|
Tập trung hệ thống chính trị vận động học sinh đến trường LTS: Đặc thù về phong tục, tập quán nên tình trạng học sinh miền Tây xứ Nghệ bỏ học vẫn diễn ra. Vì vậy, để hạn chế thấp nhất, cả hệ thống chính trị đã cùng thầy cô đến từng bản, vào từng nhà, vận động các em đến trường. Bài 2: Đẩy lùi tình trạng tảo hôn, mang “vợ chồng học sinh” tiếp tục đến lớp Với phương thức vận động mềm mỏng, cùng với sự tham gia của biên phòng, trưởng bản, cán bộ địa phương, các thầy cô đã đưa được “cặp vợ chồng” lớp 8 đến trường. |
Người có uy tín, cán bộ đảng viên đến từng gia đình tuyên truyền
Từ sáng sớm, khi sương mù vẫn còn bao phủ trên những ngọn núi, Thiếu tá Nguyễn Bá Dũng, cán bộ vận động quần chúng, Đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, Bộ đội biên phòng Nghệ An đã xuống tập trung tại trung tâm xã Nậm Cắn để tham gia với tổ đặc biệt gồm giáo viên, cán bộ địa phương, trưởng bản để thực hiện nhiệm vụ vận động học sinh trở lại trường.
Nhà trường và các lực lượng chức năng lập danh sách từng em có “nguy cơ”, đồng thời triển khai các biện pháp vận động, tuyên truyền. |
Xã biên giới Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An có phần lớn dân cư là đồng bào dân tộc H’Mông sinh sống ở các bản làng khác nhau. Đã nhiều tuần trôi qua sau khi hết thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2024 theo quy định, nhiều học sinh vẫn chưa đến lớp. Vì vậy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã triển khai các biện pháp khác nhau để tuyên truyền đến các gia đình động viên con, em trở về trường tiếp tục học tập.
“Nguyên nhân chủ yếu do phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào dân tộc H'Mông xem mùa xuân là mùa lễ hội. Trong dịp Tết, họ thường đến các địa phương khác để thăm thân.
Nhiều học sinh tham gia các hoạt động vui chơi, thăm thân với gia đình chưa kịp trở về. Những trường hợp này không đáng lo bởi chỉ vài hôm nữa các em sẽ đến lớp. Chúng tôi tập trung vào các trường hợp bỏ học để lấy vợ, lấy chồng, theo người lớn đi làm ăn xa”, Thiếu tá Dũng nói.
Tổ vận động đến nhà các em học sinh bỏ học tiếp tục đến trường. |
Thầy Đinh Tiến Hoàng, Hiệu trưởng trường PTDTBT THCS Nậm Cắn cho biết, năm học 2023 – 2024, trường có 338 học sinh, phần lớn là con em đồng bào dân tộc. Sau Tết Nguyên đán 2024, có 7 em vắng học nằm trong danh sách “nguy cơ”, thì có đến 4 em bỏ do ở nhà lấy chồng lấy vợ.
“Năm nay, trường tổ chức tổ vận động với sự tham gia tích cực của các chiến sĩ biên phòng, chính quyền xã, già làng và thực hiện đồng bộ nhiều phương pháp tuyên truyền. Ban đầu tất nhiên rất khó khăn, bởi các em cưới nguyên do là được chính bố mẹ đồng ý. Rất mừng là sau nhiều nỗ lực thì đã có hai em học sinh lấy nhau đang học lớp 8 và lớp 9 đều đã trở lại trường”, thầy Hoàng cho biết.
Hiệu trưởng cho biết thêm, việc tuyên truyền theo hướng mềm mỏng, khuyên nhủ nhẹ nhàng, phân tích lợi và hại khi lấy chồng, lấy vợ sớm. Bởi nếu quá cứng rắng thì khả năng các em sẽ hành động dại dột. Thay đổi nhận thức là phương pháp hiệu quả nhất và chính học sinh nữ cũng hiểu các em chưa sẵn sàng làm mẹ sớm.
Triển khai nhiều biện pháp chống tảo hôn
Thiếu tá Nguyễn Tuấn Anh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn cũng đã trực tiếp tham gia tổ công tác của xã vào bản Huồi Pốc để “tìm”, “kéo” học sinh còn nghỉ học đến lớp. Sau thời gian nghỉ Tết, vẫn còn 6 học sinh ở địa bàn bản Huồi Pốc chưa trở lại lớp.
“Có trường hợp, học sinh thấy tổ công tác đến thì tìm cách né tránh. Chúng tôi sẽ kiên trì để tiếp tục tuyên truyền, vận động các cháu về trường học tập, đồng thời huy động sự vào cuộc của già làng, trưởng bản, người có uy tín để các cháu không bỏ học giữa chừng”, Thiếu tá Tuấn Anh nói.
Mặc dù mới học lớp 8 nhưng nữ sinh này đã lấy chồng thời điểm nghỉ Tết. |
Theo Thiếu tá Nguyễn Tuấn Anh, tình trạng tảo hôn là một bài toán vô cùng nan giải. Người dân tộc H’Mông có tục bắt vợ, chỉ cần bước qua ngưỡng cửa nhà trai là người con gái đã mang tiếng một đời chồng.
Mấy năm trở lại đây, thông qua mạng xã hội, các em lại có điều kiện quen, gặp gỡ và trao đổi nhiều hơn. Cuộc hôn nhân không những chưa được pháp luật công nhận, thậm chí còn đóng lại bao ước mơ, khát vọng trước ngưỡng cửa cuộc đời của các em.
Chính vì vậy, trong năm học, cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đã phối hợp với nhà trường tổ chức các buổi học ngoại khoá về Luật Hôn nhân và gia đình cho các em học sinh cuối cấp THCS.
Các nội dung tuyên truyền được cán bộ đồn Biên phòng biên soạn ngắn gọn, phù hợp với lứa tuổi để phổ biến cho học sinh, từ đó góp phần nâng cao nhận thức cho các em về vấn đề hôn nhân và gia đình, phòng chống tảo hôn, để các em dễ hiểu và thực hiện.
Hội thi tìm hiểu pháp luật về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. |
Theo thống kê của của UBND huyện Kỳ Sơn, từ năm 2020 đến năm 2024, toàn huyện có 768 trường hợp vi phạm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Thời điểm trước và sau tết nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, toàn huyện có 84 trường hợp vi phạm.
Trong đó có 9 trường hợp là học sinh THPT, 13 trường hợp là học sinh THCS. Tập trung ở các xã có đồng bào H'Mông sinh sống như Na Ngoi, Huồi Tụ, Nậm Càn, Mường Lống, Tây Sơn… Độ tuổi vi phạm trung bình là 17,5 tuổi đối với nam, 15,8 tuổi đối với nữ.
Bà Vi Thị Quyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, để giảm thiểu vấn nạn này, ngay trong những ngày trước Tết, huyện đã tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho các trường học bậc Trung học cơ sở trên địa bàn. Sau hội thi, các trường đã đồng loạt tổ chức sinh hoạt dưới cờ và tổ chức ký cam kết với học sinh về nội dung không vi phạm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Từ năm 2021, huyện miền núi Kỳ Sơn đã ban hành kế hoạch thực hiện “Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2025”. Lãnh đạo UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, trước mắt trong năm nay và những năm tới huyện sẽ tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng triển khai các giải pháp và bằng hành động, việc làm cụ thể.
Đặc biệt, huyện Kỳ Sơn đang tiến hành xử phạt các trường hợp vi phạm tảo hôn theo quy định của pháp luật bằng hình thức phạt hành chính và xử lý hình sự để răn đe kịp thời. Các trường hợp bị xử phạt hành chính sẽ được thông tin rộng rãi trong các cuộc họp bản và trong cộng đồng dân cư nhằm nhắc nhở, răn đe, phòng ngừa các vụ việc tương tự.
“Việc vi phạm khi đã được tuyên truyền đầy đủ và ký cam kết thì xử phạt vi phạm hành chính là hoàn toàn cần thiết, phải thực hiện ngay để vừa răn đe, vừa là cách tuyên truyền hiệu quả”, bà Quyên nói.
Ông Nguyễn Bá Tân, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh Nghệ An cho biết: “Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nòi giống, phát triển trí tuệ, chất lượng dân số. Hơn thế, các em học sinh kết hôn sớm làm mất đi cơ hội học tập, việc làm, giảm chất lượng dân số, sức khỏe bà mẹ và trẻ em”. |
Bài 3: Nâng cao nhận thức, tổ chức hướng nghiệp để giảm tình trạng học sinh bỏ học
Tác giả: Nguyễn Anh Ngọc
Nguồn tin: nguoiduatin.vn