KỲ 4 - Trừng phạt
Sau khi Khánh “trắng” bị bắt, một câu hỏi thường được nhiều người đặt ra là: Tại sao ổ nhóm Khánh “trắng” lại hoành hành được lâu như thế và như vậy chả lẽ Hà Nội không có chính quyền, không có công an?
Thực ra, việc bọn Khánh “trắng” có các hoạt động tội phạm, Công an Hà Nội và một số Cục nghiệp vụ của Tổng cục Cảnh sát đã “để mắt” tới từ đầu năm 1992.
Khánh "trắng" (dấu X) và đồng bọn tại tòa |
Từ năm 1993, trước những vụ việc do các băng nhóm tranh giành đất làm ăn gây ra tại khu vực chợ Long Biên, Phòng CSHS Công an Hà Nội đã có công văn đề nghị Công an quân Ba Đình và UBND quận cần phải có kế hoạch, biện pháp giải quyết những mâu thuẫn tránh hậu quả về sau. Tuy nhiên, việc quan tâm đúng vào công tác phòng ngừa tội phạm ở khu vực Đồng Xuân – Long Biên đã không ai để ý.
Phòng trọng án của Cục Cảnh sát hình sự là đơn vị được lãnh đạo Tổng cục CSND giao nhiệm vụ từ cuối năm 1993. Một tổ công tác đặc biệt gồm 4 người đã “nằm” gần 6 tháng trời tại khu vực hoạt động của bọn chúng. Anh em đã quay được nhiều băng video về các hoạt động của một số tay chân của Khánh. Hầu hết những đệ tử thân tín của Khánh “trắng” đã được anh em trinh sát “chỉ mặt, đặt tên” và lập hồ sơ về bọn chúng. Tài liệu nghiệp vụ về Khánh “trắng” và đồng bọn mỗi ngày một dày thêm, nhưng chứng cứ để bắt bọn chúng lại là vấn đề không đơn giản.
Vào đầu năm 1996, lãnh đạo Tổng cục CSND nhận được thêm nhiều đơn thư tố cáo những hành vi tội lỗi của Khánh “trắng”, duy có điều khó là nhiều người sợ bị trả thù nên đã giấu tên, làm phức tạp thêm cuộc điều tra. Mà xét cho cùng, họ giấu cũng có lý vì họ thấy hình như bọn Khánh “mạnh” lắm. Với quyết tâm phá băng tội phạm Khánh “trắng”, lãnh đạo Tổng cục CSND đã yêu cầu các trinh sát Phòng 3 tìm mọi biện pháp đẩy nhanh tốc độ điều tra phá án.
Và thời cơ đã đến, vào ngày 22/5/1996, con cáo già Khánh “trắng” đã bộc lộ bản chất côn đồ của mình bằng việc xua quân đến cướp phá toàn bộ khách sạn, nhà hàng 71D và 71E phố Kim Mã. Dưới chiêu bài là đến để “xiết nợ” vì chủ nhà là anh Vũ Thanh Mạnh có vay tiền của Khánh để kinh doanh, bọn chúng đã cướp sạch, phá sạch toàn bộ tài sản trong hai ngôi nhà đó.
Sáng ngày 24/5, toàn bộ hồ sơ về vụ Khánh “trắng” cướp phá nhà hàng, khách sạn cùng với tài liệu anh em trinh sát thu thập được trong những năm qua báo cáo với lãnh đạo Tổng cục CSND. Sau khi xem xét kỹ lưỡng, Ban Chuyên án đã ra lệnh cho đội trinh sát phải giám sát từng bước đi của Khánh “trắng” và đồng bọn. Mục tiêu đặt ra là làm thế nào quét một mẻ lưới mà tóm gọn cả bọn, không để tên nào chạy thoát.
15 giờ cùng ngày, Viện Kiểm sát tối cao phê chuẩn lệnh bắt Khánh “trắng” và đồng bọn. Và ngay sau đó các lực lượng chiến đấu như CSHS, CSCĐ, Đặc nhiệm được lệnh tập trung quân, nhưng không ai biết là làm nhiệm vụ gì. Ngay cả Trưởng phòng CSHS của Công an Hà Nội, Đội trưởng Đội đặc nhiệm cũng chỉ biết được nhiệm vụ cụ thể trước lúc xuất kích. Sự bất ngờ này là cần thiết vì trong những năm qua, lực lượng công an đã có một bài học kinh nghiệm là: Những băng nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động được lâu là vì mua chuộc được một số người của các cơ quan bảo vệ pháp luật, đồng thời vô hiệu hóa được chính quyền nơi chúng hoạt động. Chính vì vậy, nếu cứ giữ cách chiến đấu với bọn tội phạm nguy hiểm theo cách bẩm báo qua từng cấp thì hỏng hết việc. Nếu làm như vậy, chắc chắn rằng trong những năm qua, chẳng thể nào phá nổi những vụ án như vụ ở 62 Trần Phú - Nha Trang; vụ Lâm “già”; vụ Phạm Đình Nên ở Hải Phòng và ngay cả vụ buôn bán vận chuyển ma túy do Vũ Xuân Trường cầm đầu…
Từng giờ, từng phút, các trinh sát có mặt tại khu vực phố Nguyễn Thiệp để báo cáo về tình hình di biến động của các đối tượng. Và một yếu tố ngẫu nhiên đã giúp cảnh sát tóm gọn cả đám là hôm đó chúng xô xát với một nhóm lưu manh khác. Bọn kia tuyên bố sẽ “đập chết Khánh “trắng” nếu thấy ló mặt ra đường”. Để bảo vệ mình, Khánh cho gọi các đệ tử đến nhà đề phòng đối phương đánh lén.
Và bọn Khánh “trắng” hết sức ngạc nhiên khi thấy CSHS xông vào nhà mình. Chúng không ngờ, và chưa bao giờ - ít nhất trong 6 năm qua - nghĩ rằng, sẽ có ngày chúng bị pháp luật trừng trị.
Tối hôm sau, Tiến Thắng tức Thắng “trố” vẫn chỉ huy một nhóm khác đi đòi nợ theo kiểu như anh hắn mới làm tại một nhà ở phố Trần Bình Trọng. Thắng cho rằng anh hắn bị bắt “chắc công an chỉ dám giam vài ba ngày rồi phạt vi cảnh và lại… về”.
Trong quá trình đấu tranh với Khánh “trắng” và đồng bọn, các điều tra viên lại thêm một điều, hóa ra chuyện bọn đệ tử “trung thành tuyệt đối” với Khánh cũng là một phần do hắn tự tâng bốc mình để hù dọa người khác. Thực ra các thủ đoạn bóc lột sức lao động của người khác một cách tàn nhẫn, cách lợi dụng triệt để đám đàn em vào những phi vụ hắc ám không phải bọn tay chân không biết, và không phải là không có kẻ cho Khánh thêm thùng a-xít nữa. Có những tên đã lạnh lùng tuyên bố: “Nếu pháp luật không xét xử Khánh “trắng” thì chính tôi sẽ giết nó”.
Khánh “trắng” cùng đồng bọn đã bị pháp luật trừng trị thích đáng về những hành động phạm tội của chúng. Những kẻ đồng lõa, biến chất đã được nhận mức án nghiêm khắc. Vẫn biết rằng, trong cuộc đấu tranh với bọn tội phạm hình sự này, việc có những người công an sa ngã trước tiền bạc là điều khó có thể tránh khỏi, nhưng giá như đừng có thì vẫn là hơn.
(Xem tiếp kỳ sau)
Tác giả: N.N.P
Nguồn tin: petrotimes.vn