nghĩa vụ thuế, vì khu vực này thuế khoán nên việc khai báo thuế đơn giản hơn cùng các thủ tục hành chính, chi phí cũng thấp hơn nhiều. Nếu trở thành DN, với doanh thu khoảng 1 tỷ đồng đồng/năm, phải chi thêm 60-70 triệu đồng/năm để thuê kế toán, tính trên lợi nhuận là rất lớn nên họ phải chân nhắc”, ông Đậu Anh Tuấn nhận định.

Một lý do khác theo nhiều hộ kinh doanh chia sẻ, điều họ ngại nhất khi trở thành DN đó là phải đối mặt với các đoàn thanh tra, nhất là thanh tra thuế. “Nếu thành lập DN, kinh nghiệm xử lý hồ sơ, giấy tờ, hóa đơn chứng từ vẫn còn yếu và thiếu, bởi vậy nếu có đoàn thanh tra, nhất là thanh tra thuế đến kiếm tra, tôi nghĩ rằng việc bị phạt vì những vi phạm nhỏ hay lớn là điều khó tránh khỏi. Chúng tôi kinh doanh nhỏ, nhân sự không có, doanh thu cũng tầm trung nên không muốn tốn thêm bất cứ một chi phí không đáng có nào nữa”, chủ một quán ăn nhanh lớn tại quận Hoàng Mai, Hà Nội cho hay.

Ngành Thuế sẽ tháo gỡ

Trước những lo ngại của các hộ kinh doanh, ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) khẳng định, nghĩa vụ thuế của các hộ kinh doanh và doanh nghiệp là như nhau, không có sự thiên lệch. Ông Trí cho biết, hiện hộ kinh doanh được ấn định thuế khoán hàng năm. Mức thuế khoán được cơ quan Thuế khảo sát trên thực tế doanh thu của hộ kinh doanh, sau đó công khai và lấy ý kiến của hộ kinh doanh khác, cũng như Hội đồng tư vấn thuế cấp phường hoặc xã. Khi công khai, các lợi ích đằng sau sẽ lộ diện và ai cũng có quyền chất vấn việc hộ kinh doanh phát triển, có đông khách hàng, doanh thu hiển nhiên rất lớn lại thực hiện nghĩa vụ ít hơn nhiều hộ kinh doanh kém hơn. Quá trình giám sát chéo thúc đẩy sự công khai, minh bạch trong kinh doanh và hiện tại trong pháp luật thuế đó là điều cần thiết. Đồng thời, cơ quan Thuế đã và đang có nhiều giải pháp để đảm bảo mức thuế khoán với các hộ kinh doanh công khai, minh bạch, ngăn chặn thỏa thuận giữa cơ quan Thuế và hộ kinh doanh để lách thuế.

Còn theo bà Lê Thị Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế (Tổng cục Thuế), việc hộ kinh doanh “ngại” thành DN do sợ bị các đoàn thanh tra, nhất là thanh tra thuế kiểm tra là không có cơ sở. Theo lý giải của bà Thủy, khi là hộ kinh doanh cá thể, hàng năm vẫn sẽ có cán bộ thuế đến kiểm tra để rà soát doanh thu, ấn định thuế khoán. Còn khi thành DN, hiện nay công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan Thuế đều dựa trên cơ sở áp dụng rủi ro. “Nếu như DN hoạt động công khai minh bạch, hồ sơ, sổ sách, chứng từ rõ ràng thì không có lý gì phải gặp thanh tra thuế”, bà Thủy khẳng định.

Đại diện Tổng cục Thuế khẳng định, hiện ngành Thuế đang nghiên cứu thêm giải pháp để từng bước quản lý tốt hơn doanh thu của hộ kinh doanh như giám sát qua việc sử dụng máy đếm tiền; tuyên truyền để người tiêu dùng quen với việc lấy hóa đơn để giám sát doanh thu hộ kinh doanh, tránh thất thu thuế với khu vực này và đảm bảo công bằng trong kinh doanh.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Đại Trí, ngành Thuế cũng nghiên cứu giải pháp hỗ trợ để hộ kinh doanh trở thành DN. Vì những hộ kinh doanh lớn, doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, sử dụng nhiều hóa đơn (như nhà hàng, khách sạn…) việc áp dụng thuế khoán không còn phù hợp, dễ bị lợi dụng để lách thuế. “Thời gian tới cơ quan Thuế sẽ thực hiện đánh giá những khó khăn thuận lợi của việc này trên cơ sở những quan sát thực tiễn. Ngành Thuế sẽ hỗ trợ tối đa cho việc sản xuất kinh doanh của DN, tạo điều kiện để họ nhìn thấy được cái lợi về lâu về dài khi thực hiện việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể sang DN”.

Ông Đậu Anh Tuấn kiến nghị, để hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN bền vững phải có động cơ kéo và đẩy. Động cơ đẩy đó là phải để hộ kinh doanh thấy có động lực, chuyển thành DN phải được hưởng thuận lợi hơn về thủ tục thuế và quan trọng là thấy được cơ hội để họ lớn nhanh, lớn mạnh hơn. Còn động cơ kéo là môi trường kinh doanh lành mạnh. Thực tế có nhiều hộ kinh doanh quy mô chẳng kém gì DN nhưng trách nhiệm với người lao động, nhất là trách nhiệm thuế, nghĩa vụ với Nhà nước lại thấp hơn so với nhiều DN đang hoạt động công khai, minh bạch. Rõ ràng, khi tạo được môi trường kinh doanh bình đẳng sẽ có những động lực rất quan trọng để nhiều hộ kinh doanh trở thành DN.

“Thời gian tới, cơ quan quản lý cần tiếp tục rà soát những chính sách, quy định đang làm cản trở, gây khó khăn cho quá trình chuyển đổi, nhất là trong lĩnh vực thuế. Bởi chính sách đó có thể nằm ở luật, thông tư, hay chính sách của địa phương. Mỗi địa phương cần thiết chế hỗ trợ cụ thể, thông qua nhiều kênh, nhất là phải đứng vào vị trí của hộ kinh doanh cá thể, từ đó có thể tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi để họ phát triển thành DN”, đại diện VCCI khẳng định.

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ:

“Muốn hộ kinh doanh phát triển lên DN quan trọng nhất là môi trường kinh doanh, cho họ thấy họ sẽ được lợi ích gì khi chuyển từ hộ kinh doanh lên DN. Muốn vậy, thì cần có chính sách hỗ trợ thiết thực cho việc chuyển đổi này. Trong lĩnh vực thuế, cần cải cách thủ tục hành chính đối với DN nhỏ và vừa, nhất là DN siêu nhỏ để họ đóng thuế được thuận lợi hơn. Các loại hình dịch vụ đại lý thuế, kế toán cũng cần được phát triển, tạo thành dịch vụ trợ giúp thuận tiện cho DN. Về phía hộ kinh doanh, việc chuyển đổi lên DN là xu thế tất yếu. Bởi chuyển đổi từ khu vực phi chính thức sang chính thức sẽ giúp hộ kinh doanh nâng cao tính chuyên nghiệp, phát huy được tiềm năng, lợi thế để tăng cường năng suất, hiệu quả hoạt động. Việc trở thành DN cũng sẽ giúp cho uy tín, thương hiệu hàng hóa được nâng cao, được bảo hộ bởi các quy định của pháp luật, từ đó đảm bảo phát triển bền vững”.

Tác giả: Thùy Linh

Nguồn: Báo Hải quan

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP