Trong tỉnh

Hội thảo bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể

Sáng 23/4, Liên minh HTX và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến về giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể. Đồng chí Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về kinh tế tập thể chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An

Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực thúc đẩy khu vực KTTT, HTX phát triển nhanh, bền vững

Giới thiệu về tổng quan tình hình hoạt động, giải pháp hoạt động các nguồn lực cho phát triển kinh tế tập thể (KTTT) trong thời gian tới, Cục phó Cục Kinh tế hợp tác, Bộ KH&ĐT Đặng Văn Thanh cho biết: Theo thống kê sơ bộ, tính đến hết năm 2023, cả nước có 30.698 Hợp tác xã (HTX), 137 Liên hiệp HTX và 71.500 tổ hợp tác (THT). Trong tổng số HTX toàn quốc có 20.500 HTX nông nghiệp (chiếm 66,7%) và gần 10.200 HTX phi nông nghiệp (chiếm 33,3%). So với năm 2022, tổng số HTX năm 2023 tăng 1.261 HTX (tăng 4%); Liên hiệp HTX tăng 07 (tăng 5,4%) và tăng 700 THT (tăng 1%). Số HTX thành lập mới năm 2023 là 2.986 HTX (tăng 291 HTX, tăng 10,8% so với năm 2022), bình quân 250 HTX thành lập mới/tháng. Nhìn chung các chỉ tiêu về hiệu quả hoạt động của HTX, Liên hiệp HTX và THT đều tăng so với năm 2022, đặc biệt là quy mô sản xuất. Xu hướng hợp tác cũng đã được mở rộng, đi vào thực chất. Đến nay, đã có 1.718 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất kinh doanh; trên 4.339 HTX nông nghiệp đảm nhận bao tiêu nông sản, chiếm 24,5% tổng số HTX nông nghiệp, trong khi đó tỷ lệ này trước năm 2015 chỉ là 5-7%...

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Nghệ An

Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước còn một số tồn tại, hạn chế, chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Nhằm xác định mục tiêu, định hướng và giải pháp phát triển cho khu vực KTTT, HTX, khung pháp lý hỗ trợ, phát triển KTTT được hoàn thiện, đồng bộ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025. Hằng năm, Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về KTTT ban hành Kế hoạch phát triển KTTT, HTX của cả nước làm định hướng cho các Bộ, ngành, địa phương xác định mục tiêu và giải pháp phát triển KTTT, HTX trong lĩnh vực, địa bàn quản lý.

Để huy động các nguồn lực cho phát triển KTTT trong thời gian, một số giải pháp được đưa ra gồm: Sớm xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật HTX xã năm 2023 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Các Bộ, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phối hợp, hỗ trợ các địa phương và các HTX xây dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt HTX được đào tạo chuyên nghiệp, có kiến thức về kinh tế, tài chính, kinh doanh và các kỹ năng quản lý, quản trị HTX.

Các địa phương tiếp tục duy trì, thực hiện các chính sách hỗ trợ phù hợp đã ban hành, trường hợp không còn phù hợp phải kịp thời sửa đổi, thay thế; các tỉnh, thành phố chưa ban hành phải ban hành chính sách và dành nguồn lực để hỗ trợ phát triển KTTT, HTX; không trông chờ, ỷ lại.

Nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm các mô hình đã thành công; tổ chức liên kết phát huy trí tuệ tập thể, cộng đồng trách nhiệm, góp phần nâng cao hiệu lực, nguồn lực của mỗi cá nhân, mỗi thành viên, đồng thời góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả nền kinh tế của đất nước. Nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù trong huy động và sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ HTX và bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách. Nâng cao vai trò của các tổ chức đại diện, nòng cốt là Liên minh HTX Việt Nam các cấp, nhất là trong việc tuyên truyền, phản biện chính sách; làm cầu nối triển khai và tăng khả năng tiếp cận chính sách; tư vấn, hỗ trợ các HTX. Phát huy hiệu quả hơn nữa các Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, đồng thời, tăng cường hợp tác công - tư, tăng cường nguồn lực từ chính các thành viên HTX, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực của xã hội để thúc đẩy khu vực KTTT, HTX phát triển nhanh, bền vững.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương đã tập trung thảo luận và đề nghị Bộ, ngành, cơ quan Trung ương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số quy định, trích lập dự phòng rủi ro các Quỹ như đối với tổ chức tín dụng; bổ sung quy định cho phép các Quỹ được áp dụng cơ chế xử lý rủi ro khi cho vay tín chấp theo chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn quy định. Tạo điều kiện cho các Quỹ thực hiện chức năng tiếp nhận, huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách từ các chương trình, dự án, các nguồn tài trợ, viện trợ trong và ngoài nước; cân đối, bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước tiếp tục bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ Trung ương thời gian tới. Phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam tham mưu cho Chính phủ cụ thể hóa một cách đồng bộ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với HTX theo Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh, các Quỹ địa phương chủ động, tích cực, khẩn trương tham mưu đề xuất UBND tỉnh, thành phố sớm ban hành quyết định thành lập mới, hoặc tổ chức sắp xếp lại hoạt động, bổ sung vốn điều lệ để tăng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ, đáp ứng tối đa nhu cầu về vốn tín dụng cho phát triển KTTT trên địa bàn.

Đồng hành, tháo gỡ “điểm nghẽn” quan trọng về vốn cho KTTT, HTX

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ chủ trì tại điểm cầu Nghệ An

Tại Nghệ An, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương để triển khai thực hiện phát triển KTTT, HTX. Khu vực KTTT, HTX của tỉnh từng bước phát triển ổn định, tăng nhanh về số lượng HTX, chất lượng hoạt động được nâng lên, khẳng định được ưu thế và vai trò cùng với kinh tế Nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế địa phương. Tính đến ngày 31/12/2023, toàn tỉnh Nghệ An có 895 HTX, số lượng HTX hoạt động hiệu quả chiếm 56,09%; số lượng thành viên tham gia các HTX là 268.076 thành viên, tổng số lao động thường xuyên là 60.898 người, các HTX ngày càng chuyển dịch theo hướng đa dạng hoá ngành nghề.

Tính đến ngày 31/12/2023, đã có 4 HTX được vay vốn từ các ngân hàng thương mại của tỉnh với doanh số cho vay luỹ kế đạt 20,272 tỷ đổng, tổng dư nợ 7,200 tỷ đồng; có 11 HTX được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX với số tiền 4,480 tỷ đồng và 05 HTX vay với số vốn 1,650 tỷ đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm Liên minh HTX Việt Nam…

Để góp phần tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng đối với khu vực KTTT, HTX, thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục đề ra các giải pháp, chỉ đạo các cấp, ngành, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cùng với hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng vào cuộc, đồng hành, tháo gỡ “điểm nghẽn” quan trọng về vốn cho KTTT, HTX của tỉnh.

Tác giả: Kim Oanh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP