Chuyện về cậu thanh niên 15 tuồi
Trong những ngày ngược về lịch sử, chúng tôi tìm đến nhà cụ Hà Văn Tải (90 tuổi), trú tại xóm 11, xã Hưng Lộc, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An. Mặc dù đã bước sang tuổi 90, nhưng những ký ức về năm tháng hoạt động cách mạng chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền như đang sống lại qua giọng kể đầy tự hào của cụ.
Ánh mắt nhìn về xa xăm, cụ Hà Văn Tải kể cho chúng tôi về những ngày đầu tham gia cách mạng. Xuất thân trong một gia đình nông dân nhưng cậu bé được bố mẹ cho đi học đến nơi đến chốn.
|
14 tuổi, nam sinh Hà Văn Tải thi đầu vào ở trường Quốc học Vinh (nay là trường THPT Huỳnh Thúc Kháng). Những ngày tháng theo học, cậu đã chứng kiến cảnh lầm than của những người lao động nơi đây.
Năm ấy thị xã Vinh (TP.Vinh bây giờ) người đi xin ăn, người đói, người chết, đầy thành phố, các vùng quê lân cận tràn về TP.Vinh nằm la liệt đường phố. Thân hình gầy guộc, đen nhẻm, quần áo rách rưới là hình ảnh nhận biết những người này.
“Những ông Tây, bà đầm đuổi họ đi vì sợ chết trước cửa nhà nhưng họ làm gì có sức mà đi. Trên đường đi học qua đường Phan Châu Trinh, tôi gặp xe ba gác chở 3, 4 xác người, tấp những quần áo rách, chiếu rách. Xe ba gác đó họ đi về bãi tha ma đằng sau chùa Diệc, cứ một hố chôn vài người, nhìn rất thê thảm và thương xót.
Ở cầu Cửa Tiền (TP.Vinh), nhiều người bồng theo những đứa bé 2 tuổi, 5 tuổi, 10 tuổi. Ai xin thì cho, ai mua thì bán. Họ thương con nhưng nếu có người mua con, xin con về nuôi là họ mừng, đứa trẻ ấy sẽ có thêm một cơ hội để sống sót. Chứng kiến những cảnh tượng ấy mới thấy dân ta thời ấy lầm than như thế nào”, cụ Tải nhớ lại.
Đến đêm 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, TP.Vinh đỏ lừng vì pháo sáng. Sáng hôm sau, Hà Văn Tải cùng bạn bè đi học thì nghe tin trường đã bị Nhật chiếm đóng. Cậu học trò đành ôm cặp sách về quê ở xã Phúc Thành.
Ở quê vùng bán sơn địa không khác gì ở thành phố, người ăn mày, ăn xin khắp nơi tụ tập cây đa làng Phúc Thọ. Họ nhổ cây rau má dọc đường, hái trộm những lá khoai lang, xin được nắm khoai nắm gạo để chống đói. Hầu hết các gia đình trong làng ăn cháo, ăn lớ (lúa dẹp rang lên, tán ra như cám để ăn),…
|
Và chính thời khắc này đã thôi thúc cậu thanh niên Hà Văn Tải quyết định tham gia cách mạng khi vừa tròn 15 tuổi.
“Thời điểm này cán bộ Việt Minh đã gọi tôi cùng mấy người nữa lên nói chuyện. Sau khi được giác ngộ, tôi được giao nhiệm vụ làm liên lạc cho Việt Minh ở xã. Cán bộ Việt Minh giao cho vài anh em như tôi mấy việc như canh cho các đồng chí họp, canh gác, đi viết khẩu hiệu “Hãy ủng hộ người bị đói”. Ngoài ra chúng tôi còn phải tự thân mình đi vận động bà con, nhà giàu người ủng hộ, khoai gạo để ủng hộ người ăn mày”, cụ Tải nhớ lại.
Đêm đến, Hà Văn Tải cùng các thiếu niên trong làng tập đi, tập đứng, tập hô khẩu hiệu. Sau đó, phong trào tập tự vệ bằng gậy trong xã rạo rực hơn bao giờ hết.
Ngày 17/8/1945, cả làng tập hợp ở đình Hương, kéo vào nhà lý trưởng bắt ông giao tiền lại cho làng. “Hôm đó ông lý trưởng tái mặt, vâng lệnh Ủy ban khởi nghĩa nộp tiền. Cuộc giành chính quyền làng thắng lợi. Từ nay làng ta không có lý trưởng, chính quyền về tay bà con”, cụ Tải kể bằng giọng điệu tự hào.
Chiến sỹ bước dưới lá cờ đỏ sao vàng
Sau thời gian ngắn, tập luyện đội hình, những ngày đầu tham gia cách mạng, Hà Văn Tải được giao tập hợp các thiếu niên trong xã chuẩn bị cho cuộc biểu tình cướp chính quyền ở làng và huyện. Sau một thời gian ngắn luyện tập, ông vui mừng khi được biết, đội thiếu niên sẽ có mặt trong đoàn biểu tình cướp chính quyền ở xã vào ngày 20/8.
Đến ngày 25/8, nhân dân các xã dưới sự chỉ huy của Việt Minh tập hợp kéo về dinh quan huyện Yên Thành Lưu Văn Xân. Lúc này, Hà Văn Tải dẫn đầu đội thiếu niên, hòa cùng dòng người hừng hực khí thế bước đi dưới lá cờ đỏ sao vàng, hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Việt Minh muôn năm”.
|
Lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên trong sân dinh quan huyện. Trước hàng vạn quần chúng và tự vệ cách mạng, tại sân huyện đường Yên Thành, thay mặt ủy ban khởi nghĩa, ông Ngô Xuân Hàm (sau này là Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An, 1916 -2009) bắn ba phát súng lệnh, sau đó đứng lên tuyên bố xoá bỏ chính quyền thực dân phong kiến. Sau đó, Lưu Văn Xân đứng lên, cúi đầu giao nộp toàn bộ sổ sách, con dấu cho đại diện chính quyền cách mạng.
Giành được chính quyền về tay mình, người dân trở nên hăng say lao động hơn bao giờ hết. Họ lao động hăng say trên những thước đất do mình làm chủ.
Niềm vui nối tiếp niềm vui, cả làng từ già đến trẻ lại reo hò được biết ngày 2/9/1945, Chính phủ cách mạng lâm thời Việt Nam được thành lập, Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
“Trước đó, mọi người cứ rỉ tai nhau có một vị thánh sẽ cứu đất nước ra khỏi lầm than. Mãi đến sau ngày 2/9, tôi mới biết vị thánh đó là vị lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc”, cụ Tải nhớ lại.
|
Ngày ngày hăng say lao động, đêm đến, từ người già đến trẻ nhỏ, đàn ông đàn bà,… háo hức tham gia lớp bình dân học vụ. Không khí tự do, dân chủ rộn khắp thôn làng. Hà Văn Tải trở thành thầy giáo của những lớp bình dân học vụ thời đó.
Cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ phát động “Tuần lễ vàng,” nhân dân hiến vàng cho Việt Minh để kiến thiết đất nước. Thời điểm này, để kêu gọi người dân hiến vàng rất khó khăn, bởi nhiều nhà giàu có tư tưởng giữ của cải cho riêng mình. Lúc này, có một số nhà giàu tự nguyện hiến vàng, tuy nhiên có một số nhà vẫn giữ làm của riêng mình. Ông Hà Văn Tải cùng các thanh niên khác bèn nghĩ ra cách sáng tác nên một vở kịch “Tiếng gọi của vàng” để gọi bà con đến xem để tuyên truyền nội dung phát động “Tuần lễ vàng”.
Thời điểm ấy, Hà Văn Tải do có thân hình nhỏ nhắn nên được chọn làm nhân vật “vàng” chui vào cái bồ.
|
Còn hai người đồng môn khác to khỏe hơn gánh bồ ra giữa sân đình để diễn kịch. Từ trong chiếc bồ, Hà Văn Tải nói vọng ra: “Lời của vàng đây. Đồng bào nghe vàng nói. Tôi ở nhà ông En (tên húy của một nhà giàu trong vùng), làm giàu cho ông En. Giờ nghe lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch ra góp sức xây dựng đất nước nhưng không được ra. Tôi buồn lắm, tủi thân lắm”.
Sau màn kịch, người dân đứng dậy vỗ tay đồng tình. Đến buổi chiều cùng ngày ông En ra gặp đại diện Việt Minh, đích thân trao tặng con chạch bằng vàng để đóng góp cho cách mạng. Và tiếp đó, những giàu khác cũng vì thế mà làm theo.
Vở kịch này đã mang lại hiệu quả bất ngờ, rất nhiều nhà giàu, buôn bán hồi ấy hiến vàng cho tổ chức Việt Minh để kiến thiết đất nước.
|
Với những đóng góp nhất định cho cách mạng, ông Hà Văn Tải được UBCM lâm thời giao nhiệm vụ làm Trưởng ban thông tin tuyên truyền xã. Đến tháng 12/1948, Hà Văn Tải vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi chưa đầy 18 tuổi. Tiếp đó, ông làm Chánh văn phòng huyện Yên Thành kiêm Bí thư chi bộ Hà Huy Tập khi mới tròn 19 tuổi. Trải qua nhiều cương vị công tác tại huyện Yên Thành, Thành ủy Vinh rồi Chánh văn phòng Tỉnh ủy cho đến khi nghỉ hưu.
Trong quá trình công tác, ông Tải vinh dự được trao tặng nhiều huân, huy chương cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng 3, Huân chương Chống Mỹ cứu nước, Huân chương Độc lập hạng 3 và Huân chương Lao động hạng 3 của Chính phủ Lào tặng. Đặc biệt, cuối năm 2017, cụ Hà Văn Tải vinh dự được đón nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Và bây giờ đã bước sang tuổi 90 nhưng cụ Tải vẫn miệt mài viết sách báo.
“Nhờ có Đảng, có cách mạng, có Bác Hồ và sự đồng lòng của cả dân tộc chúng ta mới giành được độc lập. Đó là một bước ngoặt lớn của đất nước. Không khí ngày giành được độc lập khó tả lắm, xúc động lắm. Ai cũng tự hào và vui mừng bởi từ nay nước Việt Nam chính thức tuyên bố với thế giới là một nước độc lập, đất nước tự do. 74 năm trôi qua, tôi thật sự may mắn khi được chứng kiến được sự đổi thay của đất nước”, cụ Tải xúc động nói.
Nguồn tin: Báo Người đưa tin