Trong tỉnh

Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025

Sáng 20/5, Chính phủ tổ chức Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025. Đồng chí Phạm Minh Chính – Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Bùi Thanh An – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An

Đến hết tháng 4/2025, tiến độ giải ngân đã bắt đầu có sự tăng tốc, bắt kịp tiến độ so với cùng kỳ năm 2024

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, về tình hình phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2025: Tổng số vốn năm 2025 được Quốc hội quyết nghị là 829.365,421 tỷ đồng, trong đó đã phân bổ cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương 825.922,269 tỷ đồng; chưa phân bổ 3.443,152 tỷ đồng vốn của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Căn cứ quy định Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao 100% kế hoạch vốn năm 2025 đã được Quốc hội phân bổ.

Đến ngày 30/4/2025, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn năm 2025 chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án là 817.968,261 tỷ đồng, đạt 99% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; Chưa thực hiện phân bổ 7.954,008 tỷ đồng của 17 Bộ, cơ quan Trung ương và 21 địa phương.

Về tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2025, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/4/2025 là 128,5 nghìn tỷ đồng, đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cùng kỳ năm 2024 giải ngân 110,5 nghìn tỷ đồng, đạt 16,64%. Như vậy, về giá trị tuyệt đối, năm 2025 giải ngân cao hơn cùng kỳ năm 2024 khoảng 18 nghìn tỷ đồng, nhưng tỷ lệ giải ngân so với số vốn Thủ tướng Chính phủ giao thì thấp hơn.

Giải ngân vốn ngân sách Trung ương đạt khoảng 46.694 tỷ đồng, đạt 13,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 (16,79%); giải ngân vốn ngân sách địa phương khoảng 81.818,9 tỷ đồng, đạt 17,20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2024 (16,56%). Giải ngân vốn của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) là 4.707,3 tỷ đồng, đạt 21,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

So với kết quả giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm, đến hết tháng 4/2025, tiến độ giải ngân đã bắt đầu có sự tăng tốc, bắt kịp tiến độ so với cùng kỳ năm 2024. Kết quả trong 4 tháng năm 2025, có 10 Bộ, cơ quan Trung ương và 35 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Một số Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 20%. Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm, còn một số Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa giải ngân hoặc giải ngân rất thấp.

Tại hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cho biết, thời gian qua, đã nhận diện các vướng mắc, khó khăn, nguyên nhân chính ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công và đã có các chỉ đạo rất sát sao, kịp thời; tuy nhiên đến nay vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Đó là, vướng mắc về bồi thường, thu hồi đất, tái định cư; vẫn còn tình trạng khan hiếm, thiếu nguồn cung các vật liệu đất đắp nền, cát, đá để thi công, giá vật liệu tăng cao so với thời điểm mời thầu làm tăng chi phí dự án; khó khăn liên quan đến đơn giá, định mức. Một số dự án bị chậm do chồng chéo, vướng mắc về quy hoạch, phải đợi điều chỉnh quy hoạch để đảm bảo thống nhất; phát sinh một số vướng mắc trong tổ chức thực hiện khi sáp nhập địa giới, sắp xếp bộ máy hành chính…

Tính đến ngày 30/4/2025, tỉnh Nghệ An đã giải ngân 2.256 tỷ đồng, đạt 22,56%, cao hơn bình quân cả nước

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bùi Thanh An phát biểu

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bùi Thanh An cho biết: Tính đến ngày 30/4/2025, tỉnh Nghệ An đã giải ngân 2.256 tỷ đồng, đạt 22,56%, cao hơn bình quân cả nước (ước đạt 15,56%); cập nhật đến ngày 10/5/2025 đạt 25,49%/tổng kế hoạch và đạt 28,12%/KH đã giao (cao hơn so với cùng kỳ 26,36%). Trong đó, một số nguồn giải ngân đạt khá như: Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (đạt 59,65%), ngân sách địa phương (đạt 27,08%),…

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại điểm cầu Nghệ An

Mặc dù kết quả chung đạt được khá tích cực, tuy nhiên một số nguồn vốn của tỉnh giải ngân còn chậm. Trong quá trình thực hiện, tỉnh Nghệ An đã rút ra một số bài học kinh nghiệm. Đó là, tăng cường vai trò của người đứng đầu; phân công, phân nhiệm rõ người, rõ việc; tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chủ động trong khâu chuẩn bị thực hiện dự án, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án cả về công tác giải phóng mặt bằng và công tác chuẩn bị hồ sơ thủ tục; thường xuyên cập nhật tình hình giải ngân, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tiến độ.

Tỉnh Nghệ An xác định giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, với quyết tâm phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025 của tỉnh đạt 10,5%. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp một cách linh hoạt, hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh Chính phủ

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được, nhất là 10 Bộ, ngành và 35 địa phương có kết quả giải ngân cao. Có được những kết quả đó là nhờ sự tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về thể chế; ban hành nhiều Nghị quyết, Công điện chỉ đạo đôn đốc thực hiện đầu tư công và công tác giải ngân vốn đầu tư công; tổ chức thực hiện các phiên họp của Chính phủ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhà thầu; phát huy vai trò của các Tổ công tác của Chính phủ.

Tuy nhiên, còn nhiều Bộ, ngành và địa phương chưa phân bổ hết vốn, so với cùng kỳ các năm có sự tiến bộ, tuy nhiên chậm so với tiến độ đề ra. Mặc dù các cơ quan, đơn vị đã rất nỗ lực, chỉ đạo, giao nhiệm vụ rõ ràng, nhưng cho đến nay, qua theo dõi cho thấy nhiều vấn đề phát sinh, ảnh hưởng đến đầu tư công. “Tại sao cùng một điều kiện, chính sách mà có nơi làm tốt, có nơi không làm tốt, phải chăng vấn đề không phải do điều kiện khách quan, mà là do người đứng đầu, do cán bộ?” – Thủ tướng Chính phủ đặt câu hỏi.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính thống kê những Bộ, ngành, địa phương nào giải ngân chậm để đánh giá lại cán bộ; những Bộ, ngành nào làm tốt thì khen thưởng; Bộ, ngành nào làm không tốt thì phải xử lý. Đồng thời, rút ra bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu để có giải pháp phù hợp.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp từ Trung ương tới địa phương phải quyết liệt vào cuộc, nỗ lực, tích cực hơn nữa, phân công “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả” dự án. Nâng cao ý thức chấp hành, thái độ với công việc và kết quả, hiệu quả làm việc, “nói thật, làm thật, hiệu quả thật, tránh bệnh hình thức”; triển khai thực hiện các dự án với tinh thần “thi công 3 ca 4 kíp”, “làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”…

Các Bộ, ngành, địa phương báo cáo cụ thể tiến độ, khó khăn, vướng mắc, nêu rõ trách nhiệm; chỗ nào chậm thì điều chỉnh, chuyển vốn sang chỗ làm tốt; đổi mới tư duy, chuyển từ chỉ đạo chung sang hành động cụ thể, có trách nhiệm rõ ràng. Cần tăng cường phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục rườm rà; đi đôi với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý các tồn tại, vướng mắc ngay tại địa phương, ngay tại từng dự án một cách linh hoạt, hiệu quả. Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo, điều hành.

“Hoàn thành 100% vốn đầu tư công đã giao, để từ đó kéo theo các ngành phát triển tạo công việc, sinh kế cho người dân; kéo theo không gian phát triển mới; giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh của hàng hoá; tháo gỡ khó khăn cho các Bộ, ngành, địa phương, kích hoạt mọi nguồn lực cho phát triển của đất nước” – Thủ tướng Chính phủ khẳng định…

Tác giả: Kim Oanh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP