Giáo dục

Học sinh băng rừng đến trường từ 4h sáng với bữa cơm khô khốc

Học sinh huyện miền núi Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) phải đi bộ băng rừng khoảng 7 km đến trường. Mùa mưa, nhiều em phải đi học từ 4h sáng cho kịp giờ vào lớp.

Soi đèn vượt rừng đến lớp

Thôn Tây (xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) nằm lọt thỏm giữa những ngọn núi chót vót. Thôn có 89 hộ dân với khoảng 400 nhân khẩu là người đồng bào dân tộc Cor.

Đường vào thôn đi lại rất khó khăn vì chưa được đầu tư xây dựng nhiều. Tuyến đường chính vào khu tái định cư Gò Nổi ở thôn 2 chừng 3,3 km thì còn hơn 1/3 chưa được đầu tư, lởm chởm đất đá, nhiều nơi nứt toác, xói lở sau các đợt mưa lớn. Còn đường từ tổ 2 lên khu dân cư trên đỉnh núi Gừng (tổ 3) là đường đất hoàn toàn, hầu như phải đi bộ.

Đường vào thôn Tây, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng hư hỏng nặng, xe máy chỉ đi được vào mùa nắng, mùa mưa người dân phải đi bộ.

Ông Hồ Văn Khương (thôn Tây) cho biết, phần lớn người dân thôn Tây sinh sống tập trung ở khu tái định cư Gò Nổi dưới chân núi Gừng. Còn 20 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu vẫn ở trên đỉnh núi.

"Người dân có nhà tái định cư ở đây nhưng họ sống trên đỉnh núi quen rồi nên không chịu xuống. Từ đỉnh núi Gừng xuống phải đi bộ, ai khỏe cũng phải đi mất tầm 40 phút", ông Khương cho biết.

Người lớn đi bộ vượt núi đã đành, trẻ em cũng phải đi bộ băng rừng đến trường. Tại khu tái định cư Gò Nổi có trường mầm non và các lớp dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 3. Những lớp lớn hơn phải đến trường ngoài trung tâm xã Trà Sơn.

Học sinh thôn Tây phải đi bộ băng rừng đến lớp. Mùa mưa, nhiều em phải đi học từ 4h sáng.

Theo ông Khương, nhà quá xa trường, đường đi lại khó khăn nên trẻ em ở đây phải đi học từ sáng sớm. Học sinh trên đỉnh núi Gừng phải đi học từ 4h sáng. Những ngày trời mưa gió thì người lớn trong thôn luân phiên dẫn đường cho tụi nhỏ.

Ông Hồ Minh Thư có con gái út đang học lớp 11 ở trung tâm huyện Trà Bồng. Mùa nắng, ông cho con gái đi xe máy đến trường. Mùa mưa thì xe máy chỉ đi được 1/3 quãng đường, phần còn lại phải đi bộ.

"Từ đây đến trường tầm 7 km thôi nhưng mùa mưa là phải đi từ 4 - 5h sáng, lúc đó trời còn tối đen, phải rọi đèn pin để đi. Ở đây chỉ đi xe máy hoặc đi bộ, không đi xe đạp được. Đi xe đạp là lao đầu xuống núi luôn", Hồ Minh Thư chia sẻ.

Học sinh mầm non sống trên đỉnh núi Gừng băng rừng, vượt cầu tạm hơn 1 tiếng đồng hồ mới đến lớp.

Những bữa cơm khô khốc

Điểm trường hỗn hợp ở tổ 2, thôn Tây có 51 học sinh từ mầm non đến lớp 3. Tại lớp mầm non, cô Hồ Thị Thanh Thủy (44 tuổi) và đồng nghiệp đang giúp các em ăn trưa. Lớp 25 em thì có 8 em sinh sống trên đỉnh núi Gừng. Các em phải đi bộ khoảng 1 giờ đồng hồ mới đến trường. Khi đến nơi, quần áo nhiều em ướt nhẹp, lạnh run, mặt mũi lấm lem bùn đất.

Bữa cơm trưa các em mang theo nhanh chóng được bày biện trên bàn. Cô Thủy cho biết, hôm nay một số nhà cúng lúa mới nên bữa cơm của các em có ít thịt, cá.

"Hiếm hoi lắm mới được bữa có nhiều em mang theo đồ ăn. Những em có cá, thịt là do gia đình vừa cúng lúa mới, còn bình thường ăn cơm với rau, muối. Em Hồ Trọng Khoa, 4 tuổi, nhà tổ 3 phải thường xuyên ăn cơm với muối. Hôm nay mừng quá, có cá ăn", cô Thủy nói.

Nhà cúng lúa mới nên bữa cơm của cậu bé tươm tất hơn mọi hôm với mọi hôm khi có thêm một khúc cá mặn.

Điểm trường thôn Tây thực hiện hình thức bán trú dân nuôi. Học sinh ở xa mang cơm theo đến lớp ăn trưa và ngủ lại để học buổi chiều. Hầu như suốt năm các em ăn cơm với thức ăn khô, hoàn toàn không có canh. Thức ăn chỉ là rau, muối nên bữa cơm đã thiếu thốn lại còn khô khốc. Do đó, những hôm tự nấu ăn, các cô giáo sẽ bỏ tiền mua thêm ít thịt, rau nấu canh cho các em. Có hôm chỉ nấu vài gói mì với thật nhiều nước làm canh.

Cuộc sống khó khăn, đường xá cách trở nhưng học sinh thôn Tây rất siêng năng trong học tập.

Cô Hồ Thị Thanh Thủy bắt đầu dạy học ở điểm trường mầm non thôn Tây, xã Trà Sơn từ năm 2007. Thời điểm đó, khu vực thôn Tây chưa có đường đi. Mỗi lần đến trường phải đi bộ qua đoạn đường dài đầy sỏi đá, dốc đứng.

Vào mùa mưa, hầu hết các cô giáo cũng phải đi bộ tới lớp. Hôm nào trời nắng ráo thì đi xe đến tận nơi. Với các cô, việc bị ngã xe, trầy xước tay chân... là chuyện thường ngày. Không tháng nào không tốn tiền sửa xe, ít thì vài trăm, nhiều thì cả triệu đồng. Đường xa, đi lại khó khăn, nên ngày nào các cô giáo cũng khởi hành từ lúc mờ sáng.

"Gia đình khó khăn, đường đi học lại cách trở nhưng các em rất siêng. Hiếm hoi lắm mới có em nghỉ học, chủ yếu là do đau ốm, còn mưa gió gì cũng băng rừng, đi bộ đến lớp. Các lớp lớn hơn thì đi bộ ra trung tâm xã học. Mong sao các em giữ được quyết tâm học tập như vậy để sau này bớt khổ", cô Thủy chia sẻ.

Tác giả: Quốc Triều

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP