Kỳ 7 - Bản án thích đáng cho kẻ tổ chức tiền Mafia Khánh "trắng"
Thế là cuối cùng phiên tòa đã rút ngắn được 4 ngày so với kế hoạch. “Thành tích” này nói lên sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các cơ quan thực thi pháp luật: Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát. Chứng cứ đầy đủ, các nhân chứng có mặt vượt yêu cầu và tường trình có trách nhiệm, cộng với sự điều khiển nghiêm minh, sắc sảo của Hội đồng Xét xử khiến cho các bị cáo hoặc là không còn gì để nói, hoặc là cãi lấy được.
Khánh “trắng” và Đào Công Huy (bên trái) |
Khánh “trắng” từ đầu đến cuối không nhận một tội nào trong 4 tội mà Viện Kiểm sát truy tố: Tội giết người, tội cướp, tội che giấu tội phạm và tội trốn thuế. Thực ra thì ngoài tội giết người là hắn chối bay chối biến, còn những tội khác, hắn cũng nhận tí chút rằng “có lỗi”, rằng “có sai” và nguyên nhân gây nên “lỗi sai” đó là do người khác.
Sau 3 ngày xét xử đầu tiên, Khánh “trắng” bắt đầu suy sụp từ lúc các nhân chứng nói lên hành động côn đồ của hắn trong việc giết anh Đạt. Cho đến ngày tòa tuyên án, Khánh “trắng” gầy đi trông thấy. Nét mặt nhợt nhạt, hai gò má nhô cao, chỉ có đôi mắt là vẫn quắc lên. Hết ngày xét xử thứ 5, Khánh “trắng” rất không hài lòng với hai vị luật sư trong quá trình hỏi thêm về một vài tình tiết. Theo hắn kể với bạn tù thì luật sư hỏi như vậy chỉ khoác thêm tội cho hắn, và hắn tỏ ý tiếc là mời quá nhiều luật sư. Thực ra thì Khánh “trắng” hình như không hiểu được rằng tội của hắn là không thể bào chữa được và cũng không ai tha thứ được cho những hành động của hắn. Bản án tử hình dành cho hắn cộng với việc tịch thu toàn bộ 4 ngôi nhà, 2 chiếc ôtô mà hắn xây dựng và mua sắm bằng đồng tiền bóc lột, trốn thuế, cướp của người khác là thích đáng. Có lẽ khi nghe tòa án đọc bản án này, nhiều vị thân hữu với Khánh vốn hết lòng nâng đỡ “chăm lo” cho một “điển hình” như Khánh “trắng” hẳn sẽ giật mình vì sự nhẹ dạ, mất cảnh giác của mình.
Trong phiên tòa này có một “diễn viên” mà theo tôi, sự “diễn xuất” của hắn trước phiên tòa đến mức tuyệt đỉnh, đó là Nguyễn Tiến Thắng tức Thắng “trố”. Hắn nói thao thao bất tuyệt bằng giọng nói lên bổng, xuống trầm và với ngữ điệu rất “vô can”. Hắn chối bay chối biến vai trò của mình trong vụ giết Trần Thanh Hà trong buồng giam số 15. Hắn thề sống thề chết rằng, hắn và anh Hà là bạn thân từ thưở nảo thưở nào. “Thưa Hội đồng Xét xử, tôi là kẻ có học. Vậy có lẽ nào tôi nhẫn tâm giết bạn mình. Tôi xin Hội đồng Xét xử, tôi xin các nhà báo đừng nghĩ tôi như vậy. Nếu tôi giết bạn tôi, sau này lương tâm tôi cắn rứt, tôi sống làm sao đây!” - Thắng “trố” nói như vậy và hai mắt hắn đỏ hoe. Rồi Thắng đưa hai tay bị khóa số 8 lên: “Thưa Hội đồng xét xử, xin hãy nhìn tay tôi đây, tôi đã 6 lần rạch tay, lấy máu viết đơn gửi lên Cơ quan Cảnh sát điều tra, tôi thề rằng tôi không dính dáng gì đến việc bạn tôi bị chết cả”.
Nghe giọng hắn nói, nhìn đôi mắt hắn đầy vẻ xúc động, tôi cũng thấy nao lòng. Nhưng lá thư của Khánh “trắng” gửi vào cho Thắng nói rằng, chỉ riêng chuyện “chạy” cho Thắng thoát khỏi vụ giết người đó, ông anh đã tốn cho thằng em 300 triệu đồng, đã khiến tôi thêm ghê sợ vì sự diễn xuất của hắn. Thắng “trố” khá đẹp trai, tiêu tiền như đốt vàng mã và với tài “diễn” như vậy, thảo nào nhiều em chết mê chết mệt. Khánh “trắng” viết thư vào trách thằng em là tiêu hết… 2 tỉ của anh chị lại còn đánh nhau nữa. Đọc lá thư của Khánh thấy rõ rằng, Khánh rất thương yêu thằng em cùng mẹ khác cha này.
Trong phiên tòa này, Dương Văn Khánh, Nguyễn Tiến Thắng, Trần Văn Minh là ba anh em cùng mẹ khác cha ra vành móng ngựa. Khánh và Thắng nhận án tử hình, Minh nhận án 12 năm tù. Đúng là “cả nhà” phạm tội. Điều này có lẽ xưa kia hiếm thấy. Vậy mà chỉ trong vài tháng gần đây, liên tiếp mấy vụ như thế này. Vụ Nguyễn Thị Hiệp buôn hêrôin, mẹ xử tù chung thân, con tử hình. Vụ Vũ Xuân Trường, chồng bị tử hình, em tù chung thân, vợ hai mươi năm tù và lại đến vụ này. Điều đó nói lên sự xuống cấp về đạo đức, sự tha hóa về nhân phẩm và sự cuốn hút của đồng tiền đối với một bộ phận không ít người trong cộng đồng.
Tại phiên tòa, không ít lời khai của các nhân chứng đã gây cho chúng tôi một sự ngạc nhiên về thái độ vô trách nhiệm và rất nhiều điều khó hiểu khác. Một trong những trường hợp đó là bà Nguyễn Thị Uyên, nguyên Trưởng ban Quản lý chợ Long Biên. Sau thời gian bị bắt 8 tháng, được Viện Kiểm sát Tối cao miễn truy tố và được trở về chức vụ cũ (thậm chí lại còn cao hơn là Phó ban Quản lý chợ quận Ba Đình kiêm Trưởng ban Quản lý chợ Long Biên), tại phiên tòa này, bà Uyên có mặt với tư cách là nhân chứng.
Nguyễn Văn Hùng tức Hùng “Cuba”, khai vanh vách trước tòa rằng, hắn đã thu tiền của bà con trong khu A2 chợ Long Biên hơn 1 năm, tháng nhiều bù tháng ít khoảng 8,5 triệu đồng. Nhưng bà Uyên không hề biết gì về việc đó. Bà ta lý giải rằng: “Vì bà là Trưởng ban, phải “bao quát chung” nên không biết được việc chúng làm. Rằng vì bà “bận” tham gia công tác Đảng, Hội phụ nữ, Công đoàn, đi vận động sinh đẻ có kế hoạch, lại phải học 2 trường đại học một lúc nên không có thời gian để theo dõi công việc”. Thật ra đó là cách giải thích nực cười. Vậy thế sinh chức Trưởng ban để làm bù nhìn ư? Việc bọn Hùng “Cuba”, Khánh “trắng” hoành hành được ở chợ Long Biên ngần ấy năm trời là chứng minh rõ ràng nhất cho thái độ hoặc là thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc là đồng lõa tiếp tay cho bọn chúng của bà Nguyễn Thị Uyên.
Tại Cơ quan điều tra, Hùng và Vũ Bá Tuyển cũng khai rằng, tiền chúng thu được không nộp vào ngân sách, không hóa đơn chứng từ và có chia cho bà Uyên. Nhưng Viện Kiểm sát cho rằng lời khai đó không có căn cứ nên đã miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà Nguyễn Thị Uyên. Ngay ngoài hành lang hội trường xử án, chúng tôi gặp ông Nguyễn Minh Ngọc, Chánh án Tòa án Hà Nội và nêu câu hỏi về trách nhiệm của Nguyễn Thị Uyên trong việc này, ông cho chúng tôi biết là Hội đồng xét xử cũng sẽ xem xét đến.
Tại phiên tòa, phần bào chữa cho các bị cáo của luật sư cũng hết sức sôi nổi. Ngoài hành lang phòng xử, trong những lúc rỗi rãi, một số luật sư có tâm sự với chúng tôi rằng, bào chữa cho các bị cáo rất khó khăn, bởi lẽ từ sâu thẳm trong tình cảm, họ cũng có “nghi ngờ” về thân chủ của mình. Nhiều “thân chủ” đã có 3 đến 5 tiền án, tiền sự; nhiều tên tuổi như Khánh “trắng”, Vinh “đồng”, Triệu “con”, Hùng “Cuba”… vẫn còn gây ra nỗi khiếp sợ cho bà con ở chọ Long Biên, chợ Đồng Xuân.
Để giảm tội cho Khánh “trắng”, về vụ giết người ở 44 Hàng Chiếu, 3 luật sư đều cho rằng chưa đủ chứng cứ và lời khai của nhân chứng thiếu sức thuyết phục, thiếu tin cậy. Nhưng các luật sư cũng không có được chứng lý nào vững chắc bác được chứng cứ mà cơ quan tố tụng đưa ra. Đáng lưu ý nhất là luật sư bào chữa cho Nguyễn Văn Hùng (tức Hùng “Cuba”) đã phân tích cho mọi người thấy rõ rằng: Việc bọn Hùng “Cuba” phạm tội một cách có hệ thống kéo dài như vậy là tội của Ban Quản lý chợ Long Biên, vì thế cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Trưởng ban Quản lý chợ Long Biên. Chúng tôi thấy lập luận này của luật sư đã được đông đảo người dự phiên tòa đồng tình.
Sáng ngày thứ 7 (13/9). Các bị cáo được tự bào chữa cho mình.
Dương Văn Khánh vẫn bác bỏ tất cả mọi tội mà Viện Kiểm sát truy tố y và kêu oan rằng, y không giết anh Đạt, không trốn thuế, không cướp, không che giấu tội phạm. Khánh kể lể nhiều về thành tích giúp đỡ Bà mẹ Việt Nam anh hùng, về các hoạt động từ thiện mà y đã làm. Y khẳng định, sự giúp đỡ đó là xuất phát từ “tình cảm, trách nhiệm”. Đồng tiền mà y bỏ ra để làm từ thiện là đồng tiền “chân chính” chứ không phải là đồng tiền bất chính. Thật nực cười, từ một anh đạp xích lô, sau dăm năm làm quản lý một đội bốc xếp mà có được 4 ngôi nhà (tòa tuyên tịch thu) và số tài sản hàng trăm triệu đồng; riêng tiền cho thằng em là Thắng “trố” đánh bạc, chơi gái hết 2 tỉ… có nghề nào làm ăn tử tế mà được như vậy không?!
Khi các bị cáo được nói lời cuối cùng, cả hội trường bật cười khi Thắng “trố” đề nghị Tòa án, Chính phủ ghi nhớ “công lao” của Khánh “trắng” đã biến khu vực chợ Đồng Xuân thành nơi “an ninh trật tự tốt, sạch nạn trộm cắp và nuôi được bao nhiêu người”.
Khánh “trắng” tỏ ra dũng cảm hơn, xin nhận tội tất cả và xin tòa tha cho những bị cáo mà đã cùng y đến cướp phá nhà hàng 71D và 71E Kim Mã.
Chúng tôi nhìn thấy những giọt nước mắt trên các khuôn mặt hối tiếc, ân hận của Dương Văn Khánh, của Ngô Duy Ân, Đoàn Ngọc Anh, Trần Văn Minh (em Khánh)… nhưng lúc này, tất cả đã quá muộn rồi.
Tác giả: N.N.P
Nguồn tin: petrotimes.vn